Vụ xả súng tại Thụy Điển: Nỗi sợ hãi ở 'miền đất hứa'
Nỗi lo lắng sau vụ xả súng ở thành phố Orebro hôm 4/2 vẫn đang lan rộng trong cộng đồng người nhập cư tại Thụy Điển. Hầu hết đều cảm thấy quốc gia này không còn chào đón, thậm chí không còn an toàn với họ nữa.
Khi đám cưới được thay bằng đám tang
Salim Iskef vừa mới mua một ngôi nhà và đám cưới sắp tới của anh sẽ là dấu mốc đỉnh cao trong cuộc sống mà chàng trai này đang xây dựng ở Thụy Điển, một thập kỷ sau khi Iskef trốn thoát khỏi cuộc chiến ở Syria.
Nhưng thay vì đám cưới, hôm 6/2 vừa qua, hàng trăm người đã đến nhà thờ nơi Salim Iskef định làm lễ kết hôn để dự đám tang của người thanh niên xấu số này. “Mới đây thôi, chúng tôi còn bàn bạc với nhau xem sẽ nên có bao nhiêu đứa con”, Kareen Elia, hôn thê của Salim Iskef nghẹn ngào cho biết.
![Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng xảy ra ở thành phố Orebro (Thụy Điển) hôm 4/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_99_51470900/c70f6a6e5b20b27eeb31.jpg)
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng xảy ra ở thành phố Orebro (Thụy Điển) hôm 4/2.
Salim Iskef, 28 tuổi, là một trong 10 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hôm 4/2 ở Orebro, một thành phố cách thủ đô Stockholm khoảng 160 km về phía tây. Thảm kịch này xảy ra tại Campus Risbergska, một trường học dành cho người lớn chưa hoàn thành các giai đoạn giáo dục trước đó.
Những cơ sở như vậy được gọi là Komvux ở Thụy Điển. Komvuxes cung cấp đào tạo nghề, các lớp học tiếng Thụy Điển và các khóa học khác cho người lớn tìm kiếm các bằng cấp cần thiết để có được việc làm. Đấy cũng là các dịch vụ thiết yếu cho những người tị nạn và di cư muốn hòa nhập vào xã hội Thụy Điển. Vì thế, Campus Risbergska thường xuyên có các học viên là người di cư, như Salim Iskef.
Các video quay bằng điện thoại tại Campus Risbergska cho thấy học viên phải trú ẩn dưới gầm bàn trong khi tiếng chuông báo động rú lên và đèn đỏ nhấp nháy. “Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ và tiếng la hét lớn. Lúc đầu chúng tôi không hiểu đó là gì, nhưng sau đó chúng tôi nhận ra đó nhiều khả năng là tiếng súng”, Andreas Sundling, một học viên 28 tuổi tại trường, cho biết. Sundling và các bạn cùng lớp đã chặn cửa và ẩn núp trong khoảng một giờ, trước khi cảnh sát vào lớp học và sơ tán học viên. “Khi ra khỏi lớp, chúng tôi thấy máu khắp hành lang”, chàng thanh niên này nói thêm.
![Nghi phạm được cho là Rickard Andersson, 35 tuổi, đã tự sát sau khi xả súng vào các nạn nhân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_99_51470900/09d6a5b794f97da724e8.jpg)
Nghi phạm được cho là Rickard Andersson, 35 tuổi, đã tự sát sau khi xả súng vào các nạn nhân.
Ngày 7/2, cảnh sát Thụy Điển cho biết việc nhận dạng đã hoàn tất và 7 phụ nữ cùng 4 người đàn ông trong độ tuổi từ 31 đến 68 đã thiệt mạng. Tuy danh tính các nạn nhân cũng như nghi phạm vẫn được giới chức Thụy Điển công bố song theo BBC và Reuters cũng như một số phương tiện truyền thông địa phương và đại sứ quán các nước liên quan, trong số nạn nhân có những người đến từ Syria và Bosnia.
Nỗi sợ hãi đang lan rộng
Theo truyền thông Thụy Điển, nghi phạm nổ súng có tên Rickard Andersson, 35 tuổi, và gã này cũng tự sát sau khi bắn chết các nạn nhân. Một số nguồn tin cho biết Andersson từng là học viên của trường Campus Risbergska, có tiền sử rối loạn tâm thần, có một tuổi thơ khá vất vả về học tập và sống gần như tách biệt với xã hội.
