Mong ước cuối đời của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu đã bao ngày đêm ngủ không tròn giấc vì thương nhớ 2 người con trai là liệt sĩ. Các anh hy sinh ở chiến trường miền Nam và Lào đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mong ước cuối đời của mẹ là tìm được phần mộ của 2 anh trước khi về với thiên cổ.

Hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu (94 tuổi) khi mẹ đang ở nhà con gái Hoàng Thị Hòa (SN 1958), ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Hiện, sức khỏe mẹ đã yếu, đi lại khó khăn nhưng khi nhắc đến 2 người con là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước, mẹ vẫn nhớ như in ngày các anh ra trận. Dù đau thương, mất mát nhưng mẹ Cháu luôn tự hào về những đóng góp của 2 con trai dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhắc đến 2 người con là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước, mẹ vẫn nhớ như in ngày các anh ra trận.

Nhắc đến 2 người con là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước, mẹ vẫn nhớ như in ngày các anh ra trận.

Mẹ Nguyễn Thị Cháu sinh ra và lớn lên ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mẹ có 7 người con (7 gái, 2 trai). Năm 1967, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, người con trai đầu Hoàng Văn Xoan đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ khi tròn 18 tuổi. 3 năm sau người con trai thứ hai Hoàng Trung Tính cũng xin bố mẹ lên đường nhập ngũ khi mới 16 tuổi. Tâm trạng mẹ rối bời, nhưng thời điểm này đất nước cần, mẹ nuốt nước mắt vào trong để tiễn con lên đường.

"Các con còn nhỏ nên khi đề xuất đi bộ đội mẹ thương lắm. Các con đi lòng mẹ rối bời, nhưng vì đất nước đang cần nên mẹ không thể giữ các con lại. Thằng Tính yêu màu áo lính, thích đội mũ lính và thích học võ lắm. Con trai mẹ là lính đặc công, trinh sát. Lúc đó, mẹ có nói đợi đủ tuổi rồi đi, nhưng Tính cứ nằng nặc đòi bố mẹ ký đơn vì thích đi bộ đội. Tính là đứa vui vẻ, lạc quan lắm. Ngày đi con còn tếu táo nói câu: "Con đi, nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực", rồi dặn dò bố mẹ đừng lo gì cả. Tháng 2/1972, trước khi sang Lào chiến đấu, trong thời gian huấn luyện đơn vị cho ghé nhà một đêm, nhưng Tính vẫn tranh thủ đưa các thanh niên trong làng đi học võ. Tinh thần chiến đấu trong con lúc đó hừng hực lắm", mẹ Cháu nghẹn giọng chia sẻ.

Trong thời gian tham gia chiến đấu, anh Xoan có gửi về cho gia đình 2 lá thư. Có lẽ vì sợ gia đình lo lắng, nên trong thư anh chỉ hỏi thăm sức khỏe những thành viên trong gia đình và thông báo mình vẫn bình an. Anh Xoan hứa hẹn ngày hòa bình sẽ trở về với mẹ. Dù không hề hay tin gì về anh Tính, nhưng ngày ngày, mẹ Cháu vẫn hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và các anh lại trở về đoàn tụ, sống bên mẹ.

Những lúc nhớ con mẹ thường đưa bức ảnh anh Tính để ngắm.

Những lúc nhớ con mẹ thường đưa bức ảnh anh Tính để ngắm.

Đầu năm 1972, mẹ Cháu nhận tin dữ về người em trai của mình là Nguyễn Văn Niêm đi bộ đội hy sinh. "Nhận tin cậu Niêm hy sinh mẹ sốc lắm. Cậu Niêm hơn anh Xoan 2 tuổi. Nỗi đau mất em trai khiến mẹ tôi suy sụp lắm. Mẹ luôn cầu nguyện cho anh Xoan và anh Tính được bình an trở về", chị Hòa chia sẻ.

Đồng ý cho các con đi làm nhiệm vụ của Tổ quốc, mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho cuộc chia ly không hẹn ngày về. Tuy nhiên, trong lòng mẹ vẫn luôn hy vọng, vẫn mong một ngày được ôm các con trong vòng tay yêu thương. Nhưng rồi, tất cả hy vọng đó đã vụt tắt khi mẹ lần lượt nhận tin dữ về các con. Nỗi đau mất em chưa nguôi ngoai thì vào tháng 9/1972, mẹ nhận được tin anh Tính hy sinh ở chiến trường miền Nam. Nghe tin con hy sinh, mẹ nằm khóc mấy tháng trời. Cú sốc đó khiến sức khỏe mẹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Tính hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ.

Khi nỗi đau mất con trai thứ hai chưa kịp nguôi ngoai, đầu năm 1973, mẹ lại nhận được giấy báo tử của anh Xoan. Thời điểm nhận được giấy báo tử mẹ mới biết anh Xoan hy sinh sau anh Tính có 6 tháng trời.

Mong ước giản dị của mẹ

Hai lần tiễn con đi, hai lần các anh trở về với mẹ chỉ là những dòng chữ trong giấy báo tử. Chỉ trong thời gian ngắn, mẹ Cháu mất đi người em và 2 người con trai khiến tinh thần và sức khỏe mẹ suy kiệt.

Theo chị Hòa, mong ước cuối đời của mẹ là tìm được phần mộ của 2 anh trước khi về với thiên cổ.

Theo chị Hòa, mong ước cuối đời của mẹ là tìm được phần mộ của 2 anh trước khi về với thiên cổ.

"Vài năm đầu sau khi nghe tin 2 anh mất, mỗi khi thấy bóng dáng người lính là mẹ lại ngất. Bản thân mẹ mắc bệnh tim, rồi khi nhận được tin 2 anh hy sinh, sức khỏe mẹ yếu hẳn. Chúng tôi tưởng rằng mẹ không còn có thể gắng gượng được. Mẹ luôn hy vọng những giấy báo tử đó có sự nhầm lẫn. Mẹ luôn mong một ngày 2 anh sẽ trở về trong vòng tay của mẹ. Mỗi đêm không ngủ được mẹ cứ kể chuyện về 2 anh. Đến ngày lễ lớn của đất nước, chúng tôi không dám cho mẹ xem tivi vì sợ thấy hình ảnh bộ đội mẹ lại không chịu được", chị Hòa nhớ lại.

Tổ quốc đã ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của gia đình các anh. Mẹ Nguyễn Thị Cháu đã được Nhà nước công nhận danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các con hy sinh cho Tổ quốc, tim mẹ quặn thắt lại nhưng cũng rất tự hào vì các con đã sống cống hiến hết mình, được Nhà nước ghi nhận công lao to lớn này.

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu vẫn còn đó nỗi nhớ khôn nguôi về 2 người con trai đã anh dũng hy sinh, nằm lại ở các chiến trường... Mong ước giản dị của mẹ là tìm được phần mộ của 2 anh trước khi mẹ về với thiên cổ. Được biết, gia đình mẹ đã lấy mẫu ADN để gửi cho cơ quan chức năng và luôn hy vọng tìm thấy phần mộ và đưa các anh về với quê hương.

Hà Thị Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mong-uoc-cuoi-doi-cua-me-viet-nam-anh-hung-nguyen-thi-chau-204250422170150291.htm
Zalo