Huy động nhiều nguồn lực tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

'Đây là đường sắt tốc độ cao nên yêu cầu yếu tố kỹ thuật và an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Về yếu tố địa lý, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu rất lớn, mỗi năm sẽ có nhiều cơn bão nên khi thi công, các đơn vị cần phải chú ý đến yếu tố này cũng như cần phải tính đủ số trạm dừng', Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Chiều 20/11, tiếp tục đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu đầu tư là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng, cần huy động được nguồn lực trong nước và huy động nguồn ngoại tệ trong dân tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đường sắt tốc độ cao là một phương tiện giao thông hiện đại đã có từ 30 - 40 năm trước. Tôi đã có cơ hội trải nghiệm đi từ Zurich về Paris với một khoảng cách rất xa nhưng đi rất nhanh với chi phí chỉ 30 euro, tương đối thấp so với đi bằng phương tiện máy bay. Tôi rất khao khát đất nước mình có tuyến đường sắt tốc độ cao. Chúng ta đã bàn về vấn đề này cách đây 15 năm nhưng lúc đó Việt Nam chưa đủ điều kiện”.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã có điều kiện tốt hơn khi mà nợ công đang ở mức thấp, GDP đã bước qua được mức trung bình thấp. Đây là phương tiện thuận lợi sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng cũng như thu hút khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời sẽ giúp khai thác tiềm năng ở các nơi vùng sâu vùng xa.

“Đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lan tỏa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, theo tôi, có vài điểm cần lưu ý. Đây là đường sắt tốc độ cao nên yêu cầu yếu tố kỹ thuật và an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Về yếu tố địa lý, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu rất lớn, mỗi năm sẽ có nhiều cơn bão nên khi thi công, các đơn vị cần phải chú ý đến yếu tố này cũng như cần phải tính đủ số trạm dừng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Về chi phí xây lắp, dự án này cần 67,34 tỷ USD; trong đó, 50% là chi phí về xây dựng, do đó, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, chúng ta cần phải huy động được nguồn lực trong nước và doanh nghiệp trong nước tham gia.

“Chúng tôi tin rằng, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua sẽ phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương và cân đối được ngân sách. Và trong tương lai gần, địa phương đó sẽ nguồn thu điều tiết trở lại cho Trung ương. Đó là nguồn thu để chúng ta trả nợ. Ngoài ra, trong qua trình thi công, Chính phủ cần phải nâng cấp đường sắt hiện tại để giảm chi phí logistics; đồng thời, quan tâm đến đường biển, đường sông. Song song đó, chúng ta cũng cần quyết tâm xây dựng thành công đường cao tốc Bắc - Nam; phấn đấu hoàn thiện 5.000 km trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, đầu tư đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như có tuyến đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Còn theo Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là một dự án quan trọng. Dự án này liên quan đến an ninh và phát triển kinh tế quốc gia nên hết sức cần thiết. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiếng nói trên thế giới nhưng về phát triển kinh tế - xã hội còn yếu; đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể là hệ thống đường sắt đã rất cũ. Vì thế, việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc để cho người dân di chuyển và vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Theo dự toán, thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chỉ cần 5 - 6 giờ. So với hàng không thì chi phí rẻ hơn và người dân cũng không mất nhiều thời gian. Bởi thế, đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là việc hết sức cần thiết.

“Tuy nhiên, chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài ở những nước có hệ thống đường sắt an toàn và hiện đại như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chúng ta cần nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài để xây dựng báo cáo thành lập dự án”, Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.

Ông Hòa phân tích, hiện nay, người dân rất quan tâm tới chất lượng và quy mô của dự án đường sắt này như thế nào, vốn ở đâu, hiệu quả kinh tế ra sao... và năm 2035 đưa vào sử dụng thì sẽ mất bao lâu để thu hồi vốn. Tùy theo tình hình thực tế, Chính phủ cần phải chi hợp lý, không để rơi vào tình trạng dự toán với số tiền thấp rồi sau lại bị đội vốn. Những dự án đường sắt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bị đội vốn lên rất nhiều. Cho nên, đường sắt tốc độ cao này cần dự toán chính xác để nếu có đội vốn thì không cao hơn nhiều.

“Theo tôi, với số vốn lớn như vậy, Nhà nước cần phải tính tới các quỹ đầu tư công, ODA và nguồn vốn khác. Tôi đề xuất huy động nguồn ngoại tệ ở trong dân. Theo tôi được biết, số liệu cho thấy người dân trong nước tích trữ ngoại tệ rất nhiều. Tôi nghĩ như thế rất lãng phí, nếu cho Nhà nước vay huy động của dân thì sẽ có lãi và Nhà nước cũng sẽ không cần phải trả lãi ODA nhiều. Nếu chủ trương được thông qua, Nhà nước cũng như các Ngân hàng có quy định huy động ngoại tệ trong dân, cụ thể lãi suất là bao nhiêu, bao lâu thì hoàn vốn… Ngân hàng và Nhà nước cần có phương án hợp lý để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/huy-dong-nhieu-nguon-luc-tham-gia-du-an-duong-sat-toc-do-cao-truc-bac--nam-post322176.html
Zalo