Một câu một chữ quy định không rõ ràng, doanh nghiệp sẽ khốn khổ

Sáng 24-4, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp tổ chức Hội thảo Luật số 57/2024 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư.

Luật số 57/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 15-1-2025, với nhiều điểm mới được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

 ĐBQH Phan Đức Hiếu có bài trình bày sôi nổi được các đại biểu đánh giá cao tại hội thảo

ĐBQH Phan Đức Hiếu có bài trình bày sôi nổi được các đại biểu đánh giá cao tại hội thảo

Tâm điểm của hội thảo là bài trình bày dài hơn hai tiếng của TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên VIAC, với rất nhiều nội dung về các luật cụ thể.

Đặc biệt, nói về cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu khẳng định tinh thần cải cách thể chế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã được đặt lên hàng đầu. Thông qua các nghị quyết, có thể thấy hai năm qua, Chính phủ rất quyết liệt trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất là cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Theo ông, từ nhiều năm qua, cải cách thể chế luôn được xếp thứ hai sau ổn định vĩ mô, nhưng từ năm 2024 trở đi, nó đã được đặt lên hàng đầu. Cải cách không chỉ dừng ở việc cắt giảm thủ tục hành chính, mà phải hướng tới "loại bỏ mọi quy định gây tốn kém chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân".

ĐBQH Phan Đức Hiếu cũng chia sẻ, 3 năm làm trọng tài viên VIAC đã cho ông cái nhìn thực tế rất đáng quý, giúp ông thấm thía được rằng một câu một chữ, một dấu phẩy dấu chấm, một sự không rõ ràng của luật pháp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp ông rất nhiều trong công việc chính là xây dựng, phản biện chính sách.

Ông cũng mong muốn các nhà đầu tư nên nắm bắt các quy định từ sớm, từ khi còn dự thảo, tranh thủ các cơ hội tham vấn ý kiến của các cơ quan để đóng góp ý kiến. Như thế sẽ có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho doanh nghiệp, cũng hiểu sâu sắc hơn về các quy định. Quốc hội và Chính phủ rất lắng nghe, bản thân ông là ĐBQH cũng nhận được nhiều ý kiến gửi trực tiếp để góp ý.

 Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý và đại diện các nhà đầu tư trong - ngoài nước

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý và đại diện các nhà đầu tư trong - ngoài nước

Thảo luận tại hội thảo, bà Hương Trần (AIIP Việt Nam) bày tỏ quan tâm đến tiến độ thông qua Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam. Ông Phan Đức Hiếu cho biết, Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết này vào kỳ họp tới đây. Trung tâm tài chính không chỉ dành riêng cho giới tài chính, ngân hàng, mà còn mở ra cơ hội cho giới luật sư, tư vấn…

Nhiều câu hỏi cụ thể được đặt ra với việc thực hiện Luật Điện lực, Luật Đầu tư công. Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản nêu lo ngại về rủi ro hồi tố liên quan đến hơn 170 dự án năng lượng tái tạo bị xem xét lại giá sau kết luận thanh tra, ảnh hưởng lòng tin nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là ách tắc khi dự án sử dụng đất bị chậm bàn giao mặt bằng nhưng trách nhiệm không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư vẫn bị quy lỗi chậm tiến độ.

ĐBQH Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Điện lực mới đã lược bỏ điều khoản gây rủi ro về rà soát lại dự án, giữ nguyên hiệu lực hợp đồng đã ký – giúp giảm lo ngại hồi tố. Về Luật Đất đai, dù có quy định không tính thời gian chậm do thủ tục hành chính, nhưng Luật Đầu tư chưa đồng bộ nên chưa thực thi được trên thực tế. Đại biểu ghi nhận và sẽ kiến nghị bổ sung vào luật sửa đổi tới đây.

Ngoài ra, ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch chậm triển khai. Đáp lại, ông Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung hai cơ chế mới: cấp phép xây dựng tạm cho người dân có nhu cầu cải tạo, và giới hạn tối đa hai năm về việc hạn chế quyền sử dụng đất – nếu không triển khai, quyền lợi người dân được khôi phục. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hai cơ chế này còn hạn chế và cần thêm biện pháp mạnh để cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tại hội thảo, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, số vụ tranh chấp năm sau tăng hơn năm trước. Trong quý 1-2025, số vụ tranh chấp tăng 20%. Trong đó không ít tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Luật số 57/2024/QH15. Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.

Thông qua hội thảo, những thông tin hữu ích sẽ được cung cấp để giải đáp các thắc mắc về những điểm mới như phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch rút gọn và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-cau-mot-chu-quy-dinh-khong-ro-rang-doanh-nghiep-se-khon-kho-post792302.html
Zalo