Địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà'. Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Nhớ lời căn dặn của Người, hiện thực hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, 65 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao luôn tiên phong sát cánh, đồng hành cùng kiều bào trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; kết nối, đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương, đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ IV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ IV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đến với kiều bào bằng sự chân thành

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong suốt 65 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: "Do đặc thù của công tác người Việt Nam ở nước ngoài vừa mang tính quản lý nhà nước, vừa mang tính dân vận, ngoại giao nhân dân, 65 năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ủy ban luôn đến với kiều bào bằng sự chân thành, cởi mở, phát huy tinh thần "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" như Bác Hồ căn dặn. Chính vì vậy, Ủy ban đã trở thành địa chỉ tin cậy của kiều bào mỗi khi gặp khó khăn, là mái nhà đầy ắp nghĩa tình chào đón bà con mỗi khi kiều bào có dịp về nước".

Ủy ban đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành các văn bản chỉ đạo, mang tính định hướng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW, qua đó tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Các thông điệp thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó động viên, khích lệ đồng bào ta tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và tinh thần yêu nước, hướng về quê hương.

Trên cơ sở đó, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật, đề xuất chủ trương, chính sách mới bảo đảm quyền lợi của kiều bào. Các quy định pháp luật liên quan đến quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú; các luật về đầu tư, đất đai, nhà ở được sửa đổi với nội dung thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho kiều bào hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gần với người trong nước, khuyến khích bà con đầu tư, kinh doanh trong nước.

Bên cạnh đó, công tác tăng cường đại đoàn kết dân tộc đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá. Chương trình Xuân Quê hương; đoàn kiều bào thăm Trường Sa, dự Giỗ Tổ Hùng Vương... do Ủy ban tổ chức và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, đã tạo thêm niềm tin và phấn khởi, tăng cường gắn kết giữa bà con kiều bào với đất nước.

Tính đến năm 2024, kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên tới 1,72 tỷ USD; lượng kiều hối gửi về nước năm 2024 ước tính đạt 16 tỷ USD, tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó là những đóng góp to lớn của các chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… đã khẳng định vai trò quan trọng của kiều bào đối với đất nước.

Đến nay, đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý ổn định, hội nhập sâu rộng và khẳng định được vị thế tại xã hội sở tại. Tại một số địa bàn nơi bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Ủy ban luôn quan tâm thông qua các đề án, chương trình và hoạt động hỗ trợ thường xuyên, đều đặn, với sự chung tay của các bộ, ban, ngành, địa phương. Công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và ngôn ngữ Việt được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú...

Triển khai mạnh mẽ trên các mặt

Một trong những dấu ấn rất đậm nét của Ủy ban trong chặng đường 65 năm qua là việc tham mưu, kiến nghị, xây dựng nhiều chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu mốc quan trọng khi Nghị quyết số 36-NQ/TW tròn 20 năm ngày ban hành. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới, đột phá của Đảng ta về vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa thấm đẫm truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc.

Với những kết quả quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị, năm 2025, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt sâu rộng chủ trương, quan điểm, phương châm và định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

"Các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cần được "chuyển hóa thành hành động" để mang lại kết quả cụ thể, thiết thực cho đất nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ trên các mặt: Nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho bà con về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các biện pháp tổng thể về hỗ trợ kiều bào, nhất là ở địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hội nhập vào xã hội sở tại; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.

Củng cố và phát triển các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa bà con với quê hương, đất nước; đẩy mạnh các giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào đóng góp cho phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ kiều bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức dạy và học tiếng Việt, quảng bá truyền thống và bản sắc văn hóa đến các thế hệ trẻ...

Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giữ vững đoàn kết, đồng lòng, không ngừng nỗ lực, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ, phấn đấu hết sức mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài gặt hái nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dia-chi-tin-cay-mai-nha-chung-cua-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-20250201095025223.htm
Zalo