Doanh nghiệp kiến tạo giá trị xã hội từ nội bộ
Khi tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) ngày càng được doanh nghiệp toàn cầu quan tâm và thực hành, yếu tố 'S' - tức là trách nhiệm xã hội - nổi lên như một trụ cột không thể tách rời trong chiến lược vận hành hiện đại. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu minh bạch, nhân văn và có trách nhiệm hơn.
Doanh nghiệp Việt đang thực hành tốt trụ cột "S"
Theo báo cáo tổng hợp gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực hành ESG cao nhất ở trụ cột Xã hội (68%), tiếp đến là Quản trị (63%) và cuối cùng là Môi trường (52%). Điều này phản ánh một thực tế tích cực: Các doanh nghiệp Việt đang ý thức ngày càng rõ về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và con người (bao gồm người lao động, khách hàng, cộng đồng và các đối tác trong chuỗi cung ứng).

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực hành ESG cao nhất ở trụ cột Xã hội
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực hành trách nhiệm xã hội không chỉ dừng ở việc làm từ thiện hay tổ chức các hoạt động cộng đồng. Quan trọng hơn cả là cách doanh nghiệp xây dựng văn hóa tổ chức từ bên trong, nơi con người được đối xử công bằng, có cơ hội phát triển và đóng góp một cách bền vững.
“Yếu tố xã hội trong ESG phải bắt đầu từ chính nội bộ doanh nghiệp. Đó là việc tạo dựng môi trường làm việc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng giới”, bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Quan hệ công chúng của Nestlé Việt Nam, chia sẻ tại một hội thảo chuyên đề diễn ra gần đây.
Nestlé là một ví dụ điển hình về việc đặt con người làm trung tâm trong chiến lược ESG. Bên cạnh hệ thống giám sát và báo cáo nghiêm ngặt, doanh nghiệp này còn xây dựng nền tảng đào tạo "NestGen" dành cho người trẻ - sự kết hợp giữa học trực tuyến và trải nghiệm thực tiễn. Đây không chỉ là chương trình định hướng nghề nghiệp, mà còn là một bước đi chiến lược để doanh nghiệp đầu tư vào thế hệ lao động tương lai - nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững.
Cũng theo bà Thương, Nestlé duy trì tỷ lệ nữ giới chiếm 50% trong Ban Giám đốc và thậm chí vượt 50% ở các vị trí quản lý cấp cao - một tỷ lệ ấn tượng trong bối cảnh bất bình đẳng giới vẫn phổ biến tại nhiều ngành nghề, đặc biệt là kỹ thuật.
Điều đáng nói, công ty còn tiếp cận sinh viên nữ từ sớm, đầu tư vào các chương trình phát triển kỹ năng nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo nữ trong tương lai.

Theo chuyên gia ESG độc lập TS. Vũ Hữu Hải, việc thực hành ESG không đơn thuần là “làm hình ảnh” mà đã trở thành chiến lược sống còn với nhiều doanh nghiệp trong thời đại số.
“Doanh nghiệp biết tận dụng ESG sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh, thu hút nhân tài, tiếp cận nguồn vốn xanh và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Trong đó, yếu tố xã hội chính là cầu nối quan trọng giữa nội lực doanh nghiệp và uy tín bên ngoài”, ông Hải phân tích.
Không dừng lại ở việc thúc đẩy hiệu suất lao động hay tinh thần làm việc, ESG còn giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực: tránh lãng phí nhân sự, năng lượng, chi phí ẩn; mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế: khi ngày càng nhiều nhà đầu tư và đối tác xem ESG là tiêu chí sàng lọc quan trọng; tận dụng chính sách Nhà nước (nhiều chương trình hỗ trợ đang nhắm vào doanh nghiệp thực hành ESG như giảm thuế, đào tạo, tư vấn miễn phí).
ESG và thực tiễn ứng dụng tại Việt Nam
Tuy còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu đúng về ESG, nhưng hiện nay, các tổ chức như USAID, IFC đã phát hành bộ khung ESG hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp Việt từng bước triển khai. Trong đó, 3 thành phần chính cần chú trọng là (1)Bộ tiêu chuẩn: như GRI, ISAB - đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để báo cáo; Khung tham chiếu: như PCAF, CDP - hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ từng yếu tố ESG; Xếp hạng ESG: từ các tổ chức như MSCI, S&P - giúp nâng cao uy tín và minh bạch.
3 thành phần chính cần chú trọng
Bộ tiêu chuẩn: như GRI, ISAB - đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để báo cáo;
Khung tham chiếu: như PCAF, CDP - hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ từng yếu tố ESG;
Xếp hạng ESG: từ các tổ chức như MSCI, S&P - giúp nâng cao uy tín và minh bạch.
Tuy nhiên, theo TS. Hải, doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào các bảng xếp hạng mà quên đi mục tiêu lớn nhất: Thực hành thật - Giá trị thật. ESG chỉ có ý nghĩa khi được nội lực hóa trong từng quyết định, hành động của tổ chức.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn, việc ứng dụng ESG càng trở nên cấp thiết. Không chỉ bảo vệ môi trường và cộng đồng, ESG còn là đòn bẩy tài chính mới: Doanh nghiệp thực hành ESG tốt thường được định giá cao hơn trên thị trường chứng khoán; Việc giảm rủi ro đầu tư thông qua quản lý minh bạch và phòng ngừa vi phạm; Tận dụng điện mặt trời, xử lý chất thải theo tiêu chuẩn ESG cũng mang lại hiệu quả kép - tiết kiệm chi phí vận hành và gia tăng hình ảnh thương hiệu.
Dù chưa có khung pháp lý bắt buộc áp dụng ESG tại Việt Nam, nhưng làn sóng ESG đang ngày một mạnh mẽ và rõ ràng. Với vai trò là nhân tố trung tâm, yếu tố xã hội cần được bắt đầu từ chính những hành động cụ thể bên trong mỗi tổ chức - từ công bằng trong tuyển dụng, tạo điều kiện phát triển cho nhân viên, đến trách nhiệm với cộng đồng và chuỗi giá trị liên quan.
“Doanh nghiệp không chỉ sống vì lợi nhuận, mà còn phải sống cùng xã hội. ESG không phải lựa chọn, mà là con đường tất yếu cho sự phát triển bền vững”, TS. Vũ Hữu Hải nhấn mạnh.
Trong hành trình phát triển, doanh nghiệp Việt nếu biết coi trọng và đầu tư bài bản vào trụ cột xã hội trong ESG, sẽ không chỉ đạt được thành công kinh tế mà còn tạo dựng được niềm tin lâu dài với thị trường và cộng đồng.