Thuốc trị đổ mồ hôi trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng ra nhiều mồ hôi vào ban đêm dù thời tiết không nóng. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh...
1. Cách nào điều trị đổ mồ hôi trộm?
Điều trị đổ mồ hôi trộm theo nguyên nhân
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm có rất nhiều, do đó khi điều trị cần tìm hiểu nguyên nhân.
- Nếu do môi trường, lối sống, cần cải thiện môi trường và thay đổi lối sống.
- Nếu do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm... cần sử dụng kháng sinh, kháng virus, kháng nấm theo từng bệnh.
- Nếu đổ mồ hôi trộm quá mức dẫn đến khó chịu trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, có thể được chỉ định liệu pháp hormon thay thế. Tuy nhiên, điều trị bằng hormone cần được cân nhắc rất kỹ bởi có thể làm tăng thêm tình trạng huyết khối, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch.
- Nếu đổ mồ hôi trộm do ung thư thì cần được điều trị ung thư theo giai đoạn bệnh.
- Đối với trẻ em, đổ mồ hôi trộm thường do phòng ngủ để nhiệt độ cao hoặc do thiếu vitamin D. Cần điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm của phòng, phòng ngủ thoáng mát; giữ cơ thể trẻ mát mẻ, tắm rửa sạch sẽ. Hoặc bổ sung cho trẻ vitamin D cho trẻ bằng cách phơi nắng cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn nhiều loại rau quả, tránh thức ăn dầu mỡ, sinh nhiều năng lượng. Có thể bổ sung vitamin D bằng đường uống cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt phòng ngừa đổ mồ hôi trộm:
Có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để hạn chế đổ mồ hôi trộm:
Uống nước mát, uống đủ nước mỗi ngày nhưng chia làm nhiều lần, mỗi lần một lượng nhỏ.
Khi đi ngủ, sử dụng gối và vỏ nệm, ga trải giường với chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi.
Mặc đồ ngủ rộng rãi, nhẹ, bằng vải cotton hoặc vải lanh thấm mồ hôi khi đi ngủ.
Tập thể dục hàng ngày như đi bộ, bơi lội, đạp xe,...
Trước khi đi ngủ, thực hiện các bài tập thư giãn như thở sâu, thiền...
Điều chỉnh điều hòa ở nhiệt độ và độ ẩm hợp lý, kết hợp sử dụng quạt để làm thoáng không khí.
Tránh các tác nhân gây đổ mồ hôi trộm như rượu, thức ăn cay, caffeine, thuốc lá hoặc tập thể dục ngay trước khi đi ngủ...
2. Thuốc điều trị mồ hôi trộm do tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi khiến bệnh nhân đổ mồ hôi nhiều vào cả ban ngày và ban đêm và có thể đổ mồ hôi nhiều toàn thân hoặc từng vùng.
Cho đến nay vẫn chưa có một phương pháp nào dành cho tất cả mọi người trong điều trị chứng tăng tiết mồ hôi. Việc điều trị phụ thuộc vào từng cá nhân, lứa tuổi, địa lý, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Có một số thuốc được sử dụng nhằm hạn chế tình trạng này:
- Muối nhôm: Dùng thoa trực tiếp lên vùng da tiết mồ hôi nhiều. Thuốc có tác dụng bít các ống tuyến lại và giảm tiết mồ hôi. Thoa ngày 2 lần vào buổi sáng và trước khi ngủ tối để cho da được khô.
- Thuốc kháng cholinergic: Thuốc có tác dụng ức chế tín hiệu thần kinh tới tuyến mồ hôi. Thuốc có dạng cream, lotion dùng thoa ngoài da hoặc dạng miếng đắp, thậm chí có cả dạng uống.
Lưu ý: Đây là thuốc kê đơn, chỉ sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi dùng các thuốc này phải uống đủ nước và tránh nắng, nóng. Nếu dùng dạng thoa nhớ rửa tay ngay sau thoa và không cho thuốc dính vào mắt. Thuốc không phù hợp cho những người bị bệnh hen suyễn hoặc bệnh mạch máu ngoại vi.
- Độc tố botulinum: Độc tố này sẽ ức chế tín hiệu thần kinh tới tuyến mồ hôi. Khi điều trị, bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp vào vùng da bị đổ nhiều mồ hôi, chủ yếu là ở nách, bàn tay, bàn chân, 6 - 12 tháng/lần.
- Điện chuyển ion: Người ta sử dụng nguồn điện đưa ion qua da, thông qua hệ thủy phân để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi vùng nách, đổ mồ hôi tay và chân nhiều.
Thi thoảng đổ mồ hôi đêm có thể là bình thường và vô hại, do điều kiện quá ấm, ăn đồ cay vào bữa tối hoặc uống rượu trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, đổ mồ hôi đêm tái phát có thể là triệu chứng của rối loạn nội tiết tố, nhiễm trùng, ung thư hoặc lượng đường trong máu thấp...