Hồi ức của nữ cựu chiến binh
Chiến tranh qua đi nửa thế kỷ nhưng không lúc nào bà Huỳnh Thị Kim Tuyến (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) quên được những năm tháng chống Mỹ hào hùng. Chiến trường ác liệt năm xưa là nơi bà và đồng đội đã cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ với niềm tin son sắt và nhiệt huyết căng tràn. Trở về sau cuộc chiến, bà lại hăng say lao động, góp phần xây dựng quê hương.

Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến (ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) xem lại những tấm ảnh chụp cùng đồng đội. Đối với bà, đó là những kỷ vật thiêng liêng, cao quý
Cậu ruột của bà Tuyến tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, cha thì rèn vũ khí, tiếp tế, nuôi giấu chiến sĩ. Năm 1963, khi 17 tuổi, không chịu lấy chồng theo lệnh cha, bà bỏ nhà đến huyện Thạnh Hóa. Tại đây, bà chứng kiến cảnh bạo tàn của quân thù. Chúng đốt nhà, giết người, hãm hiếp phụ nữ, không tội ác nào không làm. Với lòng căm thù sẵn có, khi địa phương phát động tòng quân, bà hăng hái lên đường. Trong 29 người năm đó, chỉ có mình bà là nữ.
Bà được phân công làm nhiệm vụ tải gạo, tải đạn, tải thương và học thêm nghề y tá. Sau mấy năm, bà lập gia đình với một chiến sĩ cách mạng vì cùng lý tưởng, mục tiêu. Đến ngày đất nước giải phóng, ông bà có được 4 người con. Bà Tuyến kể: “Lúc đó cực khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi không đủ gạo ăn, con thì thiếu sữa. Chồng tôi đi chiến đấu, tôi một mình vừa nuôi con, vừa làm nhiệm vụ. Năm 1967, tôi bị một trận sốt rét thập tử nhất sinh, con tôi cũng bệnh, may được đồng đội chăm sóc, thuốc thang. Dù sống trong mưa bom bão đạn, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng chúng tôi luôn giữ vững tinh thần”.
Bà Tuyến mãi không quên một đêm năm 1969. Lúc đó, đơn vị đang đóng quân ở nước bạn Campuchia, bà vừa sinh người con thứ 2. Chiến sự cực kỳ căng thẳng, bà kể, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng, địch dội 25 đợt bom B52, sáng ra cảm giác đầu óc như trống rỗng. Phía ta thiệt hại không ít nhưng không làm chiến sĩ sờn lòng. Sự mất mát, đau thương càng nung nấu lòng căm thù, trui rèn ý chí sắt đá của toàn quân. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà về tỉnh Bình Dương công tác cho đến ngày đất nước giải phóng.
Năm 1977, bà về lại Thủ Thừa, ông còn công tác ở tỉnh Tây Ninh đến năm 1981. Cha cho 3.000m2 đất, bà làm ruộng chỉ đắp đổi qua ngày. Năm 1978 lụt to, cả vùng trắng xóa, nước dâng mấy tháng mới rút, cuộc sống vốn đã túng thiếu lại càng khó khăn hơn nhưng bà Tuyến nghĩ: “Hồi đó chiến tranh sống nay chết mai còn không sợ, bấy nhiêu đây có là gì”. Với tinh thần người Bộ đội Cụ Hồ, vợ chồng bà chí thú làm ăn, cuộc sống dần ổn định.
Ngoài làm kinh tế gia đình, bà Tuyến còn tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã. Mỗi khi địa phương phát động phong trào, bà đều nhiệt tình tham gia. Bà hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tặng quà, tiền mặt cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn,... Hiện tại, các con, cháu của bà đều có việc làm ổn định, nhiều người là đảng viên. Họ thường lấy bà là tấm gương để học tập, noi theo.
Bà Tuyến được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích là người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2012,.../.