Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/4
Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 24/4.
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SAB
Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Sabeco là tập đoàn hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bia có thị phần lớn đứng thứ 2 về sản lượng tiêu thụ (sau Heineken) ở thị trường nội địa trong năm 2024, với 26 công ty con và 17 công ty liên kết cung cấp hệ thống sản xuất và phân phối khắp cả nước.

Năm 2024, SAB ghi nhận sự hồi phục nhẹ, doanh thu thuần đạt 31.872 tỷ đồng (+4,6% so với cùng kỳ năm trước) trong đó doanh thu mảng bia đạt 28.082 tỷ đồng (+4,7% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế thu được 4.495 tỷ đồng (+5,6% so với cùng kỳ năm trước) nhờ sự phục hồi sản lượng mảng bia, và cắt giảm chi phí quảng cáo không hiệu quả.
Thương vụ sáp nhập CTCP Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) - sở hữu 6 nhà máy bia với công suất 610 triệu lít/năm, giúp SAB nâng công suất thêm 25,4% đạt 3,01 tỷ lít/năm đưa Sabeco vượt qua Heineken về quy mô sản xuất, bổ sung vào danh mục sản phẩm thương hiệu bia Sagota - dòng bia không cồn đầu tiên tại Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch sang tiêu dùng bia tại nhà, khi các quy định về xử phạt nồng độ cồn càng trở nên nghiêm ngặt hơn sẽ giúp SAB được hưởng lợi nhờ mạng lưới rộng khắp. Ngoài ra, 98% sản phẩm Sabeco thuộc phân khúc phổ thông nên ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt có thể mở rộng thị phần từ phân khúc cao cấp nhờ người dân tiết kiệm chi tiêu.
Mirae Asset kỳ vọng sản lượng tiêu thụ bia vào năm 2025 sẽ tăng trưởng 5% đạt 4,3 tỷ lít, trong bối cảnh tiêu thụ bia phục hồi chậm vào năm 2024, dựa trên việc người tiêu dùng dần làm quen với nghị định 100 và sự hồi phục sức mua của người tiêu dùng khi nền kinh tế vĩ mô cải thiện.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SAB năm 2025 dự báo đạt lần lượt 34.128 tỷ đồng (+7,1% so với cùng kỳ năm trước) và 4.822 tỷ đồng (+11,3% so với cùng kỳ năm trước), nhờ: biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 30,3% khi giá lúa mạch đầu vào ở mức thấp, nhưng bù đắp được cho chi phí vỏ nhôm; tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên doanh thu thuần tiếp tục duy trì ở mức 15,4%; sản lượng tiêu thụ bia đạt 1,54 tỷ lít tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng 526,1 tỷ đồng khi hợp nhất Sabibeco.
EPS forward cho năm 2025 đạt 3.755 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/E forward ở mức 13,9 lần, thấp hơn trung bình 5 năm gần đây. Mirae Asset đánh giá TÍCH CỰC cho SAB: cổ phiếu phòng thủ với dòng tiền ổn định; lợi suất cổ tức cao, đạt 7% so với thị giá; cải thiện biên lợi nhuận, và bổ sung công suất khi sáp nhập; gia tăng thị phần lên 35,9% trong năm 2025.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu PVI
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), doanh thu năm ngoái của CTCP PVI (mã PVI) tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu bảo hiểm gốc có tốc độ tăng cao gấp đôi thị trường, đồng thời mảng tái bảo hiểm cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế (từ khi được nâng loại xếp hạng tín nhiệm lên A-).

Mặc dù vậy, lợi nhuận của PVI vẫn kém khả quan do phần doanh thu khai thác mới ban đầu hiệu quả chưa cao; Ảnh hưởng của đợt bão Yagi làm tăng chi phí bồi thường; và lợi suất đầu tư tài chính thấp hơn do mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm chỉ còn quanh 6%.
Trong quý I/2025, doanh thu hợp nhất của PVI đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 300 tỷ đồng, hoàn thành 34% và 28% kế hoạch cả năm. Ban lãnh đạo khá tự tin vào việc PVI sẽ tiếp tục tăng trưởng, và có thể hoàn thành hoặc vượt kế hoạch về doanh thu năm nay.
Về các hoạt động kinh doanh liên quan tới tập đoàn dầu khí PVN, PVI nhận định giá dầu giảm có thể khiến các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới các hợp đồng của PVI với nhóm này. Mặc dù vậy, tỷ trọng đóng góp của mảng dầu khí chỉ khoảng 10% tổng doanh thu của PVI, do đó, ban lãnh đạo đánh giá mức độ tác động là không đáng kể.
PVI chưa có kế hoạch tăng vốn, hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Từ các năm sau Công ty có thể sẽ cân nhắc phương án chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Về kế hoạch thoái vốn của PVN, ban lãnh đạo cho biết kế hoạch thoái toàn bộ 35% cổ phần của PVN vẫn đang được tiến hành theo QĐ1243, dự kiến tháng 5 sẽ hoàn thành định giá sơ bộ, nhưng chưa có tiến độ cụ thể về thực hiện việc thoái vốn. Do đó, nhiều khả năng PVN sẽ chưa thoái vốn khỏi PVI trong năm nay.
PVI đánh giá mảng tái bảo hiểm rất tiềm năng, đặc biệt là thị trường quốc tế ( với tỷ trọng khoảng 80%). Hiện mảng tái bảo hiểm chiếm tới gần 50% cơ cấu lợi nhuận của công ty, với các thị trường chiến lược chính là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hay Trung Đông. PVI kỳ vọng doanh thu mảng này trong năm 2025 có thể đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 50% so với năm trước.
Kế hoạch năm 2025 của PVI tương đối thận trọng so với dự báo của BSC. BSC đánh giá, PVI vẫn đang là công ty bảo hiểm có thị phần đứng đầu thị trường, hoạt động kinh doanh ổn định, và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Về định giá, PVI đang giao dịch tại P/B = 1.8x, cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình 5 năm. Do đó, BSC đưa ra khuyến nghị nắm giữ với PVI, với giá mục tiêu 1 năm là 62.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với upside 8,1% (đã bao gồm cổ tức tiền mặt tỷ lệ 31,5%).
► Nhận định chứng khoán 24/4: VN-Index có thể thử thách mức 1.235 điểm