Việc cảnh sát Thụy Điển chậm công bố danh tính nghi phạm cũng như động cơ gây án khiến những người nhập cư tại nước này cảm thấy bất an, vì theo họ, thảm kịch vừa xảy ra dường như có bóng dáng của tư tưởng phân biệt chủng tộc. Ông Jacob Kasselia, một linh mục Chính thống giáo Syria, đang sống tại Orebro cho biết: “Cảnh sát nói rằng người này hành động một mình. Nhưng hắn ta có một thứ gì đó trong tim, một loại hận thù nào đó, mà hắn ta thu thập được từ đâu đó. Và, chúng ta không thể nói rằng không có những người khác”.
![Người dân tới đặt nến và hoa tại nơi tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài hiện trường vụ xả súng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_99_51470900/68aac7cbf6851fdb4694.jpg)
Người dân tới đặt nến và hoa tại nơi tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài hiện trường vụ xả súng.
Những năm gần đây, nhiều người Thụy Điển bắt đầu có xu hướng nhìn nhận lại chính sách chào đón người tị nạn với cái nhìn không thiện cảm khi cho rằng nó làm suy yếu nguồn lực công của đất nước. Họ thậm chí, đổ lỗi cho nhập cư là nguyên nhân gia tăng tội phạm và bạo lực ở Thụy Điển. Quan điểm đó, đến lượt nó, đã thúc đẩy sự ủng hộ đối với các chính trị gia chống nhập cư, chủ yếu là theo đường lối cực hữu.
Cuộc bầu cử năm 2022 đã tạo ra một liên minh cầm quyền bảo thủ gồm các đảng Ôn hòa, Tự do và Dân chủ Thiên Chúa giáo của Thụy Điển, tất cả các đảng đều theo đuổi các chính sách hạn chế di cư, giới hạn phúc lợi cho người di cư và tạo ra một con đường chặt chẽ hơn hướng tới hội nhập.
Orebro - nơi xảy ra vụ thảm sát - cũng giống như nhiều thành phố khác tại Thụy Điển đang ngày càng đa dạng cư dân hơn khi đất nước Bắc Âu này tiếp nhận làn sóng di cư: người tị nạn từ các cuộc chiến tranh ở Balkan vào những năm 1990 và sau đó là từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Vùng Sừng châu Phi trong thế kỷ này. Erik Blohm, giám đốc quy hoạch đô thị của Orebro cho biết, từ năm 2016 đến năm 2018, có tới 10.000 người chuyển đến thành phố.
![Thụy Điển là một trong những nước có tỷ lệ dân sở hữu súng cao nhất châu Âu. Nhóm sở hữu súng đông đảo nhất là các thợ săn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_99_51470900/f6e4588569cb8095d9da.jpg)
Thụy Điển là một trong những nước có tỷ lệ dân sở hữu súng cao nhất châu Âu. Nhóm sở hữu súng đông đảo nhất là các thợ săn.
Khi nhân khẩu học của Orebro thay đổi, thành phố cũng thay đổi theo. Một số khu phố trở nên đông đúc, với số lượng người mới đến vượt quá khả năng đáp ứng về nhà cửa. Giá bất động sản bị đẩy lên cao, khiến dân nhập cư càng khó khăn trong việc ổn định cuộc sống và dễ bị các băng đảng tội phạm lôi kéo vào con đường xấu. Việc này tạo ra một cái vòng luẩn quẩn: Người di cư càng trở nên xấu xí trong mắt một bộ phận không nhỏ dân bản địa trong khi bản thân họ cũng cảm thấy “vỡ mộng” và có xu hướng tiêu cực vì không được đón chào ở miền đất hứa.
Trong bối cảnh ấy, vụ thảm sát hôm 4/2 củng cố cảm nhận của người nhập cư rằng đất nước họ chọn không còn chào đón họ nữa. Nhận định này cũng được Elia, hôn thê của chàng thanh niên xấu số Salim Iskef chia sẻ. “Khi chúng tôi đến Thụy Điển, nơi đây giống như một đất nước an toàn”, Elia - người cũng đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria như bạn trai mình, cho biết. “Nhưng chúng tôi không còn cảm giác an toàn như vậy nữa”.
Trong khi đó, Reham Attala, một sinh viên luật 21 tuổi, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Campus Risbergska - ngôi trường được nhiều người nhập cư ưa chuộng - trở thành mục tiêu xả súng thay vì những trường khác gần nhà nghi phạm hơn. Attala có bố là người Syria và mẹ là người Palestine. Cô đã sống ở Orebro trong 11 năm qua và xem Thụy Điển chính là quê hương mình. Nhưng vụ thảm sát khiến cô phải nhìn nhận lại. “Tôi rất buồn và sợ hãi”, nữ sinh viên 21 tuổi nói. “Những người mất ngày hôm qua đang học tiếng Thụy Điển. Điều này khiến tôi nghĩ về tương lai của mình và liệu tôi có thể sống ở đây không, tôi có nên sinh con ở đây không?”.
