Đối diện 'cơn sóng thần' thuế quan, bản đồ nào dẫn lối tránh cho doanh nghiệp Việt?

Giữa những bất định vì thuế quan, các hiệp định thương mại có sẵn là bước đệm giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chuyển hướng.

Sau khi công bố thuế đối ứng lên các đối tác thương mại hồi đầu tháng này, Mỹ đã quyết định tạm hoãn trong vòng 90 ngày, tạo hiệu ứng tích cực hơn cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Đây cũng là khoảng trống quý giá để những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam xem xét lại chuỗi cung ứng, thị trường, chuẩn bị kế hoạch cho các diễn biến sắp tới.

Đơn cử, CTCP Thực phẩm Sao Ta – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu – đang mở rộng thị trường Canada, Úc và chờ điều kiện chín muồi để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

“Các đối tác Mỹ còn chờ mức thuế đối ứng sau đợt hoãn áp thuế 90 ngày rồi mới quyết định nên hiện tại, Sao Ta đang tập trung chế biến, giao hàng cho các hợp đồng đã ký, tranh thủ đợt hoãn áp thuế”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT cho biết tại đại hội cổ đông thường niên 2025 của doanh nghiệp này. “Sao Ta chờ đợi cho đến mức thuế đối ứng cuối cùng. Và tình huống xấu nhất, rời thị trường Mỹ thì sự hụt hẫng xảy ra cũng chỉ trong thời gian ngắn”.

Ông Lực cho biết thêm, nếu chênh lệch thuế quan với các đối thủ cạnh tranh khác của tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ trên 20% thì tôm Việt sẽ khó trụ ở Mỹ.

Hiện Mỹ là thị trường chiếm tới 33% thị phần xuất khẩu của Sao Ta, theo sau là Nhật (28%), EU và Anh (21%), theo số liệu mà công ty này công bố. Ông Lực cho biết, Sao Ta đã thực hiện chuyển hướng thị trường từ nhiều năm trước nên sẽ không mất nhiều thời gian, chi phí để mở thị trường mới nếu rời bỏ Mỹ.

Với thị trường Trung Quốc, đây là nơi tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới nhưng lại chủ yếu mua nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm để chế biến lại. Giá bán hàng chế biến vào Trung Quốc sẽ không thể cạnh tranh nổi. “Sao Ta tập trung phân tích những gì mình có, nếu đáp ứng được nhu cầu Trung Quốc thì sẽ tiến hành”, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác cũng là thông điệp mà Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã tiếp tục phát đi mới đây, khuyến cáo doanh nghiệp tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ.

Nguyên nhân là bởi, việc tạm hoãn thuế đối với Việt Nam đồng nghĩa với việc chưa gỡ bỏ hoàn toàn, không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai, Mỹ sẽ gỡ bỏ hoặc ít nhất giảm thuế đối với Việt Nam.

“Việc Mỹ thay đổi chính sách thương mại có thể tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia nhập khẩu cuối cùng, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao”, Vasep khuyến nghị.

Với ngành gỗ - một trong những lĩnh vực xuất khẩu nhiều vào Mỹ với tổng giá trị năm ngoái đạt 9 tỷ USD, cơn địa chấn thuế đã cho thấy tăng trưởng theo bề rộng thiếu tính bền vững.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết, ngành gỗ vẫn dựa vào lợi thế chi phí, thâm dụng lao động, nguồn nguyên liệu giá rẻ để cạnh tranh. Do vậy, chính sách thuế đã khiến các doanh nghiệp lung lay.

“Các doanh nghiệp của chúng tôi hiện đang đàm phán với đối tác nước ngoài chia phần thuế 10%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết hiện lãi dưới 5% nên không thể chia sẻ mức thuế quan”, ông Hoài cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 mới đây.

Không chỉ mức lãi mỏng, ngành gỗ còn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ khi tỷ trọng xuất khẩu tới thị trường này lên đến hơn 56% vào năm ngoái.

Ông Hoài cho rằng, đã đến lúc phải nhìn lại chặng đường đã qua và phải chấp nhận một kịch bản nhất định liên quan đến thuế đối ứng.

“Tôi cho rằng đã đến lúc phải hi sinh tăng trưởng số lượng để nâng chất lượng. Ngành gỗ có thể làm ít đi nhưng sản phẩm giá trị cao”, ông Hoài nhấn mạnh. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp đã làm được điều này, dù chưa có nhiều, nhưng không bị lung lay bởi thuế đối ứng.

Mở đường bằng FTA

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 mới đây, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế, cho biết, Việt Nam hiện đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 hiệp định thương mại (FTA), với 16 FTA đang thực thi.

Các hiệp định này đã giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Không chỉ vậy, các FTA còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Minh Anh phân tích.

Việc tạm hoãn thuế 90 ngày và áp mức 10% trong thời gian đàm phán được đánh giá tạo cơ hội cho Việt Nam thương thảo, đa dạng hóa thị trường (EU, Nhật Bản, ASEAN) và tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Để tận dụng hiệu quả các FTA sẵn có, vị này khuyến nghị, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và các cam kết phi thương mại trong từng FTA; cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công thương.

Cùng với đó, cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm như đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã, và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường FTA; tham gia các hiệp hội ngành hàng và phối hợp với các hiệp hội để nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết khó khăn.

“FTA là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhưng việc khai thác các lợi thế của FTA lại phụ thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi riêng, tận dụng hiệu quả nhất những cơ hội từ FTA”, ông Minh Anh nhấn mạnh.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doi-dien-con-song-than-thue-quan-ban-do-nao-dan-loi-tranh-cho-doanh-nghiep-viet-d39796.html
Zalo