Mở rộng không gian phát triển, quy hoạch chuyên sâu để thu hút FDI

Với những lợi thế nổi bật, TPHCM có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng đồng thời góp phần xanh hóa nền kinh tế và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu thu hút dòng đầu tư chất lượng, thành phố cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân lực, dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư và đặc biệt là những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa.

Hành trình gần bốn thập niên nâng chất lượng đầu tư FDI

Năm 1988, kinh tế Việt Nam mở ra chương mới với việc cấp giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với 37 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI đổ vào TPHCM không ngừng tăng lên và luôn trở thành điểm đến và sự lựa chọn quan trọng của nhiều nhà đầu tư thế giới khi đến Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á.

Với 37 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI đổ vào TPHCM không ngừng tăng lên và luôn trở thành điểm đến và sự lựa chọn quan trọng của nhiều nhà đầu tư thế giới khi đến Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á – Ảnh: Nguyễn Trung Âu

Với 37 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI đổ vào TPHCM không ngừng tăng lên và luôn trở thành điểm đến và sự lựa chọn quan trọng của nhiều nhà đầu tư thế giới khi đến Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á – Ảnh: Nguyễn Trung Âu

Bên cạnh những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng, nhân lực có chất lượng và đông đảo, chính quyền thành phố cũng không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, đơn giản trong cải cách hành chính nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều tập đoàn đến đầu tư.

Nhờ vậy, số dự án và tổng vốn đầu tư đều tăng qua từng năm. Số dự án FDI lũy kế tại TPHCM đã tăng từ 5.817 dự án vào năm 2015 lên hơn 13.500 dự án, tính lũy kế đến tháng 12-2024 (gấp 2,32 lần). Tổng vốn đầu tư đăng ký cũng tăng, từ 41 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 lên gần 59 tỉ đô (chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư trên cả nước) vào cuối năm ngoái. Hiện tại, khoảng 100 ngân hàng uy tín trong và ngoài nước như Misitomo Mitsui Banking, Mizuho Bank, HSBC, CIMB, Standard Chartered, UOB, HongLoeng Bank đã có mặt tại thành phố, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của doanh nghiệp.

Đầu tư FDI có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như giải quyết công việc làm cho người lao động và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

TPHCM đã có những thế mạnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững, đặc biệt khi không gian phát triển được mở rộng ra Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, theo TS. Huỳnh Thanh Điền từ Đại học Nguyễn Tất Thành, nhà đầu tư cần thấy rõ sự sẵn sàng về hạ tầng và mặt bằng sản xuất kèm theo các chính sách ưu đãi hấp dẫn. Vì vậy, thành phố cần hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên ngành. Việc mở rộng không gian phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TPHCM quy hoạch các khu công nghiệp chuyên sâu, từ đó mời gọi các dự án đầu tư chất lượng.

Ngoài hạ tầng, thành phố cần có các cơ chế ưu đãi hơn nữa để tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp lớn có công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế và hỗ trợ đầu tư trong quá trình triển khai dự án là điều cần thiết. Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao. Đồng thời, việc đầu tư vào các tiện ích sống như nhà ở, giáo dục, y tế và giải trí cũng là yếu tố không thể thiếu để giữ chân chuyên gia và kỹ thuật viên nước ngoài.

Cũng có ý kiến tương tự, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân từ Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng bối cảnh thu hút đầu tư hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt trước những biến động chính trị và kinh tế toàn cầu.

Việc chính sách thuế không ổn định từ Mỹ, như quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng hóa nhập khẩu đã khiến các doanh nghiệp công nghệ lớn cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là vào Việt Nam. Nếu TPHCM không có những chính sách cạnh tranh hấp dẫn thì nhà đầu tư có thể tìm kiếm những lựa chọn khác.

Để thu hút dòng vốn xanh và công nghệ cao, ông Huân đề xuất, TPHCM cần xây dựng một loạt chính sách đặc thù, phát huy hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù. Các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và các yếu tố liên quan cần được cải thiện nhằm tạo sức hấp dẫn hơn so với các quốc gia và khu vực khác.

Bên cạnh đó, cải cách thể chế và đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư cũng là việc cần thiết để giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp FDI.

Việc đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định cho sản xuất, đặc biệt với các dự án công nghệ cao như vi mạch và trung tâm dữ liệu là vô cùng quan trọng. Các nhà đầu tư đã nhiều lần yêu cầu cam kết về cung cấp điện liên tục để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Hạ tầng cần được cải thiện thông qua phát triển các khu công nghệ cao và công nghệ xanh. TPHCM cũng cần mở rộng không gian phát triển, gia tăng kết nối giữa các khu công nghiệp và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho các start-up và tập đoàn công nghệ. Quy hoạch lại và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Phải đảm bảo sẵn sàng nguồn nhân lực để đón “đại bàng”

Nguồn nhân lực chất lượng là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thu hút đầu tư tại TPHCM. Mặc dù thành phố sở hữu lợi thế về nguồn nhân lực nhưng có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Khi các dự án công nghệ cao, vi mạch bán dẫn và sản phẩm giá trị gia tăng lớn được triển khai, thách thức lớn nhất chính là đảm bảo có đủ nhân sự có trình độ phù hợp. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chương trình đào tạo trong nước hiện chưa theo kịp với các yêu cầu khắt khe này.

Vì vây, TS. Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các trường đại học trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tương tự, TS. Điền khuyến nghị, các tổ chức giáo dục và viện nghiên cứu cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn nhằm đảm bảo nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ các “đại bàng” khi nhà đầu tư hiện diện tại Việt Nam. Đáng chú ý, thành phố cũng cần tạo điều kiện và có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập để thu hút nhân sự ngành công nghệ cao từ nước ngoài.

Nhìn nhận từ kinh nghiệm thu hút các dự án công nghệ cao, TS. Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa cho FDI. Trong đó, thành phố cần cải cách giáo dục và đào tạo, tập trung vào công nghệ cao, kỹ thuật và quản lý đồng thời, các chương trình đào tạo nghề và hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp là giải pháp cần thiết.

Câu chuyện của Intel là minh chứng rõ nét cho điều này. Việc công ty này hợp tác với chính quyền địa phương để thiết lập chương trình đào tạo kỹ thuật cao cấp, cử giảng viên sang Mỹ học tập và trở về triển khai dự án đã giúp Intel nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất. Khi đã sẵn sàng các nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng, thành phố sẽ thu hút được các nhà đầu tư mục tiêu và tạo giá trị lan tỏa.

Tóm lại, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và thu hút FDI trong kỷ nguyên mới, TPHCM cần có một tư duy toàn diện và chiến lược linh hoạt, bao gồm cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao cơ sở hạ tầng và chiến lược năng lượng hợp lý.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-rong-khong-gian-phat-trien-quy-hoach-chuyen-sau-de-thu-hut-fdi/
Zalo