Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá ổi

Mọi người thường chỉ biết đến tác dụng của quả ổi đối với sức khỏe mà không hề biết rằng lá ổi cũng rất tốt cho sức khỏe, trong Đông y lá ổi còn là vị thuốc.

Quả ổi được biết đến là loại quả ngon và rất giàu vitamin C. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến tác dụng của lá ổi. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra những lợi ích tuyệt vời của lá ổi đối với sức khỏe như sau:

Lá ổi giúp chữa tiêu chảy.
Lá ổi tốt cho sức khỏe tim mạch.
Ổn định lượng đường trong máu.
Ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
Giảm cân.
Cải thiện sức khỏe răng - miệng.
Cải thiện chất lượng làn da, tóc.
Làm dịu hệ thống thần kinh, từ đó giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Chữa ho, cảm lạnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhờ lượng vitamin C và sắt có trong lá ổi.
Hỗ trợ quá trình điều trị bệnh viêm phế quản.
Hỗ trợ điều trị Gout.
Lá ổi có khả năng ngăn ngừa sự giải phóng của các Histamin, từ đó giúp hạn chế và hỗ trợ điều trị các tình trạng dị ứng.
Giảm các cơn đau bụng khi chị em “tới tháng”.

Các bài thuốc chữa bệnh từ lá ổi

Theo Y học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng.

Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa đại tiện lỏng, lỵ mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, tiểu đường.

Lá ổi rất tốt cho sức khỏe

Lá ổi rất tốt cho sức khỏe

Ổi chữa đau bụng đi ngoài

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả ổi còn xanh thì chát có tính gây táo bón và có thể dùng chữa đi ngoài lỏng. Khi chín, quả ổi tác dụng nhuận. Người ta ăn ổi chín hoặc chế thành mứt đóng hộp.

Lá non và búp ổi non là vị thuốc chữa đau bụng đi ngoài, kinh nghiệm lâu đời trong nhân dân. Chúng thường dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Ngày dùng 15-20g búp non hay lá non, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác như chè, gừng.

Vỏ rễ và vỏ thân cũng được dùng để chữa đi ngoài và rửa vết thương, vết loét. Người ta dùng với liều 15g sắc với 200ml nước, nấu cạn còn chừng 100ml.

Chữa tiêu chảy cấp

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y Đình Thuấn cho biết, búp ổi hoặc vỏ rộp ổi (vỏ thân cây ổi) 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g. Sắc đặc uống.

Hoặc búp ổi 12g, vỏ rộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, ngày 2-3 lần.

Tiêu chảy do hàn

Búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ. Hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g. Sắc uống.

Tiêu chảy do nhiệt

Vỏ rộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng. Tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn.

Hoặc vỏ rộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g. Sắc đặc uống nóng.

Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu

Lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g. Tất cả sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.

Chữa lỵ mạn tính

Quả ổi khô 2-3 quả, thái phiến, sắc uống.

Hoặc lá ổi tươi 30-60g sắc uống.

Mụn nhọt mới lên

Lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.

Kiêng kỵ: Người bị táo bón hoặc tả, lỵ có trướng bụng không tiêu không nên dùng.

Trên đây là các bài thuốc chữa bệnh từ lá ổi. Lá ổi cũng là một vị thuốc trong Đông y nên nếu muốn sử dụng lá ổi lâu dài hoặc với mục đích chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-la-oi-ar889939.html
Zalo