Giao thông đi trước mở đường

Phát triển kết cấu hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Giao thông có vai trò đi trước mở đường, bởi các dự án không chỉ mở ra không gian phát triển mới còn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có dự án và đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên cả nước.

Sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai đang được khẩn trương xây dựng để hoàn thành vào cuối năm 2025. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai đang được khẩn trương xây dựng để hoàn thành vào cuối năm 2025. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm quy mô lớn đã và đang được đầu tư, nâng cấp. Những tuyến cao tốc hiện đại kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước, tạo nên những "huyết mạch" giao thương quốc tế. Tính đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra không gian phát triển liên vùng, kết nối các hệ sinh thái kinh tế và tạo động lực đột phá về hạ tầng giao thông.

Khí thế, tinh thần ấy tiếp tục được lan tỏa trong những ngày Tết Nguyên đán này. Trên các đại công trường thi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách sân bay Nội Bài và đặc biệt là các dự án thuộc Phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc (bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…), hàng ngàn cán bộ, công nhân, người lao động vẫn miệt mài làm việc. Họ thi công ngày đêm, duy trì nhịp độ “3 ca, 4 kíp”, sẵn sàng làm việc xuyên Tết để đảm bảo tiến độ dự án.

Các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã nỗ lực không ngừng trong công tác chỉ đạo và tổ chức thi công, đảm bảo các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, làm việc “3 ca, 4 kíp, xuyên đêm, xuyên Tết”, cùng khẩu hiệu hành động “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, lực lượng thi công đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, đưa các dự án về đích đúng hoặc vượt kế hoạch, đặc biệt là những công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Họ đang góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường bằng những công trình mang tầm vóc thế kỷ.

Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án; trong đó, phấn đấu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc để đạt mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Với ưu tiên hàng đầu này, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung huy động mọi nguồn lực để quyết tâm triển khai thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), kế hoạch của ngành giao thông vận tải trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án, dự án thành phần. Trong số đó, dự kiến 4 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành ngay trong dịp 30/4/2025, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang với tổng số hơn 221 km.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án: Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1… ngay trong quý I - II/2025. Đồng thời, khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II/2025.

Với khối lượng công việc rất lớn, số lượng dự án cần đưa vào khai thác cũng rất lớn, Bộ Giao thông vận tải xác định năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, đây cùng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vương của dân tốc.

Trên tinh thần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh khẳng định không để địa phương nào có dự án nằm trong kế hoạch 3.000 km cao tốc trước thềm Đại hội Đảng không hoàn thành. Cả 3.000 km thông từ Bắc đến Nam mà để bị tắc ở một điểm là không thể.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục phát huy cao độ tinh thần làm việc, tránh tâm lý nóng vội khi tiến độ phải đi cùng chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát phải làm đúng, làm chặt, tư vấn giám sát phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tuyệt đối không được để ra sai sót.

“Ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quán triệt và thực hiện phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bản làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc đó” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Tư lệnh ngành giao thông vận tải chia sẻ.

Mới đây, để triển khai thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ thiết yếu khi các dự án thành phần đưa vào khai thác, đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành trước ngày 30/4/2025, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị, nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh, thu phí tự động, kiểm soát tải trọng xe và các trạm dừng nghỉ tại các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Đối với các điểm nghẽn thi công, Bộ Giao thông vận tải đã sớm nhận diện các khó khăn cụ thể của từng dự án để có các chỉ đạo điều hành kịp thời. Để giải quyết vấn đề vướng mắc mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành với từng mốc tiến độ cụ thể.

Về việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã phối Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cung cấp cát cho các tỉnh có mỏ; đôn đốc địa phương thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ; chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu, sử dụng nguồn cát biển để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông.

Còn với các dự án đang chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng lại tiến độ, quyết liệt triển khai đẩy nhanh tiến độ các công trình, hạng mục là "đường găng" (thời gian dài nhất); nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian thi công; yêu cầu các nhà thầu phải có sự hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp nhằm bù lại tiến độ đã chậm.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, ngành giao thông vận tải đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá để hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và hướng tới 5.000 km vào năm 2030.

Giao thông đi trước mở đường – và con đường ấy đang rộng mở, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và thịnh vượng.

Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giao-thong-di-truoc-mo-duong-20250201082212035.htm
Zalo