Gác tình riêng bám rừng, khoét núi mở hầm

Giữa rừng già trùng điệp nơi cửa hầm số 3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, những người thợ đào hầm vẫn miệt mài vào ca để khoan núi mở hầm dù Tết đã gõ cửa từng nhà.

Hít thở cũng cần kỹ năng

Gần 8 tháng, lái máy khoan Huỳnh Trung Thuận, quê tỉnh Phú Yên chưa rời công trường về nhà thăm vợ con. Anh Thuận bảo, nhớ vợ, nhớ con nhưng vì yêu cầu công việc, vì tiến độ ngày thông xe đang rất gấp nên những người thợ như anh phải gác lại chuyện gia đình, bám rừng, bám công trình.

Lái máy khoan Huỳnh Trung Thuận điều khiển rô bốt khoan hầm.

Lái máy khoan Huỳnh Trung Thuận điều khiển rô bốt khoan hầm.

Giữa hầm sâu hun hút, tăm tối, ngột ngạt và tiếng máy khoan gầm vang đinh tai, anh Thuận cố gắng nói to: "Địa chất ở đây nguy hiểm, liên tục biến đổi theo chiều dài. Nhiều vị trí khi đào đến đất, đá lòng núi bở rời dễ sạt lở nên anh em làm việc rất căng thẳng. Thế nên, anh em đào mở hầm đến đâu thì ngay lập tức đổ bê tông tạo vòm đến đó để chống sạt lở đất, đá và đảm bảo an toàn thi công".

Lái máy Đỗ Văn Trường, quê Nam Định kể, để khoan đá tạo lỗ nạp thuốc nổ, việc điều khiển rô bốt cân chỉnh mũi khoan đi đúng hướng theo yêu cầu buộc những lái máy như anh phải căng mắt quan sát. Quá trình khoan phải tính toán và đo được độ cứng của đá hoặc các trở ngại khác để đảm bảo các mũi khoan làm việc hiệu quả, tránh hư hỏng thiết bị, đảm bảo bước vào hầm.

PV ngồi chung trên buồng lái cùng anh Trường nhưng đầu dường như tê cứng khi tiếng máy khoan liên hồi vang lên. Thấy thế, anh Trường bảo: "Người lạ vào công trường có khi còn ngất vì không khí trong hầm rất hạn chế, đến hít thở cũng phải có kỹ năng".

Cân não nổ mìn phá đá

Khi những lỗ khoan vừa hoàn thành, tổ nổ mìn tiến đến. Những cây thuốc nổ nặng cả chục ký được đưa đến công trường. Kẻ ngoại đạo như tôi nhìn thấy đã đủ sợ, bởi với lượng thuốc nổ đó, không những đá khối mà bất kỳ thứ gì cũng đều tan tành trước sức công phá khủng khiếp.

Tổ trưởng tổ nạp nổ Nguyễn Năng Mão trầm tư nghĩ lại 30 năm gắn với nổ mìn phá đá.

Tổ trưởng tổ nạp nổ Nguyễn Năng Mão trầm tư nghĩ lại 30 năm gắn với nổ mìn phá đá.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm nổ mìn khoan hầm từ dự án thủy điện đến hầm giao thông, anh Trần Văn Hảo, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cùng ê-kíp mang những thanh tre được quấn thuốc nổ đẩy vào bên trong từng lỗ khoan.

"Mỗi đợt nổ từ 40 - 50 cây thuốc tùy gương đào và địa chất. Quá trình nạp nổ phải thực hiện thận trọng. Mỗi dạng địa chất khác nhau sẽ có cách nạp nổ khác nhau nên phải tính toán để điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện.

Tôi phá biết bao lòng núi, may mắn được các đàn anh chỉ bảo và bản thân luôn cẩn thận nên 20 năm qua mọi công đoạn đều an toàn và hiệu quả công việc cao nhất. Chỉ mong đào thông hầm để thở cho sướng", anh Hảo cười nói.

Sau hơn hai giờ nạp nổ, tiếng còi hú vang lên liên hồi. Mọi người lần lượt rời hầm sâu ra bên ngoài. Riêng chỉ huy nổ mìn hầm số 3 Nguyễn Huy Phương ngược vào. Ông Phương quan sát từng ngóc ngách và ra sau cùng.

Tiếng nổ vang lên khiến đất trời rung chuyển. Khói bụi nghi ngút từ trong hầm sâu bay ra. Những người thợ nổ mìn nhìn nhau cười tươi, bởi họ biết quá trình nổ mìn diễn ra thành công.

Tổ trưởng tổ nạp nổ Nguyễn Năng Mão cho biết, toàn bộ quy trình nổ mìn đều tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn. Để nổ mìn hiệu quả thì bộ phận khoan lỗ mìn đảm bảo khoảng cách, độ sâu và người nạp nổ phải có kinh nghiệm. "Làm nghề này như chơi với… tử thần vậy", ông Mão ví von.

Giọt mồ hôi trên công trình trọng điểm

Gần 13h chiều, tổ nổ mìn trở về lán trại cách hầm số 3 khoảng 800m. Nơi đây, bốn phía được đắp bờ đất kiên cố cao gần 2m. Ông Mão bảo đó là doanh trại của những người thợ mìn: "Ở đây, anh em chúng tôi làm việc từ khâu nhập thuốc, quấn thuốc, nạp thuốc và mang mìn đến công trường".

Anh Đỗ Văn Trường vừa điều khiển rô bốt khoan hầm, vừa căng mắt theo từng mũi khoan.

Anh Đỗ Văn Trường vừa điều khiển rô bốt khoan hầm, vừa căng mắt theo từng mũi khoan.

Giữa rừng núi Quảng Ngãi, biết bao giọt mồ hôi của người thợ đào hầm đã rơi để những mét hầm cao tốc hiện ra. Là "nhạc trưởng" chỉ huy toàn bộ công tác đào hầm của dự án, kỹ sư Bùi Hồng Đăng chia sẻ: "Sống giữa rừng núi này ngoài công việc ra tình cảm vẫn là thứ cao quý. Chúng tôi coi nhau như anh em trong một gia đình lớn".

Trời nhá nhem tối, tôi chào tạm biệt những người thợ đào hầm ra về khi ngoài kia người người đang tất tả chuẩn bị vui xuân đón Tết. Thấp thoáng bên tai tôi là lời của thợ mìn Nguyễn Năng Mão: "Chúng tôi đến rồi lại đi, bỏ lại đằng sau là thứ cảm xúc vỡ òa ngày đào thông hầm, ngày lãnh đạo công ty ghé thăm động viên anh em giữa lòng núi.

Sống với thuốc nổ, với kíp nổ nên bản thân tôi và anh em luôn nhắc nhở nhau phải cẩn thận hết sức, không thể chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào. Người ngoài thấy thì sợ, nhưng anh em chúng tôi quen rồi, có khi không ngửi được mùi thuốc nổ lại nhớ cũng nên".

Trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi gồm: Hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m, cùng 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh. Hầm số 3 là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định.

Do yêu cầu tiến độ dự án gấp rút phải thông hầm vào ngày 30/4/2025 và hoàn thành dự án trong năm 2025 nên nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả tổ chức thi công cuốn chiếu, đào hầm đến đâu là phun vữa bê tông, lắp chống thấm và gia cố vòm vỏ hầm đến đó.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gac-tinh-rieng-bam-rung-khoet-nui-mo-ham-192250201064923447.htm
Zalo