Mắc bệnh cúm, khi nào cần dùng thuốc Tamiflu?
Thuốc Tamiflu - một trong những loại thuốc đặc trị bệnh cúm A - đang trở thành một mặt hàng được 'săn lùng'.
Tình hình bệnh cúm tại các tỉnh miền Bắc trong thời gian vừa qua đang có xu hướng gia tăng. Thực tế đó đã khiến Tamiflu - một trong những loại thuốc đặc trị cúm A - trở thành một mặt hàng được "săn lùng".
Đáng nói, trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ cũng "mách nhau" tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống khi không may mắc cúm. Có người hướng dẫn rằng, cha mẹ có thể ra hiệu thuốc mua que test cúm, nếu con bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về cho con uống, sau 1 hôm là con sẽ cắt sốt.
![Dùng thuốc Tamiflu 75mg bừa bãi dễ gây ngộ độc, virus kháng thuốc và vô tình khiến thuốc trở nên khan hiếm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51434113/feaffc1bc7552e0b7744.jpg)
Dùng thuốc Tamiflu 75mg bừa bãi dễ gây ngộ độc, virus kháng thuốc và vô tình khiến thuốc trở nên khan hiếm.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho rằng, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, hay tự ý sử dụng là không cần thiết. Tamiflu nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.
"Nếu sử dụng không đúng bệnh, không đúng chỉ định, sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả. Thậm chí, người uống còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi…", bác sĩ Thiệu nói.
Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện.
Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu trong những ngày qua, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi bị mắc cúm cũng không được tự ý mua thuốc Tamiflu dùng ngay, mà việc đầu tiên là cần phải đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm. Khi xác định đã mắc cúm, người bệnh sẽ được điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thông thường cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Riêng đối tượng dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch… thì cần được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc để điều trị kịp thời.
"Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Lạm dụng thuốc Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh và khuyến cáo thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trị cúm.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống lây nhiễm cúm, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Với người bệnh, cần chủ động đeo khẩu trang, vệ sinh tay để không lây bệnh ra cộng đồng.
Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).
Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.