Số ca mắc cúm giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 và 8 sự thật về bệnh cúm
Cúm là một loại bệnh nhiễm virus (Influenza virus) gây viêm long đường hô hấp cấp tính và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51438883/8aa15240660e8f50d61f.jpg)
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442).
Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3 - 5 triệu ca mắc cúm mùa nặng, có khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong.
Dưới đây là 8 sự thật ít người chú ý về bệnh cúm:
1. Bệnh cúm xuất hiện quanh năm
Tại Việt Nam, bệnh cúm có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Bạn có thể thấy các trường hợp bị cúm mùa gia tăng khi giao mùa đông - xuân nhưng bạn cũng có thể bị cúm vào mùa hè, cúm mùa thu,... Do vậy để phòng tránh bệnh cúm hiệu quả, cần chú ý luôn luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đeo khẩu trang khi tới những nơi đông người có điều kiện thông gió kém và đặc biệt là tiêm phòng cúm hàng năm.
Mùa cúm thường là tháng mấy? Cúm mùa thường bắt đầu vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và kết thúc vào tháng 3 dương lịch; thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm. Chủ yếu liên quan tới giai đoạn giao mùa, chẳng hạn như giai đoạn mùa đông và mùa xuân hay thời điểm trẻ quay trở lại trường học.
![Tại Việt Nam, bệnh cúm có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51438883/48f79316a7584e061749.jpg)
Tại Việt Nam, bệnh cúm có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm (Ảnh: ST)
2. Virus cúm có thể lây lan trước khi các triệu chứng xuất hiện
Theo CDC, bệnh cúm có khả năng lây lan rất cao và rất nhanh một phần do virus cúm có thể lây truyền trước khi các triệu chứng cúm xuất hiện khoảng một ngày. Và bạn có khả năng lây lan virus cúm cho người xung quanh mạnh nhất trong vòng 3 - 4 ngày đầu tiên sau khi bị bệnh, thậm chí 5 - 7 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu. Nếu bạn vẫn còn sốt thì đồng nghĩa là nguy cơ truyền nhiễm chưa biến mất.
Ở trẻ em, bệnh cúm có thể kéo dài thời gian lây nhiễm tới 10 ngày và thậm chí có thể xa hơn. Nhất là với những trẻ và người trưởng thành có vấn đề với hệ miễn dịch, người bị biến chứng cúm nặng có thể thải virus vào đường hô hấp trong thời gian dài hơn nhiều dẫn tới thì thời gian lây nhiễm bệnh cũng kéo dài hơn, lên tới vài tuần hoặc vài tháng sau khi họ nhiễm bệnh.
Như vậy với câu hỏi cúm A bao lâu thì hết lây hay cúm B bao lâu thì hết lây thì câu trả lời là trung bình cần 5 - 7 ngày. Tuy nhiên ngay cả khi đã hết 7 ngày thì các biện pháp vệ sinh cá nhân sạch sẽ vẫn cần duy trì, hạn chế tiếp xúc nếu bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng viêm long đường hô hấp.
3. Các triệu chứng bệnh cúm có thể bắt đầu đột ngột
Triệu chứng bệnh cúm có thể xuất hiện rất nhanh và đột ngột. Bạn có thể cảm thấy khỏe mạnh bình thường nhưng vào một hoặc hai ngày sau các triệu chứng sớm như:
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể và ớn lạnh
- Ho
- Sốt
- Các vấn đề về dạ dày - ruột
- Đau đầu.
![Các triệu chứng bệnh cúm có thể bắt đầu đột ngột (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51438883/7c7f989eacd0458e1cc1.jpg)
Các triệu chứng bệnh cúm có thể bắt đầu đột ngột (Ảnh: ST)
Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm là bao lâu? Dean Winslow, MD, Giáo sư y khoa tại Khoa Y học Bệnh viện và Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho biết, thời gian ủ bệnh của cúm là từ 1 - 4 ngày, trung bình là 2 ngày và dường như không có thay đổi về thời gian ủ bệnh qua các năm. Khi có các dấu hiệu cúm đầu tiên, cần nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn nếu có thể để cơ thể có thời gian phục hồi, uống đủ nước, ngừng tập thể dục, uống thuốc không kê đơn giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
4. Vaccine cúm cần ít nhất 2 tuần để phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể
Tiêm vaccine phòng cúm là nguyên tắc quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm mùa bằng cách phát triển các kháng thể đặc hiệu ức chế hoạt động virus cúm và bảo vệ chống lại virus cúm. Nhưng điều quan trọng là cần phải tiêm vaccine sớm trước khi mùa cúm bắt đầu. Tốt nhất, nên tiêm phòng cúm trước từ 2 tuần cho tới 1 tháng trước khi cúm vào mùa.
CDC cũng lưu ý rằng, nếu tiếp xúc với virus cúm trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vaccine thì bạn vẫn có nguy cơ bị bệnh. Chính vì vậy, quan niệm tiêm vaccine cúm gây ra bệnh cúm là hoàn toàn sai lầm. Một số người có thể gặp các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine phòng cúm chẳng hạn như sốt nhẹ và đau mỏi cơ thể hoặc đau mỏi ở bên cánh tay tiêm vaccine nhưng đây không phải là triệu chứng cúm và chúng thường chỉ kéo dài từ 1 - 2 ngày.
5. Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại mỗi năm một lần
Các loại virus cúm lưu hành trong mùa này có thể sẽ khác với virus cúm của năm sau. Mỗi năm, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm sự khác biệt của các chủng cúm và có điều chỉnh phù hợp trong vaccine. Chính vì vậy mà việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hàng năm là rất quan trọng. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng kháng thể sinh ra do vaccine cũng sẽ giảm dần theo thời gian.
![Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại mỗi năm một lần (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51438883/af2a4acb7e8597dbce94.jpg)
Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại mỗi năm một lần (Ảnh: ST)
Ngoài ra, cần nhớ rằng, tiêm vaccine cúm không giúp bạn ngăn chặn hoàn toàn việc bị nhiễm cúm nhưng vaccine sẽ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị biến chứng cúm nặng khi nhiễm bệnh. Bạn vẫn có thể bị nhiễm cúm nếu tiếp xúc với một chủng virus cúm khác với chủng virus mà bạn đã được tiêm. Theo Healthline, trung bình mũi vaccine cúm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ 40 - 60%.
Theo CDC Hoa Kỳ, nhóm trẻ (6 tháng đến 17 tuổi) được tiêm vaccine ngừa cúm đã giảm tình trạng gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ 59 -67%, giảm khả năng nhập viện vì cúm từ 52- 61%. Đồng thời, vaccine cúm mang lại hiệu quả bảo vệ cho cả người lớn, giảm nguy cơ thăm khám bệnh do cúm hơn 33 - 49%, giảm khả năng nhập viện từ 41- 44%. Ở người cao tuổi, tiêm vaccine cúm cũng giúp giảm tỷ lệ nhiễm virus cúm, phải thăm khám bác sĩ hơn 41 - 51% và khả năng nhập viện vì cúm hơn 42%.
Cuối cùng, tiêm vaccine phòng cúm là cách giúp giảm nguy cơ lây lan và bùng dịch trong cộng đồng.
6. Có nhiều loại vaccine phòng cúm
Việt Nam đang cấp phép và lưu hành 4 loại vaccine phòng cúm là vaccine Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và vaccine cúm Vaxigrip Tetra (Pháp). Trong đó, vaccine Vaxigrip Tetra (Pháp) là loại vaccine thế hệ mới phòng ngừa hiệu quả 4 chủng nguy hiểm nhất là 02 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và 02 chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
Khi tiêm vaccine cần nói chuyện với bác sĩ về các chủng cúm có thể phòng ngừa của các loại vaccine để lựa chọn phù hợp.
7. Virus cúm có thể sống tới 48 giờ trên bề mặt cứng
Virus cúm có thể sống sót tới 48 giờ trên các bề mặt cứng, không xốp như thép không gỉ, thủy tinh và nhựa. Chúng cũng có thể sống tới 12 giờ trên các bề mặt mềm hơn như quần áo, vải lanh và khăn giấy.
![Virus cúm có thể sống tới 48 giờ trên bề mặt cứng (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51438883/6f1589f4bdba54e40dab.jpg)
Virus cúm có thể sống tới 48 giờ trên bề mặt cứng (Ảnh: ST)
Chính vì vậy, nếu một thành viên trong gia đình bị cúm, hãy cẩn thận giặt hoặc khử trùng mọi bề mặt mà họ có thể đã tiếp xúc. Khi người bệnh hồi phục, hãy làm sạch ga trải giường, gối, dụng cụ ăn uống, các thiết bị điện tử và bề mặt lại một lần nữa để đảm bảo an toàn, ngăn chặn sự lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.
8. Bổ sung vitamin C không giúp nhanh khỏi cúm hơn
Mặc dù Vitamin C có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn để chống lại nhiễm trùng, nhưng vitamin C không thể ngăn bạn khỏi bị cúm hay giúp bạn nhanh khỏi cúm hơn.
Tuy nhiên, khi bị cúm, có thể bổ sung vitamin C từ các loại trái cây như khế, lê, chanh, cam và dưa hấu để hỗ trợ điều trị bệnh, giúp cơ thể nhanh hồi phục nhờ tăng cường nước và năng lượng giúp giảm mệt mỏi.
Do khó phân biệt đâu là cúm thường, đâu là cúm A hay cúm B nên nhiều người chủ quan, tới khi các dấu hiệu cúm chuyển nặng hơn dễ dẫn tới tiên lượng điều trị khó khăn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí đe dọa tới tính mạng,... nhất là ở trẻ nhỏ, người già trên 60 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người sẵn có các bệnh nền mãn tính, bệnh phổi hay bệnh hô hấp mãn tính.
Chính vì vậy, khi bị cúm cần chú ý sát sao tới các triệu chứng. Bệnh cúm thường kéo dài dưới 7 ngày và các triệu chứng sẽ tự biến mất mà không cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu phát triển các triệu chứng kéo dài hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm kèm theo sốt cao li bì, mất nước, đau tức ngực, khó thở, ho đờm đặc lẫn máu, chóng mặt, lú lẫn,... cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm để được can thiệp y tế phù hợp.