Giải mã xe tăng T-34, thiết giáp quan trọng của Liên Xô trong Thế chiến II
Việc xe tăng T-34 xuất hiện trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm, là minh chứng cho sự quan trọng của khí tài này với quân đội Liên Xô trong Thế chiến II.
Bối cảnh phát triển
Quân đội Liên Xô vào giữa thập niên 1930 chỉ mới trang bị các loại xe tăng như T-26 hoặc dòng thiết giáp BT. Đến năm 1937, kỹ sư Mikhail Koshin được đề bạt làm người đứng đầu dự án chế tạo một loại xe tăng mới cho quân đội Liên Xô và ông nhanh chóng ra mắt mẫu thử nghiệm đầu tiên.

Kỹ sư Mikhail Koshin (phải). Ảnh: Wikipedia
Khi cuộc xung đột ở Khalkhin Gol, Mông Cổ, nổ ra vào năm 1939, các xe tăng T-26 và BT của Liên Xô trong thực chiến đã lộ ra nhiều nhược điểm. Kỹ sư Koshin sau đó đã thuyết phục giới lãnh đạo Moscow để ông chế tạo một mẫu thử nghiệm “có lớp giáp dày hơn và có thể thay thế cho các dòng T-26 và BT”.
Lần lượt mẫu thử nghiệm A-32 và các phiên bản có lớp giáp dày hơn ra đời. Đến tháng 1/1940, nhóm nghiên cứu của Koshkin hoàn tất 2 mẫu thử nghiệm A-34 và cho các xe tăng trẻ này chạy thử quãng đường hơn 2.000km từ nhà máy đến thủ đô Moscow. Nhà chức trách Liên Xô sau đó đã chấp thuận cho A-34 được sản xuất đại trà, với tên gọi là T-34.
Mẫu T-34 model 1940 được sản xuất khoảng 400 xe trong năm 1940. Sang năm 1941, các dây chuyền sản xuất thiết giáp chuyển sang chế tạo mẫu T-34 model 1941 với pháo F-34 cỡ nòng 76,2mm và lớp giáp dày hơn.

Mẫu T-34 model 1941 tham gia trận Moscow năm 1941. Ảnh: TASS
Thông số kỹ thuật
T-34 dài 6,68m, rộng 3m, cao 2,45m. Xe nặng khoảng 26,5 tấn. Tổ lái gồm 5 người. T-34 được trang bị động cơ V-2-34 do Nhà máy Diesel Kharkov số 75 sản xuất với công suất hơn 500 mã lực, nhờ vậy xe có thể di chuyển ở tốc độ 53 km/h với tầm hoạt động tối đa đạt 330km.

Một xe tăng T-34 được lắp ráp ở nhà máy Ural năm 1942. Ảnh: TASS
Ban đầu, T-34 được trang bị pháo F-34 76,2mm. Sau khi Liên Xô bị kéo vào Thế chiến II, các kỹ sư nước này đã cho lắp pháo D-5T cỡ nòng 85mm làm vũ khí chính cho T-34, giúp cỗ tăng có đủ hỏa lực để đối đầu với các thiết giáp của phát xít Đức.
Đóng góp của T-34 trong Thế chiến II
Sau khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa vào ngày 22/6/1941, Liên Xô đã chịu nhiều tổn thất. Nhưng nhờ có T-34 và nhiều loại xe tăng khác, các lực lượng vũ trang Moscow đã có thể đối phó với lực lượng tăng - thiết giáp hùng hậu của đối phương.
“Có lần, một chiếc T-34 bị các pháo chống tăng 37mm và 50mm của Đức bắn trúng hơn 30 phát đạn, nhưng xe vẫn hoạt động và kíp điều khiển đã lái nó trở lại phòng tuyến chỉ vài giờ sau”, một đoạn trong cuốn “Sư đoàn ma: Sư đoàn Panzer số 11 và Lực lượng Thiết giáp Đức trong Thế chiến II” viết.

Ảnh: TASS
Berlin đã buộc phải triển khai các pháo phòng không 88mm và pháo dã chiến 105mm để đối phó T-34, đồng thời thúc giục các cơ sở quốc phòng ở hậu phương thiết kế những loại vũ khí chống tăng hiệu quả hơn, và chế tạo các loại xe tăng hạng nặng để giành ưu thế trên chiến trường.
Để đối phó với nhiều loại xe tăng hạng nặng được Đức tung ra, trong đó có thiết giáp Panzer IV, các nhà thiết kế vũ khí của Liên Xô quyết định lắp cho T-34 loại pháo phòng không M1939 với cỡ nòng 85mm. Với loại pháo này, phiên bản T-34-85 đủ sức bắn thủng lớp giáp mặt trước dày 80mm của Panzer IV.
Tháng 1/1945, vài tháng trước khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc, một trận chiến giữa Tiểu đoàn xe tăng hạng nặng số 424 của Đức và 40 chiếc xe tăng T-34 đã diễn ra ở gần làng Lisow, Ba Lan. Dù nắm yếu tố bất ngờ, nhưng quân Đức vẫn chịu tổn thất nặng nề với 5 xe tăng Tiger II, 7 xe tăng Tiger I và 5 thiết giáp Panther, trong khi phía Liên Xô chỉ mất có 4 xe T-34.

Ảnh: TASS
Trong chiến dịch công phá Berlin diễn ra từ giữa tháng 4 tới đầu tháng 5/1945, các cỗ xe tăng T-34 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm trợ tác chiến cho bộ binh Liên Xô trong môi trường đô thị, cũng như tấn công những điểm phòng ngự của đối phương nằm trong thành phố này.