Mở đường - mở tương lai...
Trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, Thanh Hóa đã và đang huy động các nguồn lực thực hiện khâu đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế động lực, liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở hướng tới tương lai...
Từ cây cầu bắc nhịp đôi bờ sông Mã....
Đã bao đời, con sông mẹ - Mã giang là ranh giới tự nhiên giữa xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) ở hữu ngạn với huyện Hoằng Hóa (xã Hoằng Xuân). Từ huyện Hoằng Hóa muốn “qua” đất Thiệu Quang thì cả người và phương tiện đều phải chòng chành đi qua cầu phao hoặc vòng qua Thiệu Thịnh xuống Thiệu Quang. Giống một ốc đảo giữa vùng mênh mang sông nước, bước về phía nào cũng thấy cần một cây cầu bắc nhịp...
Thời điểm tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng cầu Xuân Quang nối đôi bờ sông Mã, chính quyền và người dân nơi đây ai cũng mừng vui. Anh Trần Quang Ba, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thiệu Quang, chia sẻ : “Cầu Xuân Quang đưa vào sử dụng, bắt vào cao tốc ở ngay nút giao Thiệu Giang sẽ mở ra cơ hội phát triển không chỉ cho Thiệu Quang mà cả vùng lân cận. Giao thông thuận lợi, rút ngắn khoảng cách thông thương hàng hóa, các ngành nghề phát triển, mức sống của người dân được nâng cao”.
Cầu Xuân Quang vượt sông Mã là hạng mục thuộc Dự án (DA) đường nối quốc lộ (QL) 1 với QL45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Trong những ngày cuối cùng của năm 2024, các đơn vị đã hoàn thành thi công khối lượng công việc được giao. Theo kế hoạch, tháng 1/2025 hoàn thành cầu Xuân Quang để thông xe trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cầu Xuân Quang được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề hình thành các khu công nghiệp hiện đại trong khu vực, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và sớm hình thành các khu công nghiệp trong vùng.
Đến “trái tim Nghi Sơn” kết nối muôn phương
Là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, gia tăng lực hấp dẫn, thu hút “đại bàng” về làm tổ.
Anh Lê Đình Trang, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực KKTNS và các khu công nghiệp Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Ban khu vực), cho biết: “Với việc KKTNS được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất to lớn, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Đây là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu để đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của tỉnh, từng bước đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc”.
Chúng tôi đến thăm công trường thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1 đi Cảng Nghi Sơn vào ngày đầu năm mới 2025. DA gồm 2 tuyến đường, trong đó tuyến số 1 là đường tỉnh 512, đoạn từ QL1 đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn có chiều dài 10,3km, qua các phường, xã thuộc thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống. Tuyến số 2 là đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến nút giao vào đường cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 3km thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn. “Đây là DA có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối liên vùng trong khu vực, hình thành tuyến giao thông đối ngoại kết nối trực tiếp với QL1 và cao tốc Bắc – Nam. DA sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh với KKTNS, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với Cảng Hàng không Thọ Xuân, cảng biển Nghi Sơn”- anh Nguyễn Viết Khôi, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Thẩm định Ban khu vực, cho biết.
Đến ngày 31/12/2024, các đơn vị thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1 đi Cảng Nghi Sơn, đạt khoảng 170 tỷ đồng hoàn thành 100% kế hoạch vốn 2024. Ban khu vực đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp sớm hoàn thành DA so với kế hoạch, phấn đấu cuối năm 2025 đưa vào sử dụng.
Mở đường - mở hướng vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Xác định phát triển hạ tầng là một trong những khâu đột phá hướng tới tương lai, anh Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, đã phác thảo về “bức tranh” hạ tầng giao thông Thanh Hóa đã, đang được đầu tư, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại: “Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng”. Công tác xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển được thực hiện đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước. Các DA giao thông được ưu tiên bố trí vốn đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư lớn nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Trung ương đã đầu tư khoảng 98km đường cao tốc chạy qua địa phận Thanh Hóa. Cùng với QL1, đường Hồ Chí Minh, trục cao tốc phía Đông được đầu tư, đưa vào khai thác đã hình thành tuyến giao thông đối ngoại mới của tỉnh, kết nối các vùng, miền, trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, khu vực và cả nước”.
Giao thông đi trước mở đường – mở hướng tương lai, hiểu theo ý nghĩa lớn lao ấy sẽ thấy cả một không gian phát triển rộng lớn, kết nối hạ tầng giao thông. Sự hiện diện của con đường này sẽ là tiền đề để những con đường khác tiếp nối, mở ra. Một số tuyến đường kết nối quan trọng của tỉnh đã hoàn thành, đi vào sử dụng trong thời gian qua như: DA đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối QL217 với QL45 và QL47; DA đường nối QL1 với QL45; DA tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Sầm Sơn – Quảng Xương; DA đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân..., góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Điều đó là những minh chứng sinh động, cụ thể bằng những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng mà Thanh Hóa đạt được trong năm 2024.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 37 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: “Năm 2025 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm về đích, có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh; là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV”.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần hoàn thành khâu đột phá về hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Huy động các nguồn lực, bố trí vốn để đầu tư hoàn thành các DA lớn, trọng điểm, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực, trọng tâm là các tuyến đường kết nối các nút giao của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với các trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, cảng biển, cảng hàng không.
Trên hành trình phát triển của xứ Thanh, nhiều mục tiêu lớn tiếp tục được thực hiện; nhiều DA được hoạch định... Đường lớn đã mở, Thanh Hóa đang tiếp tục kiến tạo thế và lực, tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.