Mẹo bảo quản giò chả dịp Tết
Giò, chả là thực phẩm quen thuộc trên mâm cỗ ngày Tết của các gia đình Việt. Tuy nhiên, việc bảo quản giò chả để giữ được hương vị thơm ngon không phải ai cũng biết.
Bảo quản giò chả ngày Tết như thế nào?
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, các loại giò lụa, giò bò, chả mỡ, chả quế... nếu bảo quản đúng cách sẽ giữ được khoảng 2-4 ngày. Nên treo hoặc cất nơi thoáng gió nếu nhiệt độ dưới 25 độ C trong điều kiện thời tiết khô ráo. Nếu trời ấm hoặc ở miền Trung, miền Nam trời nắng nóng thì không nên để giò chả ở nhiệt độ phòng quá 2 ngày. Nhiệt độ phòng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, làm hỏng giò chả.
Nếu cất giò chả trong ngăn mát tủ lạnh sẽ được khoảng 4-5 ngày đến 1 tuần. Để ngăn ngừa các loại vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống xâm nhập thì nên cho giò lụa vào một ngăn riêng, cách xa đồ ăn tươi sống.
Bọc kín giò chả bằng màng bọc thực phẩm hoặc cho vào hộp kín cất trong ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ lý tưởng là từ 2-5 độ C. Trước khi ăn, lấy giò chả ra ngoài khoảng 30 phút để đạt đến nhiệt độ phòng.
Nếu bảo quản giò chả trong ngăn đá tủ lạnh thì thời gian bảo quản từ 10-15 ngày. Khi cần sử dụng, lấy giò chả ra ngăn mát để rã đông từ từ. Không nên rã đông giò chả bằng lò vi sóng vì có thể làm cho giò chả bị chín không đều và mất đi độ ngon.
Lưu ý khi bảo quản, tránh để giò chả tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ làm cho giò chả bị khô và mất đi hương vị. Với cây giò lớn, nên cắt thành từng khoanh vừa đủ cho 1 bữa. Bọc kín bằng lá chuối sạch, nilon, màng bọc thực phẩm, túi zip và bảo quản trong ngăn mát.
Mỗi lần ăn chỉ cần lấy ra 1 khoanh, không nên để nguyên cả cây để tránh mở ra nhiều lần dễ bị nhiễm khuẩn. Không nên để giò chả tại các vị trí gần sát cửa tủ lạnh, vì nơi này thường có mức nhiệt độ không ổn định dễ làm hỏng giò chả.
Hiện nay nhiều người thường sử dụng phương pháp hút chân không giò chả để bảo quản. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đây không phải là cách bảo quản giò chả đúng và chỉ nên áp dụng đối với từng loại.
Vì hầu hết các loại giò chả hiện nay trên thị trường đa phần có hình thức sản xuất hộ gia đình. Tại các cơ sở sản xuất thực phẩm mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ chỉ có thể sử dụng kỹ thuật diệt khuẩn gây mốc thông thường. Trong khi đó, nhiều loại vi khuẩn phải cần ở nhiệt độ hơn 100 độ C mới bị tiêu diệt, ví dụ vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc thực phẩm nặng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Không nên hút chân không giò nhưng chả lại bảo quản được bằng cách này và để ở tủ lạnh được bởi chả được chiên rán ở mức nhiệt 180 độ trở lên nên vi khuẩn Clostridium Botulinum sản sinh vi khuẩn độc thịt sẽ bị tiêu diệt và ít có điều kiện phát triển.
Nhận biết giò, chả chứa hàn the
Thông tin trên Hà Nội mới, khoa học đã chứng minh, cơ thể con người nếu hấp thụ hàn the liều từ 5 gam trở lên có thể gây ngộ độc cấp tính, dễ dẫn đến tử vong. Còn nếu với liều lượng nhỏ vào cơ thể thì hàn the là chất rất khó bị đào thải mà tích tụ trong gan, khi đủ độ lớn sẽ khiến gan, thận bị tổn thương.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cách để phát hiện hàn the tốt nhất là dùng nghệ vì hàn the có tính axit, còn nghệ là một hoạt chất nhạy cảm với axit. Tự chế sản phẩm thử hàn the trong giò, chả bằng cách dùng loại giấy thử ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô, ấn vào bề mặt của giò, chả. Sau 1 phút, nếu thấy giấy chuyển đổi màu sắc từ vàng sang đỏ thì có nghĩa là giò, chả đó có chứa hàn the.
Ngoài ra, giò chuẩn không hàn the khi sờ vào bề mặt có cảm giác hơi ướt, màu trắng ngà hơi ngả hồng. Còn giò có chứa hàn the sờ bề mặt có vẻ hơi sần sùi. Giò, chả nguyên chất không có hàn the khi cắt ra sẽ thấy có những lỗ rỗng. Còn nếu như cắt miếng giò, chả ra mà bên trong mịn đẹp thì chứng tỏ rằng chúng đã được ướp chất phụ gia. Giò sạch thì khi dùng dao cắt, dao bị xít, dính mặt giò, khó thái chứ không trơn tuột như giò có chứa hàn the.
M.H (t/h)