50 năm thống nhất đất nước: Cầu Cỏ May và trận đánh bi tráng

Cầu Cỏ May (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ghi dấu trận đánh ác liệt và bi tráng giải phóng Bà Rịa - Long Khánh cách đây tròn 50 năm với rất nhiều mất mát, hi sinh để non sông nối liền một dải...

Chứng nhân của lịch sử

Chúng tôi có mặt tại cầu Cỏ May vào một ngày đầu tháng 4/2025, khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trên bờ sông, một vài cựu chiến binh lặng lẽ thả hoa xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy ra cửa biển để tưởng nhớ những đồng đội anh dũng hi sinh nửa thế kỷ trước.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bà Rịa - Vũng Tàu được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Bắc Sài Gòn. Trước tình hình chuyển biến nhanh chóng, ngày 26/4/1975, ông Nguyễn Minh Ninh, Tỉnh đội trưởng Bà Rịa họp với Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 - Sao Vàng bàn triển khai phương án giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuộc tiến công được tiến hành làm 2 giai đoạn. Trận đánh cầu Cỏ May mở màn cho giai đoạn 2 của chiến dịch là giải phóng TP Vũng Tàu.

Vào cuối tháng 4/1975, quân ta đánh mạnh và giải phóng được Long Khánh nên địch dồn về Bà Rịa, sau đó chạy qua cầu Cỏ May để cố thủ và chiếm giữ Vũng Tàu. Cầu Cỏ May là nơi ta và địch giằng co quyết liệt, đánh nhau liên tục để giành quyền kiểm soát.

Cầu Cỏ May ngày ấy là một mục tiêu hiểm yếu, bởi địa hình rất phức tạp. Cầu dài chưa đến 100m nhưng sông sâu, nước chảy xiết. Điểm bất lợi với quân ta là toàn bộ địa hình xung quanh đầu cầu bờ Bắc bằng phẳng, sình lầy, không triển khai được nhiều lực lượng. Ngược lại, bên kia cầu, địch chiếm giữ địa hình cao, có làng mạc nhô ra gần sát bờ sông, tạo địa thế lý tưởng trong phòng ngự. Trước khi tháo chạy khỏi Bà Rịa xuống Vũng Tàu, địch đã phá sập cầu Cỏ May vào chiều 27/4, đồng thời đuổi hết ngư dân lên thượng nguồn để phòng ngừa quân ta sử dụng tàu thuyền của dân vượt sông.

Nhiều cựu chiến binh tham gia trận chiến bi tráng này kể rằng, địch liên tục nã pháo 80 - 100 ly, súng 12 ly 7 xối xả xuống mặt sông và bố trí xe tăng, xe bọc thép trấn giữ cầu. Trước tình hình đó, quân ta cho một trung đoàn thuộc Sư đoàn 3 - Sao Vàng hành quân từ Bà Rịa xuống Long Hải, vượt sông Cửa Lấp tấn công sang Vũng Tàu. Suốt ngày 28/4, quân ta tổ chức nhiều cuộc vượt sông nhưng đều bị hỏa lực địch phía bên kia chặn lại. Nhiều chiến sĩ bị thương và hi sinh trong quá trình vượt sông.

 Cầu Cỏ May bị địch phá sập cuối tháng 4/1975 Ảnh: tư liệu

Cầu Cỏ May bị địch phá sập cuối tháng 4/1975 Ảnh: tư liệu

Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông. Trung đoàn bộ binh 12 tiến ra hướng Long Hải, huy động tàu thuyền của ngư dân vượt eo biển Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu. Hướng tiến công của Trung đoàn 2 trở thành hướng thứ yếu, tiếp tục khắc phục khó khăn, tổ chức vượt sông, tiến công theo trục đường 15 (nay là quốc lộ 51) vào Vũng Tàu.

Đến sáng 29/4/1975, Tiểu đoàn 3 tổ chức vượt sông, đánh chiếm làm bàn đạp cho Trung đoàn. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 3 gặp bất lợi tại cầu Cỏ May. Ở hướng Đông Nam, được ghe của ngư dân Phước Tỉnh chuyển quân vượt Cửa Lấp thành công nên Trung đoàn 12 được giao đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu. Quân của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Phước Thành vòng lên, từ Bến Súc, Trại Nhái đánh úp vào, hỗ trợ cho quân ta ở hướng cầu Cỏ May, cô lập địch ở tuyến phòng thủ Cỏ May với trung tâm Vũng Tàu.

