Lý giải nguồn tín dụng xanh khó tiếp cận doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh. Dù đã hình thành nhận thức và có những động lực nội tại nhất định, nhưng các rào cản tài chính, năng lực kỹ thuật và thiếu hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ vẫn đang là trở ngại lớn khi doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn tín dụng xanh
Nhìn đâu cũng thấy khó
Chia sẻ tại một hội nghị về nguồn vốn tín dụng xanh mới đây, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Quảng Ninh) cho biết, nhiều năm qua, DN vẫn không được ngân hàng đưa vào danh mục “Xanh” vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực, nên khi làm việc với ngân hàng DN không thể tiếp cận được vốn ưu đãi. Đặc biệt, tài sản đảm bảo hạn chế khiến DN không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, chưa nói gì đến tín dụng xanh mặc dù các dự án xanh đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
“Trong sản xuất nông nghiệp, DN không có tài sản thế chấp truyền thống, không thể dùng tài sản hình thành của dự án để thế chấp khoản vay, thường phải dùng tài sản khác ngoài dự án để đảm bảo cho khoản vay. Ngoài ra, những rủi ro và hiệu quả tài chính của kinh tế xanh chưa hấp dẫn, nên ngân hàng cũng không mặn mà đối với các dự án xanh”, ông Thắng bày tỏ.

Nội lực hạn chế là yếu tố khiến nhiều DN chưa sẵn sàng theo đuổi mô hình kinh doanh xanh
Hiện nay, khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng xanh của khu vực DN tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Như nhận xét của TS. Bùi Thanh Minh, PGĐ chuyên môn, Văn phong Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), nhiều DN nhất là nhóm DN vừa và nhỏ (SMEs) chưa nắm rõ về các kênh tiếp cận tín dụng xanh, hoặc không có đủ kiến thức và năng lực để xây dựng hồ sơ đáp ứng tiêu chí “xanh” từ các ngân hàng. DN cũng thường thiếu khả năng chứng minh hiệu quả môi trường của dự án, do chưa có hệ thống chỉ số, dữ liệu kỹ thuật hay chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm tiếp tục là rào cản lớn đối với DN. Nhiều dự án xanh (như tiết kiệm năng lượng, cải tiến quy trình, mô hình tuần hoàn…) không có tài sản hữu hình, chỉ tạo ra dòng tiền tương lai nên khó được chấp nhận làm tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng truyền thống. Một số quỹ quốc tế còn yêu cầu DN có bảo lãnh từ ngân hàng hoặc nhà nước, điều này vượt quá khả năng của nhiều DN tư nhân.
Ngoài ra, quy mô nhỏ lẻ và phân tán của nhiều dự án xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng tái tạo quy mô hộ gia đình làm tăng chi phí giao dịch, thẩm định và theo dõi, khiến các tổ chức tài chính thiếu động lực tài trợ. Trong khi đó các nhà đầu tư quốc tế lại ưu tiên các dự án quy mô lớn, tập trung để tối ưu hóa hiệu quả tài chính.
Đó là chưa kể nội lực hạn chế cũng là yếu tố khiến nhiều DN chưa sẵn sàng theo đuổi mô hình kinh doanh xanh. Việc đầu tư vào dây chuyền công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, hay hệ thống quản lý môi trường thường đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài, không phù hợp với các DN đặt mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn.
“Để tín dụng xanh thực sự phát huy vai trò thúc đẩy phát triển bền vững, cần thiết lập một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, bao gồm tư vấn kỹ thuật, đào tạo xây dựng năng lực, chia sẻ rủi ro tín dụng và cơ chế hỗ trợ tài chính cho cả bên cung vốn và bên cầu vốn. Trong đó, các chính sách hỗ trợ riêng cho khu vực DN tư nhân cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm và năng lực tiếp cận vốn của khối DN này, góp phần mở rộng khả năng hấp thụ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh trong thời gian tới”, TS. Bùi Thanh Minh nêu rõ.

Khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng xanh của khu vực DN tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế
Hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận
Trước những thách thức nêu trên, việc thúc đẩy tín dụng xanh và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, hệ thống tài chính và SN. Ông Trần Đức Anh, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu 3 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế và chính sách ưu đãi; tăng cường năng lực tài chính xanh và hợp tác quốc tế; và hỗ trợ DN tư nhân nâng cao khả năng hấp thụ vốn xanh.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên sớm ban hành danh mục chính thức các dự án xanh đủ điều kiện ưu tiên tín dụng, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất. Về cơ chế ưu đãi, Nhà nước cần thiết kế các chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng danh mục cho vay xanh.

Tài sản bảo đảm là rào cản lớn đối với DN tiếp cận tín dụng xanh
Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao năng lực chuyên môn của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, quản lý và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Việc thiết lập đơn vị chuyên trách về phát triển bền vững và tín dụng xanh trong nội bộ ngân hàng sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động này.
“Cần có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ DN tư nhân nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng tín dụng xanh. Việc công khai thông tin về các gói vay, quỹ hỗ trợ và tiêu chí thẩm định sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin giữa bên cung và bên cầu vốn. Về dài hạn, bản thân DN tư nhân cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ mang tính chất thúc đẩy ban đầu, trong khi cam kết và năng lực nội sinh của DN mới là yếu tố quyết định để chuyển đổi xanh thực sự trở thành động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững”, ông Trần Đức Anh lưu ý.
Đã đến lúc tín dụng xanh cần được nhìn nhận là một cơ hội quan trọng để các ngân hàng đổi mới mô hình hoạt động, DN tư nhân nâng tầm quản trị và nền kinh tế Việt Nam tạo bước bứt phá theo hướng tăng trưởng xanh. Với sự tham gia chủ động của cả Nhà nước, khu vực tài chính và cộng đồng DN, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển tín dụng xanh thành một đòn bẩy then chốt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện và hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn tới.