Một đề xuất phi thực tế và những hệ lụy

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã đưa ra một đề xuất gây chấn động khi gợi ý rằng, người Palestine nên thành lập nhà nước của họ tại Saudi Arabia thay vì trên chính quê hương mình. Ngay lập tức, hàng loạt nước Arab đã lên án mạnh mẽ, khẳng định đề xuất này vi phạm chủ quyền của Saudi Arabia và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Quan trọng hơn, ý tưởng này không chỉ làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình Trung Đông mà còn có thể đẩy khu vực vào một vòng xoáy căng thẳng mới, khiến nguy cơ bùng nổ xung đột ngày càng hiện hữu.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Israel Channel 14 hôm 7/2, ông Netanyahu tuyên bố rằng, “người Saudi Arabia có thể tạo ra một Nhà nước Palestine trên lãnh thổ của họ, họ có rất nhiều đất ở đó”, hoàn toàn phớt lờ yêu cầu lâu dài của người Palestine về quyền tự quyết. Đề xuất này ngay lập tức bị Bộ Ngoại giao Saudi Arabia bác bỏ, đồng thời khẳng định rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel là điều không thể nếu chưa có Nhà nước Palestine. Bộ Ngoại giao Palestine gọi tuyên bố trên là “phân biệt chủng tộc, chống lại hòa bình” và “xâm phạm chủ quyền của Saudi Arabia”.

Tổng Thư ký Ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh, nhấn mạnh rằng, “Nhà nước Palestine chỉ có thể tồn tại trên lãnh thổ Palestine” và ca ngợi Saudi Arabia vì luôn kiên định với giải pháp hai nhà nước. Ai Cập cũng chỉ trích mạnh mẽ, khẳng định rằng “sự ổn định và an ninh quốc gia của Saudi Arabia có mối liên hệ chặt chẽ với an ninh và ổn định của Ai Cập và các quốc gia Arab khác, điều này không thể bị xâm phạm”. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một quốc gia từng bình thường hóa quan hệ với Israel, cũng phản đối quyết liệt, cho rằng “không thể có sự ổn định trong khu vực nếu không có giải pháp hai nhà nước”.

Các quốc gia Arab khác như, Sudan cũng lên án mạnh mẽ, gọi đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của những phát ngôn này đối với quyền lợi của người Palestine, đồng thời kêu gọi Israel tuân thủ các nghị quyết quốc tế.

Một số quan chức cấp cao tại LHQ cũng bày tỏ lo ngại rằng những tuyên bố như vậy có thể làm gia tăng sự bất ổn, tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan lợi dụng để kêu gọi chống đối và đẩy mạnh hoạt động vũ trang trong khu vực. Tổ chức Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch cũng lên tiếng chỉ trích, cho rằng, đề xuất này là một sự phủ nhận trắng trợn quyền tự quyết của người Palestine, tạo tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc xung đột lãnh thổ khác trên thế giới.

Theo giới phân tích, phát ngôn của ông Benjamin Netanyahu không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Israel và các nước Arab mà còn làm suy giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế vào thiện chí của Israel trong việc tìm kiếm hòa bình. Trong khi đó, các chuyên gia khu vực và quốc tế nhận định rằng, tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu không chỉ là một sự khiêu khích ngoại giao mà còn là động thái nhằm đánh lạc hướng khỏi cuộc xung đột hiện tại ở Gaza.

Người dân ở Dải Gaza. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Người dân ở Dải Gaza. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo chuyên gia về Trung Đông Aaron David Miller, việc đưa ra một đề xuất phi thực tế như vậy là một chiến thuật nhằm “chuyển hướng sự chú ý khỏi trách nhiệm của Israel đối với cuộc chiến và các cuộc tấn công nhắm vào dân thường Palestine”. Giáo sư Fawaz Gerges từ Đại học London School of Economics đánh giá rằng, Thủ tướng Israel đang thử nghiệm phản ứng của Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế, đồng thời tìm cách định hình lại cục diện Trung Đông theo hướng có lợi cho Israel. “Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tước đoạt quyền lợi của người Palestine đều sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và tạo ra thêm những làn sóng bất ổn mới”, vị chuyên gia cảnh báo.

Một số nhà phân tích khác cho rằng, tuyên bố này phản ánh nỗ lực của Israel trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây để giảm áp lực đối với các chiến dịch quân sự tại Gaza. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể phản tác dụng khi nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã bắt đầu chỉ trích mạnh mẽ những động thái đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Bản chất của đề xuất này đi ngược lại với tất cả những nỗ lực hòa bình đã được xây dựng trong nhiều thập niên. Thực tế, giải pháp hai nhà nước đã được cộng đồng quốc tế nhất trí là phương án duy nhất có thể đảm bảo hòa bình bền vững cho khu vực. Ý tưởng ép buộc người Palestine rời khỏi quê hương không chỉ là vi phạm nhân quyền mà còn kích động làn sóng phản kháng từ thế giới Hồi giáo.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ đang được cải thiện giữa Israel và Saudi Arabia. Riyadh đã thể hiện sự sẵn sàng đối thoại với Israel nhưng luôn đặt điều kiện tiên quyết là giải quyết vấn đề Palestine. Giờ đây, với phát biểu gây tranh cãi này, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước càng trở nên xa vời. Một yếu tố khác cần xem xét là cách cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng với tình hình này.

Một số nhà phân tích dự đoán, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tiếp tục gây áp lực ngoại giao để Israel xem xét lại các chính sách đối với Palestine, trong khi Trung Quốc và Nga có thể tận dụng tình hình để gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông bằng cách thúc đẩy các sáng kiến hòa bình thay thế. Ngoài ra, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, có khả năng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bị chia rẽ trong việc ra các nghị quyết quan trọng, khiến tiến trình hòa bình lâm vào bế tắc. Nếu không có những hành động quyết liệt từ các cường quốc nhằm lên án và ngăn chặn những chính sách gây bất ổn, Trung Đông có thể sẽ chứng kiến một giai đoạn đầy biến động mới với những hệ quả khó lường.

Những phát ngôn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không chỉ phản ánh lập trường cứng rắn của chính quyền Israel mà còn cho thấy sự xem nhẹ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đề xuất này không có tính thực tế, không thể thực hiện và chỉ khiến tình hình Trung Đông thêm căng thẳng. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ và EU, cần lên tiếng mạnh mẽ để bác bỏ những ý tưởng đi ngược lại công lý và hòa bình, đồng thời tiếp tục thúc đẩy giải pháp hai nhà nước như con đường duy nhất để đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài tại khu vực. Nếu không có những động thái kiên quyết từ cộng đồng quốc tế, viễn cảnh về một giải pháp hòa bình sẽ ngày càng xa vời, và khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào một chu kỳ bất ổn mới, ảnh hưởng không chỉ đến chính trị khu vực mà còn đến kinh tế toàn cầu.

Theo Giáo sư Marc Lynch, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học George Washington, sự thiếu hành động có thể dẫn đến việc các bên xung đột ngày càng mất niềm tin vào các tiến trình ngoại giao, khiến căng thẳng kéo dài và tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan trỗi dậy. Ông nhấn mạnh rằng, việc bỏ lỡ cơ hội giải quyết xung đột ngay từ bây giờ có thể khiến khu vực rơi vào một vòng luẩn quẩn của bạo lực và bất ổn kéo dài trong nhiều thập niên tới.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/mot-de-xuat-phi-thuc-te-va-nhung-he-luy-i758621/
Zalo