50 năm trôi qua nhưng ký ức về cầu Cỏ May ngày ấy không thể nào quên đối với những cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Ngày nay, ở đầu cầu Cỏ May mới - cũng chính là trận địa bờ sông của Tiểu đoàn 3 năm xưa, cạnh quốc lộ 51, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho xây dựng Tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May. Công trình tọa lạc trên khu đất rộng 1.500m2, tượng đài cao hơn 11m, có bia tưởng niệm, phòng truyền thống, có khuôn viên, ghế đá cho khách ngồi nghỉ chân.

Đến khoảng 10 giờ 30 ngày 30/4/1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng xóa sạch hoàn toàn cứ điểm của địch ở cầu Cỏ May, tạo khí thế cho quân ta tiến về giải phóng Vũng Tàu vào chiều cùng ngày. Cùng với trận đánh Palace, trận đánh cầu Cỏ May là một trong những trận quyết chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bà Rịa - Long Khánh năm 1975.

Không gian phát triển mới

Sau ngày giải phóng, cầu Cỏ May đã được xây dựng lại, trở thành cây cầu to đẹp hiện đại trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tại, cầu Cỏ May bắc qua sông Cỏ May, nằm trên quốc lộ 51, cửa ngõ chính vào

Cầu Cỏ May về đêm

Cầu Cỏ May về đêm

TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với chiều dài 258 mét, rộng 30 mét. Trước đó vào năm 2017, để tạo điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu cho vị trí kết nối giữa hai thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa, khai thác tiềm năng du lịch… phương án thiết kế cánh chim Hải Âu đã được chọn để thực hiện công trình. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 115 tỷ đồng.

Phương án “Cánh chim Hải Âu” lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh chim Hải Âu trong cảnh bình minh trên biển với hai cánh dang rộng thành hai khung dây treo của cầu, màu đỏ tươi như màu của ánh bình minh, làm nổi bật hình dáng cầu trong bối cảnh sông nước và cây xanh. Hoa cỏ may cũng chính là tên cầu được cách điệu thành các hàng đèn chiếu sáng. Tổng thể công trình là một biểu tượng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phần giữa cầu là hệ tường chắn cao 3m để che đường ống dẫn nước. Lan can hai bên cầu hiện hữu cũng được thay bằng tường chắn có cùng hình thức. Toàn bộ phần thép của công trình được bảo vệ bằng sơn epoxy hai thành phần, tránh oxy hóa trong điều kiện nước mặn.

Cầu Cỏ May bắc qua sông Cỏ May, nằm trên quốc lộ 51, cửa ngõ chính vào TP Vũng Tàu có chiều dài 258 m, rộng 30 m được thiết kế hình dáng cánh chim Hải Âu

Cầu Cỏ May bắc qua sông Cỏ May, nằm trên quốc lộ 51, cửa ngõ chính vào TP Vũng Tàu có chiều dài 258 m, rộng 30 m được thiết kế hình dáng cánh chim Hải Âu

Sông Cỏ May - nơi cầu Cỏ May bắc qua là ranh giới tự nhiên chia tách 3 địa phương gồm TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền. Ngày trước, sông Cỏ May là chứng nhân lịch sử liên quan đến những dấu mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày nay, không gian ven bờ sông đang được định hình phát triển, hứa hẹn một miền đất năng động trong tương lai.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã định hình phát triển kinh tế xã hội dọc dòng sông Cỏ May. Hiện nay, TP Bà Rịa đang triển khai 3 dự án đô thị và nghỉ dưỡng quan trọng, gồm Khu đô thị Tây Nam (gần 1.800 ha), Khu đô thị Cỏ May 1 (gần 180 ha) và Khu đô thị Cỏ May 2 (85 ha). Trong đó, dự án khu đô thị Cỏ May 1 đang hoàn thiện quy hoạch 1/2.000 và dự án khu đô thị Cỏ May 2 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện kêu gọi đầu tư.

DUY QUANG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-cau-co-may-va-tran-danh-bi-trang-post1735783.tpo
Zalo