Tomas Poletti Lundstrom, một nhà nghiên cứu về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Đại học Uppsala sống cách nơi xảy ra vụ tấn công chỉ vài phút, cho rằng sự kiện kinh hoàng này là “kết quả của cách nhìn nhận về xã hội của chúng ta hiện nay, cách các chính trị gia nói và cách chúng ta nói về nhau”. “Chúng ta vẫn chưa biết động cơ của kẻ xả súng, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại phân biệt chủng tộc và đây là trường học của nhiều người nhập cư”, ông Lundstrom nói với BBC. “Phe đối lập chính đang ủng hộ các chính sách chống nhập cư và sử dụng ngôn từ chống nhập cư. Và, đây là những gì xảy ra khi các chính trị gia nói theo cách họ đang nói”.
![Một tác phẩm điêu khắc bằng đồng phản đối bạo lực súng đạn ở Malmo. Chính phủ Thụy Điển đang lên kế hoạch thắt chặt luật quản lý súng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_99_51470900/1838a959981771492806.jpg)
Một tác phẩm điêu khắc bằng đồng phản đối bạo lực súng đạn ở Malmo. Chính phủ Thụy Điển đang lên kế hoạch thắt chặt luật quản lý súng.
Thắt chặt kiểm soát súng đạn
Vụ xả súng tại Orebro cũng đang làm dấy lên cuộc tranh luận về bạo lực súng đạn tại Thụy Điển, nhất là khi nghi phạm được xác định có giấy phép sở hữu 4 khẩu súng và 3 trong số đó được tìm thấy bên cạnh thi thể của hắn.
Ba ngày sau thảm kịch, Liên minh trung hữu cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố sẽ tăng cường kiểm tra xung quanh việc mua súng và cấm một số loại vũ khí nhất định. “Có một số loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm đến mức chúng chỉ nên được sở hữu vì mục đích dân sự như một ngoại lệ”, tuyên bố của chính phủ Thụy Điển cho biết.
Theo đài truyền hình Thụy Điển SVT, khoảng 580.000 người trong tổng số 10,54 triệu dân của nước này có giấy phép sở hữu vũ khí. Một nghiên cứu của Thụy Sĩ năm 2017 cho thấy có khoảng 2,3 triệu khẩu súng do dân thường ở Thụy Điển sở hữu, tức là khoảng 23 khẩu súng trên 100 người, so với 29 khẩu ở Na Uy và 120 khẩu trên 100 người ở Mỹ.
Số người dùng súng ở Thụy Điển đông đảo nhất là nhóm có giấy phép săn bắn (khoảng 280.000 người) và họ có thể nộp đơn xin sử dụng vũ khí bán tự động. Vào tháng 8/2023, cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các mẫu súng trường kiểu quân đội, nghĩa là các loại súng tiểu liên bán tự động, có hộp tiếp đạn lớn, như AR-15 được phép sử dụng để săn bắn ở nước này.
Ngoài việc thắt chặt luật, chính phủ Thụy Điển cũng muốn cải thiện cách thức quản lý những người bị coi là "không phù hợp về mặt y tế" để sở hữu vũ khí. Đảng Dân chủ Thụy Điển - đảng cực hữu có ảnh hưởng cực lớn trên chính trường đất nước, cho biết họ đồng ý với các đề xuất sửa đổi luật, bao gồm cả việc hạn chế chặt chẽ hơn việc tiếp cận vũ khí bán tự động. “Hành động bạo lực khủng khiếp ở Orebro đặt ra một số câu hỏi quan trọng về luật súng”, đảng này nhấn mạnh trong một tuyên bố.
So với các nước trong Liên minh châu Âu, Thụy Điển có tỷ lệ tội phạm sử dụng súng tương đối cao. Quốc gia này mới bắt đầu thống kê trên toàn quốc về các vụ nổ súng cách đây chưa đầy 9 năm, thời điểm xuất hiện một làn sóng bạo lực băng đảng chưa từng có. Tổng cộng, có 281 vụ nổ súng được ghi nhận tại Thụy Điển vào năm 2017, khi số liệu đầy đủ đầu tiên được thu thập. Con số này đạt đỉnh là 391 vào năm 2022 trước khi giảm xuống còn 296 vụ vào năm 2024 khi chính phủ nước này gia tăng trấn áp tội phạm và kiểm soát súng đạn chặt hơn.