Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU (giai đoạn 2020-2025), huyện Chư Păh đã tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp để phát triển lợi thế vùng nguyên liệu nông nghiệp.

Các mô hình tiêu biểu đã được hình thành và nhân rộng như: trồng dưa lưới trong nhà màng tại các xã Ia Nhin, Ia Ka và thị trấn Phú Hòa; sản xuất các loại nấm sò trắng, nấm bào ngư và nấm linh chi tại các xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin và thị trấn Phú Hòa; trồng sầu riêng, cà phê áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và công nghệ sinh học; nuôi cá thát lát cườm, diêu hồng, rô phi có sử dụng công nghệ sục khí; ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc của Wasi cho cây cà phê, cây ăn quả. Trong quá trình triển khai, huyện cũng đã tổ chức 27 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

 Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hoàng Ngọc Khang (thôn 6, xã Ia Nhin) cho năng suất 3-3,5 tấn/sào. Ảnh: G.H

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hoàng Ngọc Khang (thôn 6, xã Ia Nhin) cho năng suất 3-3,5 tấn/sào. Ảnh: G.H

Năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ nhà màng, giá thể xây dựng mô hình trồng dưa vân lưới” tại làng Ia Sik và thôn 2 (xã Ia Nhin) với 0,75 ha, tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một phần vật tư thiết yếu; người dân đối ứng làm nhà màng, hệ thống tưới, xơ dừa, công lao động và thụ hưởng 100% sản phẩm.

Mô hình mang lại hiệu quả khả quan khi giúp nông dân kiểm soát được sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Từ đó đã tạo động lực để nhiều hộ trên địa bàn mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích được mở rộng lên khoảng 11 ha. Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Anh Hoàng Ngọc Khang (thôn 6, xã Ia Nhin) cho biết: Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới đạt hiệu quả, cho thu nhập cao hơn so với cây cà phê trên cùng một đơn vị diện tích, anh đã phá bỏ 2,5 sào cà phê để trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ. Chi phí đầu tư nhà màng khoảng 200 triệu đồng/sào. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả thu được rất khả quan.

“Dưa lưới có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 65-70 ngày/vụ, trọng lượng dưa đạt 1,3-1,6 kg/quả. Năng suất đạt 3-3,5 tấn/sào (canh tác 4 vụ/năm). Hiện tại, dưa loại 1 được thương lái thu mua với giá 24 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng dưa có thể lãi khoảng 30-50 triệu đồng/sào/vụ”-anh Khang chia sẻ.

Đặc biệt, huyện Chư Păh tích cực tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra sản phẩm. Ông Hoàng Việt Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Việt Tiến (xã Ia Nhin) cho biết: “Hợp tác xã đang liên kết với khoảng 500 hộ dân canh tác 530 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Nhờ đó, năng suất vườn cây đạt 4-5 tấn nhân/ha và thu mua cho người trồng cao hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg. Với giá cà phê dao động từ 100 ngàn đến 130 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm”.

Ông Trần Nga (thôn 1, xã Ia Nhin) là thành viên HTX Nông nghiệp Việt Tiến. Từ năm 2017, ông Nga tham gia HTX. Nhờ được tập huấn sản xuất cà phê 4C, vườn cây của gia đình phát triển tốt, môi trường cũng được bảo vệ. “2 ha cà phê của gia đình cho năng suất ổn định, trung bình thu được trên 8 tấn nhân/năm”-ông Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiên tiến đã được áp dụng trên địa bàn. Hệ thống tưới phun mưa tại gốc của Wasi đã giảm 25% lượng nước, giảm nhân công, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.124 ha cây trồng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước (cà phê, sầu riêng, chè, chanh dây, khoai lang) được ứng dụng công nghệ tiên tiến (chiếm 10% tổng diện tích gieo trồng, tăng 7% so với năm 2020).

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiện đại

Theo báo cáo tổng kết Đề án số 02-ĐA/HU, huyện Chư Păh hiện có 60 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở 9 xã, thị trấn. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giới hạn ở trồng trọt mà còn mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, điển hình như: mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Ia Ly tại xã Ia Kreng; chăn nuôi heo đen bản địa bằng thảo dược tại xã Ia Mơ Nông…

 Người dân (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: G.H

Người dân (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: G.H

Ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Sau 5 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy, toàn huyện đã xây dựng được 8 mô hình trồng trọt, 1 mô hình lâm nghiệp và 2 mô hình thủy sản. Đề án bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến mạnh trong tư duy sản xuất của người dân. Tuy nhiên, để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ bài bản thì rất cần cơ chế hỗ trợ vốn, tích tụ đất đai, đào tạo nguồn nhân lực trẻ.

Hiện nay, huyện Chư Păh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình điểm tại vùng chuyên canh như: cà phê, sầu riêng, mắc ca… Đồng thời, huyện cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu, nhà sơ chế, kho bảo quản, nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, giúp tăng hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống nông dân. Chư Păh quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi tư duy, thúc đẩy sản xuất hiện đại, bền vững”-ông Tấn khẳng định.

 Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: G.H

Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu mà còn gia tăng giá trị nông sản cho bà con nông dân, đặc biệt là các thành viên HTX.

Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: “Việc có mã số vùng trồng là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, gia tăng giá trị thương mại thông qua quảng bá chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, huyện đã được cấp 17 mã số vùng trồng gồm: 8 mã cho sầu riêng (205,7 ha), 7 mã cho chanh dây (169 ha), 2 mã cho chuối (52,5 ha) và 3 mã cơ sở đóng gói chanh dây, chuối.

Những bước tiến này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất mà còn mở rộng cơ hội cho nông sản địa phương trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, toàn huyện có 1.735 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn GAP, trong đó có 635 ha có chứng nhận GAP”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-thông tin: Quá trình triển khai Đề án số 02 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; đồng thời nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân, doanh nghiệp. Một số mô hình đã bước đầu hình thành liên kết chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sản phẩm nông sản địa phương.

“Dù còn nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư, tích tụ đất đai và tiêu thụ sản phẩm nhưng những kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi của huyện là đúng đắn. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ… nhằm nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”-ông Phụng nhấn mạnh.

Có thể khẳng định: Sau 5 năm triển khai, Đề án số 02-ĐA/HU đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước hình thành nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường-hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

GIA HƯNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-pah-dau-tu-xay-dung-nen-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-post320963.html
Zalo