Tiềm năng rộng mở cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Nga
Hội thảo quốc tế 'Việt Nam và Liên bang Nga: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai' đánh giá chặng đường hợp tác song phương, định hướng phát triển trong tương lai.
Ngày 24/4/2025, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Tổng thống Liên bang Nga tổ chức hội thảo quốc tế “Việt Nam và Liên bang Nga: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”. Sự kiện nhằm đánh giá chặng đường hợp tác song phương, đồng thời định hướng phát triển quan hệ trong bối cảnh mới.
Gắn kết quan hệ hữu nghị Việt - Nga
Phát biểu khai mạc, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh chủ trương thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Ông khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học, công nghệ quốc gia mà Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đề ra.”

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam. Ảnh: Thế Duy
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của nhà khoa học là nhân tố then chốt, đồng thời khẳng định: “Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam với tư cách là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”.
Tại hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ngài Gennadiy Bezdetko, đánh giá cao mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, không bị ảnh hưởng bởi biến động toàn cầu. Ông cho biết, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 5/2025, dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho hợp tác Việt - Nga.

Ngài Andrey Margolin, Phó Giám đốc Học viện Tổng thống Liên bang Nga. Ảnh: Thế Duy
Trong khi đó, ngài Andrey Margolin, Phó Giám đốc Học viện Tổng thống Liên bang Nga, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, đồng thời cam kết hỗ trợ Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam trong công tác chuẩn bị.
Cũng tại hội thảo, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo: “Hội thảo không chỉ mang tính học thuật mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại lịch sử, nắm bắt cơ hội hiện tại, hướng tới tương lai hợp tác lâu dài.” Ông cũng khẳng định vai trò của trung tâm như một cầu nối khoa học, góp phần củng cố mối quan hệ chiến lược.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thế Duy
Về hợp tác kinh tế, đại diện Cơ quan Thương mại Liên bang Nga đánh giá hai nước đã vượt qua nhiều thách thức để duy trì quan hệ thương mại bền vững. Với chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm, thương mại song phương được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực tiềm năng.
Tham dự hội thảo cũng có rất đông các doanh nghiệp trong nước với kỳ vọng thấu hiểu thị trường, nói lên các khó khăn vướng mắc hiện tại, từ đó giải quyết vấn đề thúc đẩy thương mại song phương lên tầm cao mới.
Nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp Việt
Tại hội thảo, bà Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ OCOP Center, đã chia sẻ những kỳ vọng lớn về việc đưa nông sản đặc sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.
Công ty OCOP Center là đơn vị ủy thác cho hơn 100 nhà sản xuất nông sản đặc sản hàng đầu Việt Nam, hiện phân phối khoảng 500 mặt hàng đạt chứng nhận OCOP - chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ. Các sản phẩm này không chỉ mang bản sắc văn hóa sâu sắc mà còn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và được người tiêu dùng trong nước yêu mến. Bà Thủy nhấn mạnh: “Tôi rất kỳ vọng được đưa những sản phẩm nông sản đặc sản Việt Nam xuất khẩu, mặc dù hiện tại việc xuất khẩu với sản lượng chưa nhiều và cũng chưa tương xứng với giá trị hàng hóa của Việt Nam có thể đáp ứng cho thị trường Nga”.

Bà Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ OCOP Center (bìa phải). Ảnh: Thế Duy
Thị trường Nga được đánh giá là điểm đến đầy triển vọng nhờ mối quan hệ hữu nghị lâu đời và sự ưa chuộng của người dân Nga đối với nông sản Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, thủy sản. Tuy nhiên, bà Thủy cũng chỉ ra những thách thức về cơ chế chính sách và các cơ chế liên quan đến thông quan hàng hóa tại cảng, cửa khẩu trong khi đặc thù của các sản phẩm nông sản là thời gian bảo quản hạn chế.
Để vượt qua những trở ngại này, OCOP Center đã sẵn sàng với cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn sản phẩm và sự kết nối với hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu. Công ty kỳ vọng các cơ chế chính sách sẽ được tháo gỡ, đặc biệt thông qua chuyến thăm Nga sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 5/2025. Bà Thủy tin rằng, chuyến đi sẽ mở ra cơ hội nâng tầm quan hệ thương mại, tạo điều kiện để nông sản Việt Nam, từ cà phê, hạt điều đến các sản phẩm mang giá trị văn hóa, thâm nhập mạnh mẽ hơn vào Nga.
Trong khi đó, ông Trần Việt Cường, cố vấn cấp cao Công ty TNHH Tuấn Việt Shoes, đánh giá cao tiềm năng của thị trường Nga nhờ dân số đông, nhu cầu đa dạng và sự ưa chuộng hàng nhập khẩu giá hợp lý. Với lợi thế về chất lượng, mẫu mã và công nghệ sản xuất tiên tiến như lưu hóa, dán lạnh, cùng kỹ thuật kết hợp cao su phù hợp khí hậu lạnh, Tuấn Việt Shoes tự tin đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Nga. Ông nhấn mạnh: “Quan hệ Việt Nam - Nga tốt đẹp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như Tuấn Việt Shoes mở rộng thị trường".

Ông Trần Việt Cường, cố vấn cấp cao Công ty TNHH Tuấn Việt Shoes (bìa trái). Ảnh: Thế Duy
Tuy nhiên, theo ông Cường, hành trình chinh phục thị trường Nga không thiếu thách thức. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt, biến động tỷ giá và thủ tục logistics, hải quan phức tạp là những trở ngại lớn. Để vượt qua, Tuấn Việt Shoes đã xây dựng đội ngũ quốc tế giàu kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác phân phối địa phương, linh hoạt tài chính và hợp tác chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển, tư vấn chuyên nghiệp nhằm đảm bảo quy trình xuất khẩu thông suốt.
Trong tương lai, ông Cường kỳ vọng hội thảo sẽ mang lại cơ hội kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu, phân phối và chuỗi bán lẻ lớn của Nga thông qua các phiên B2B. Ông cũng mong muốn nhận được thông tin về chính sách ưu đãi thuế quan, chương trình xúc tiến thương mại và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến từ Nga để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, ông đề xuất hai nước đơn giản hóa thủ tục hải quan, xây dựng “luồng xanh” cho mặt hàng giày dép, đa dạng hóa tuyến vận chuyển và tăng cường minh bạch trong phối hợp hải quan.
Vì vậy, hội thảo quốc tế “Việt Nam và Liên bang Nga: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” có ý nghĩa quan trọng, là dịp để cùng khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc qua chặng đường 75 năm; làm sâu sắc hơn và thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên bang Nga.