Miền Bắc dẫn đầu 'cuộc đua' thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, chính sách ưu đãi thuế và chi phí sản xuất cạnh tranh. Theo đó, miền Bắc, với hạ tầng giao thông phát triển và giá đất công nghiệp hợp lý, đang dẫn đầu trong việc thu hút các dự án FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Thu hút các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Nguyên do là bởi tỷ giá hối đoái giữa VND và USD vẫn ổn định so với các quốc gia trong khu vực, cùng với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh như Malaysia và Indonesia...
Chính phủ Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi CIT mới để duy trì lợi thế này. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng, đạt xấp xỉ 5,1%, cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021, thuộc mức cao thứ 2 trong khu vực, tương đương với Indonesia và chỉ theo sau Philippines.
Theo dữ liệu từ Asian Development Bank năm 2024, lực lượng lao động của Việt Nam trong độ tuổi trung bình hơn 32, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai. Đồng thời, mức lương mà các công nhân sản xuất tại Việt Nam nhận được thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia. Điều này có lợi cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp tìm kiếm nơi có chi phí sản xuất thấp để tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy ngành sản xuất và chế biến chiếm hơn 70% tổng số FDI, phản ánh sự ưu tiên của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Dù vậy, Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang thu hút các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, qua đó củng cố vị thế một thị trường mới nổi của khu vực. Việt Nam cũng đang liên tục cho thấy, khả năng cạnh tranh qua việc chuyển đổi định hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang tập trung vào xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và chế biến.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam. Từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995, Việt Nam đã ký kết và thực hiện một loạt các hiệp định thương mại, trong đó Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) năm 2019 đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư nước ngoài.
Ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao, Bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Hà Nội đánh giá, sự tập trung của FDI vào lĩnh vực sản xuất và chế biến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ liên quan. Theo đó, các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Intel, Foxconn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực.
Hay gần đây nhất, với việc tổng vốn đầu tư của Foxconn vào Việt Nam đã được nâng lên mức 1,5 tỷ USD vào dự án nhà máy tại Bắc Giang phục vụ việc lắp ráp và chế xuất linh kiện điện thoại, đã thể hiện xu hướng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao ở khu vực miền Bắc.
Ông Thomas Rooney phân tích, vị trí địa lý của Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đang gia tăng đáng kể, không chỉ từ các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã có mặt lâu đời tại Trung Quốc và đang tìm cách đa dạng hóa hoặc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
Giá đất công nghiệp miền Bắc thấp hơn miền Nam 20%
Tại khu vực miền Bắc, với các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng, và Thái Nguyên, đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất. Đáng kể là Bắc Ninh, với vị trí gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng phát triển đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.
Tại phía Nam, Bình Dương cũng nổi lên như một trung tâm công nghiệp quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, miền Bắc vẫn vượt trội hơn về số lượng và quy mô các dự án mới nhờ lợi thế về chi phí, hạ tầng giao thông hoàn thiện…
Cụ thể, giá đất công nghiệp tại miền Bắc là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m², thấp hơn 20% so với miền Nam. Hiện tại ở miền Nam, để thuê được các vị trí chiến lược thuộc các khu vực cấp 1, như Bình Dương hay TP. Hồ Chí Minh, giá đất có thể lên tới 300 USD/m2. Trong khi đó, thị trường phía Bắc chỉ có giá trung bình 180 USD/m2 cho các khu vực cấp 1 như Bắc Ninh.
Chưa kể, hiện nay cơ sở hạ tầng tại miền Bắc được đánh giá phát triển mạnh, với 10 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành và 4 dự án khác đang được triển khai. Trong khi đó, miền Nam có khoảng 7 tuyến cao tốc. Ngoài ra, so với miền Nam, miền Bắc có nhiều khu kinh tế hơn theo quy hoạch của Chính phủ, trong đó, đáng chú ý là khu kinh tế ven biển mới tại Hải Phòng với quy mô hơn 20.000 ha. Miền Bắc cũng thu hút đầu tư nhờ tính cạnh tranh về nguồn lao động, khi mức lương trung bình tại miền Nam hiện đang ở mức cao nhất trong cả nước, ghi nhận 9,3 triệu VNĐ.
Tại sự kiện “Bối cảnh phát triển công nghiệp khu vực Hà Nội và Bắc Bộ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Trang - Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh Công nghiệp tại Core5 - Indochina Kajima chia sẻ, giao thông đường bộ ở Việt Nam vẫn là phương thức vận tải chính, vì vậy khả năng di chuyển thuận lợi từ các khu sản xuất đến các thị trường tiêu thụ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí logistics. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của miền Bắc đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù cho rằng thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang có tiềm năng lớn, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn nhiều những thách thức phía trước. Đáng kể là tại miền Bắc sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao chính là một cản trở không nhỏ đối với nhiều khu công nghiệp hiện nay.
Phát triển cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo chuyên gia, cần giải quyết được bài toán lao động tay nghề cao bởi Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất. Mặc dù hiện nay lực lượng lao động dồi dào nhưng phần lớn vẫn là lao động có tay nghề thấp, do đó, để khắc phục vấn đề này, việc cải cách giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao tay nghề lao động là cần thiết.
Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ sẽ không chỉ hỗ trợ việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa mà còn tăng cường khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.