NSND Trịnh Kim Chi dùng sân khấu để giáo dục lòng yêu nước
NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ: 'Nghệ thuật sân khấu cách mạng không chỉ là nơi để kể lại lịch sử mà còn là nơi để nhắc nhớ, để khơi gợi lòng tự hào dân tộc để thế hệ sau hiểu và trân trọng những gì cha ông đã đánh đổi bằng máu và nước mắt'.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), NSND Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, người sáng lập sân khấu Trịnh Kim Chi sẽ mang vở kịch truyền thống cách mạng Ngày ấy cổng trời trở lại với công chúng.
Vở diễn của Sân khấu Trịnh Kim Chi được xem là điểm sáng trong chuỗi hoạt động sân khấu chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước.

Nghệ sĩ Đào Vân Anh trong vai Phúc.
NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ: "Nghệ thuật sân khấu cách mạng không chỉ là nơi để kể lại lịch sử mà còn là nơi để nhắc nhớ, để khơi gợi lòng tự hào dân tộc để thế hệ sau hiểu và trân trọng những gì cha ông đã đánh đổi bằng máu và nước mắt".
Ngày ấy cổng trời lấy bối cảnh tại Cổng Trời (Quảng Bình) - điểm nóng bị đánh phá ác liệt nhất trên tuyến Trường Sơn. Vở kịch tái hiện hình ảnh những nữ thanh niên xung phong kiên cường, gan dạ vượt lên hiểm nguy, mở đường cho bộ đội vượt chiến tuyến với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".




Các diễn viên của vở diễn.
Ban tổ chức quyết định dành tặng 50% số lượng vé cho các cán bộ ban ngành, chiến sĩ lực lượng vũ trang và sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TPHCM, nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tại Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ nhất năm 2024, chủ đề Khát vọng phương Nam, vở diễn đã vinh dự nhận 6 giải thưởng gồm: Huy chương Bạc vở diễn, giải Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Thiết kế ánh sáng xuất sắc nhất, huy chương Vàng cho nghệ sĩ Đào Vân Anh (vai Phúc) và 2 huy chương Bạc cho nghệ sĩ Phương Bình (vai Chủ nhiệm) và Yali Trần (vai bà Lành).

NSND Trịnh Kim Chi.
Với vai trò là người chỉ đạo nghệ thuật, NSND Trịnh Kim Chi khẳng định sứ mệnh dùng sân khấu để giáo dục lòng yêu nước và gìn giữ ký ức lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh giới trẻ ngày càng ít tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống.
Vở diễn sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 24 và 25/4 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TPHCM).
Trích đoạn vở "Ngày ấy cổng trời":
Ảnh, video: NVCC