'Màu xanh' trên vùng kháng chiến

Về thăm các xã thuộc vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Long An vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi nhận thấy sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của các địa phương. Nơi từng bị bom đạn của kẻ thù tàn phá khốc liệt ngày nào giờ đây đã không còn dấu vết của chiến tranh, đời sống người dân nâng cao rõ rệt.

Giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa

Giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa

"Thay da, đổi thịt"

Từng ngày Trước đây, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa là vùng đất trũng thấp, chua phèn, vào mùa nước lũ thường bị ngập sâu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân chịu cảnh lầm than, bần hàn, khốn khổ nhưng không vì vậy mà sờn lòng yêu nước, mất ý chí đấu tranh cho tự do, độc lập.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân xã Thạnh Phước xây dựng vùng đất này thành một phần của căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thạnh Phước vinh dự là nơi mở màn cho đợt Đồng Khởi năm 1960 và sau đó tiếp tục lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước.

Sau cuộc chiến, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thạnh Phước bắt tay vào xây dựng hệ thống thủy lợi để tháo chua, rửa phèn, cải tạo đất, phát triển sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp 4.0 (ấp Đình, xã Thạnh Phước) chia sẻ: “Nếu như trước đây, nông dân trên địa bàn xã chỉ có thể canh tác lúa 1 vụ/năm thì nay đã có thể canh tác lúa 2-3 vụ/năm với năng suất, sản lượng cao. Đơn cử như vụ Đông Xuân 2024-2025, nông dân sản xuất lúa đạt năng suất khoảng 8 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha”.

Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp 4.0 (ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) được hỗ trợ hệ thống bẫy đèn thông minh để kiểm soát sâu rầy, phục vụ sản xuất

Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp 4.0 (ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) được hỗ trợ hệ thống bẫy đèn thông minh để kiểm soát sâu rầy, phục vụ sản xuất

Cùng với đó, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng khang trang. Thạnh Phước là một trong những xã đầu tiên của huyện Thạnh Hóa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017 và đang tiến gần về NTM nâng cao.

Thời gian qua, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, rất nhiều công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Xã vận động người dân hiến hàng chục hécta đất, góp hàng chục tỉ đồng và nhiều ngày công lao động để xây dựng NTM. Từ đó, các tuyến đường trục xã, trục ấp, ngõ xóm và trục chính nội đồng đều được đầu tư xây dựng đạt chuẩn giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa thuận tiện, không còn lệ thuộc vào giao thông thủy như trước đây.

Ngày nay, xã Thạnh Phước không còn vết tích chiến tranh tàn phá, thay vào đó là diện mạo của một xã NTM, minh chứng cho quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạnh Phước trong thời kỳ mới. Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước - Hồ Văn Tùng cho biết: Xã đang tập trung thực hiện công trình đường Cái Tôm (ấp Ông Quới) với chiều dài 5,4km, tổng vốn đầu tư 5,4 tỉ đồng. Cùng với đó, xã chuẩn bị đưa vào vận hành Trạm cấp nước Thạnh Phước - Tân Hiệp với tổng vốn đầu tư hơn 14,5 tỉ đồng. Các công trình này khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại và sử dụng nước sạch của người dân địa phương.

Trạm cấp nước Thạnh Phước - Tân Hiệp chuẩn bị đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch

Trạm cấp nước Thạnh Phước - Tân Hiệp chuẩn bị đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạnh Phước sẽ không quên những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất đỗi tự hào. Đồng thời, tiếp tục kế thừa, tiếp bước cha ông xây dựng quê hương Thạnh Phước ngày càng phát triển và giàu đẹp” - ông Hồ Văn Tùng cho biết thêm.

Diện mạo mới, sức sống mới

Xã Tân Bình, huyện Tân Trụ được biết đến là vùng đất ghi dấu chiến công vang dội của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Vùng đất này còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Long An trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, Tân Bình trở thành “vùng trắng” vì hứng chịu “mưa bom, bão đạn”. Trong muôn vàn khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Năm 2023, xã Tân Bình được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là thành quả của sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã.

Đường Huỳnh Thanh Tra (ấp Bình Tây, xã Tân Bình) được mở rộng 5m theo Nghị quyết số 22 của Huyện ủy Tân Trụ

Đường Huỳnh Thanh Tra (ấp Bình Tây, xã Tân Bình) được mở rộng 5m theo Nghị quyết số 22 của Huyện ủy Tân Trụ

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Đặng Văn Tây Lo cho biết, nhờ chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao mà diện mạo của địa phương đổi thay toàn diện. Không chỉ điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư, đời sống người dân cũng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã gần 70 triệu đồng/năm; hộ nghèo đa chiều của xã dưới 2%. Bên cạnh đó, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mạnh dạn phát triển sản xuất nên kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân ấm no.

“Với quyết tâm khắc phục khó khăn, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đến nay, xã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn xã” - ông Đặng Văn Tây Lo cho biết thêm.

Ông Phạm Ngọc Sáng (ấp Bình Tây, xã Tân Bình) bộc bạch: “So với trước đây, hiện đời sống người dân trên địa bàn xã nâng cao hơn. Ngày càng có nhiều ngôi nhà khang trang được xây lên, đường sá đi lại thuận tiện hơn, trường học, trạm y tế,... cũng được xây dựng khang trang nên người dân rất phấn khởi”.

Những vùng kháng chiến năm xưa giờ đây đã khoác lên mình “màu áo mới”, hòa nhịp cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước. Tất cả đều quyết tâm thi đua lao động, sản xuất, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mau-xanh-tren-vung-khang-chien-a194313.html
Zalo