Mang vọng cổ đến gần hơn với người trẻ

Nhóm sinh viên khoa Thương mại, trường ĐH Văn Lang vừa tổ chức chương trình nhạc kịch vọng cổ 'Đời'. Chương trình nhằm mang cải lương đến gần sinh viên hơn và đã thu hút 300 bạn trẻ tham dự.

Giới trẻ tìm thấy sự đồng cảm ở vọng cổ

Trong bối cảnh các loại hình văn hóa dân tộc đang dần mai một trước làn sóng hội nhập và phát triển, chương trình nhạc kịch vọng cổ Đời ra đời như một nỗ lực mang vọng cổ (một tinh hoa nghệ thuật cải lương) đến gần hơn với giới trẻ, để không chỉ kế thừa mà còn tiếp thêm sức sống mới cho di sản dân tộc.

Phần trình diễn nhạc kịch vọng cổ 'Đời'.

Phần trình diễn nhạc kịch vọng cổ 'Đời'.

ThS Trần Nguyễn Huỳnh Như - Giảng viên khoa Thương mại, cũng chính là giảng viên hướng dẫn các bạn sinh viên thực hiện chương trình, chia sẻ: “Các bạn GenZ thật sự rất quan tâm đến những vấn đề về văn hóa, lịch sử và các bạn có một góc nhìn hoàn toàn mới so với những thế hệ trước đây. Mình rất hoan nghênh tinh thần khai thác những khía cạnh mới của các bạn, trong đó có việc kết hợp vọng cổ với nhiều thể loại âm nhạc hiện đại khác nhau”.

“Mình và bạn Huỳnh Nhi đã từng lên ý tưởng tổ chức một sự kiện về cải lương, nhưng nhận ra trường đã có nhiều chương trình tương tự. May mắn thay, trong thời gian đó, mình có dịp về Bạc Liêu - quê hương mình, cũng là cái nôi của vọng cổ và đờn ca tài tử. Từ đó đã gợi cho mình một ý tưởng: Tại sao không thực hiện một sự kiện về vọng cổ - một nét đẹp rất riêng của quê hương mình?”, Thúy An (Phó Trưởng Ban Tổ chức) chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng tổ chức sự kiện liên quan đến vọng cổ.

Nói về lý do sử dụng hình thức ca nhạc kịch để tái hiện lại vọng cổ thay vì tái hiện một cách nguyên thủy, Thanh Nhàn (Trưởng ban Nội dung) cho biết: “Chúng mình yêu và trân trọng vẻ đẹp nguyên bản của vọng cổ, nhưng không muốn chỉ tái hiện lớp diễn xưa. Chúng mình muốn kể câu chuyện về người viết nên bản Dạ cổ hoài lang đầu tiên và hành trình của người trẻ hôm nay khi chạm vào những giá trị đang dần phai nhạt theo thời gian. Chúng mình không chọn cách thể hiện vọng cổ nguyên thủy, bởi chúng mình tin di sản là để sống tiếp, không phải để trưng bày”.

Khán giả trẻ hào hứng với vở nhạc kịch.

Khán giả trẻ hào hứng với vở nhạc kịch.

Hành trình tái hiện hoàn chỉnh văn hóa vọng cổ

Để có một chương trình hoàn chỉnh, các bạn sinh viên đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính. “Việc cân đối giữa chi phí và chất lượng chương trình cũng là một bài toán nan giải với chúng mình. Làm sao để tối ưu mà vẫn giữ được tinh thần nghệ thuật và chuyên nghiệp của sự kiện? Nhưng nhờ tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đối tác, chúng mình đã từng bước tháo gỡ được các vấn đề”, Hoài Thương (Trưởng ban Đối ngoại) tâm sự.

“Trang phục được chúng mình thuê mướn và chọn lọc kỹ càng để có thể tái hiện nét văn hóa dân dã miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Bối cảnh sân khấu cũng được tự tay các thành viên thiết kế và thành hình, đồng thời các đạo cụ được sắp xếp hợp lý, gọn gàng để thuận tiện chuyển cảnh liên tục và diễn viên có thể thể hiện tròn trịa vai diễn”, Vịnh Khang (Trưởng ban Hậu cần) nói.

Các bạn sinh viên chuẩn bị cho sự kiện.

Các bạn sinh viên chuẩn bị cho sự kiện.

Về thông điệp chương trình, Đức Huy (Trưởng Ban Tổ chức) bày tỏ: “Chúng mình mong muốn khẳng định rằng, vọng cổ vẫn có thể sống động và gần gũi trong đời sống giới trẻ ngày nay. Khi được nhìn nhận bằng một góc nhìn mới mẻ, đầy cảm hứng; vọng cổ không chỉ là di sản, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại”.

Khán giả cùng Ban Tổ chức chụp hình sau chương trình.

Khán giả cùng Ban Tổ chức chụp hình sau chương trình.

Chương trình nhạc kịch vọng cổ Đời đã mở ra cơ hội cho những người trẻ được kết nối với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, sự kiện còn cho thấy tinh thần làm việc sáng tạo và chuyên nghiệp của các bạn sinh viên khoa Thương mại, trường ĐH Văn Lang.

Quản Thạch

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/mang-vong-co-den-gan-hon-voi-nguoi-tre-post1735518.tpo
Zalo