Lý do người Mỹ xuống đường phản đối DOGE và Elon Musk
Việc Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do Elon Musk lãnh đạo mở rộng quyền lực trong chính phủ Mỹ đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.
Theo Washington Post, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối việc một tỷ phú không qua bầu cử lại có quyền truy cập vào dữ liệu liên bang, kiểm soát các hệ thống thanh toán y tế và lao động, đồng thời góp phần thu hẹp bộ máy chính phủ theo cách chưa từng có tiền lệ.
Từ Washington D.C. đến New York, từ Los Angeles đến Chicago, phong trào biểu tình đang lan rộng với quy mô lớn, cho thấy mức độ lo ngại của người dân về ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của tỷ phú Elon Musk đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đối với nhiều người, DOGE không chỉ là một chương trình cải cách, mà còn là biểu tượng của việc tư nhân hóa chính phủ theo một cách nguy hiểm.
![Những người biểu tình bên ngoài Bộ Lao động Mỹ, chỉ trích Bộ Hiệu quả chính phủ của Elon Musk - Ảnh: Washington Post](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_287_51412711/f97668f350bdb9e3e0ac.jpg)
Những người biểu tình bên ngoài Bộ Lao động Mỹ, chỉ trích Bộ Hiệu quả chính phủ của Elon Musk - Ảnh: Washington Post
Vai trò của DOGE
Chính quyền Trump đã giao cho DOGE nhiệm vụ tinh giản chính phủ liên bang, với trọng tâm là cắt giảm chi tiêu và loại bỏ lãng phí. Musk và Vivek Ramaswamy, đối tác của ông trong DOGE, đã công khai cam kết cắt giảm ít nhất 1 nghìn tỉ USD chi tiêu liên bang, đặc biệt nhắm vào các chương trình như Medicare và Medicaid.
Elon Musk đã tuyên bố trên mạng xã hội X rằng "Medicare là nơi xảy ra gian lận tiền lớn", nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng DOGE có thể đang tìm cách hạn chế chi tiêu cho các chương trình y tế quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào bảo hiểm y tế công.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu là cần thiết để hạn chế gian lận và lạm dụng trong hệ thống. Tuy nhiên, nhiều người lại cảnh báo rằng cách tiếp cận của DOGE có thể gây ra tình trạng cắt giảm quá mức, làm suy giảm khả năng cung cấp dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội.
Dù mục tiêu chính thức của DOGE là giảm lãng phí và cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, nhưng nhiều người lo ngại rằng đây chỉ là vỏ bọc cho một kế hoạch kiểm soát và tái cấu trúc toàn diện bộ máy liên bang theo ý muốn của một nhóm tư nhân.
Biểu tình bùng nổ
Biểu tình bùng phát trên khắp nước Mỹ ngay sau khi DOGE, cơ quan do Elon Musk lãnh đạo, được cấp quyền truy cập vào các cơ quan liên bang quan trọng. DOGE đã tiếp cận hệ thống thanh toán Medicare và Medicaid của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), kiểm soát hàng trăm tỉ USD ngân sách chăm sóc sức khỏe. Nhóm này cũng nhắm đến dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm khuyết tật và thị trường lao động của Bộ Lao động. Đặc biệt, tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), DOGE đã thu thập danh sách nhân viên liên bang đang trong giai đoạn thử việc.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thậm chí còn cấp quyền truy cập "chỉ đọc" cho một cộng sự của DOGE vào hệ thống thanh toán liên bang, nơi kiểm soát hàng nghìn tỉ USD hàng năm. Các động thái này khiến nhiều quan chức chính phủ lo ngại rằng DOGE đang dần nắm quyền kiểm soát nhiều cơ quan trọng yếu mà không cần sự phê duyệt từ quốc hội.
![Những người biểu tình trên Đồi Capitol lên tiếng phản đối quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của chính quyền Trump hôm 5.2 - Ảnh: Washington Post)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_287_51412711/852c10a928e7c1b998f6.jpg)
Những người biểu tình trên Đồi Capitol lên tiếng phản đối quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của chính quyền Trump hôm 5.2 - Ảnh: Washington Post)
Nhiều người cho rằng ông Musk và DOGE đang lợi dụng danh nghĩa "tinh giản chính phủ" để mở đường cho việc tư nhân hóa dữ liệu quan trọng, tạo ra nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của hàng triệu người Mỹ. Sự phẫn nộ càng gia tăng khi chính quyền Trump công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách liên bang và loại bỏ hàng nghìn nhân viên công vụ, đe dọa trực tiếp đến các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm lao động.
Phong trào 50501 bùng nổ vào ngày 5.2, với 50 cuộc biểu tình diễn ra đồng thời trên toàn nước Mỹ. Hàng chục nghìn người đã xuống đường, giương cao khẩu hiệu "Hands Off Our Data" (Đừng động vào dữ liệu của chúng tôi) và "Elon Musk Không Phải Chính Phủ".
Tại Washington D.C., hàng trăm người tụ tập trước Bộ Lao động và Nhà Trắng, nơi dân biểu Gerry Connolly lên tiếng chỉ trích rằng một tỷ phú không qua bầu cử không có quyền định đoạt chính phủ. Ở New York, người biểu tình tuần hành qua Wall Street, phản đối ảnh hưởng quá mức của Musk trong chính quyền, cảnh báo nguy cơ tư nhân hóa dữ liệu y tế và lao động. Tại Los Angeles và San Francisco, các cuộc biểu tình tập trung vào vai trò của Musk trong ngành công nghệ và chính phủ, kêu gọi tẩy chay Tesla, SpaceX và X (Twitter) do lo ngại Musk có thể lợi dụng dữ liệu liên bang để mở rộng đế chế kinh doanh.
Công đoàn Mỹ và đảng Dân chủ vào cuộc
Các cuộc biểu tình không chỉ lan rộng trong công chúng mà còn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các công đoàn lao động. AFL-CIO, liên đoàn công đoàn lớn nhất Mỹ, đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn bên ngoài Bộ Lao động, thu hút hàng trăm người giương cao biểu ngữ "Hands Off Workers’ Data" (Đừng động đến dữ liệu của người lao động) và hô vang "Elon Musk phải ra đi". Chủ tịch AFL-CIO Liz Shuler nhấn mạnh rằng chính phủ phải phục vụ lợi ích của người dân chứ không phải một cá nhân siêu giàu.
Cùng quan điểm này, David Casserly, một nhân viên Bộ Lao động, lên án cách tiếp cận của DOGE: “Những người không có kinh nghiệm về lao động và không hiểu công việc của chúng tôi lại đến và cắt giảm ngẫu nhiên. Điều này thật vô trách nhiệm”.
Tại quốc hội, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã nỗ lực triệu tập Musk để chất vấn về vai trò của DOGE trong chính phủ, nhưng vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa. Dân biểu Gerry Connolly (Virginia) đặt câu hỏi: "Làm sao một tỷ phú không qua bầu cử lại có thể ra quyết định giải thể các cơ quan liên bang, sa thải nhân viên và thực hiện những thay đổi sâu rộng mà không cần sự giám sát của Quốc hội?".
Trong khi đó, nhà lập pháp Dân chủ Melanie Stansbury lên án sự thâu tóm chính phủ trắng trợn này và chỉ trích Ủy ban quốc hội vì không có động thái phản đối. Thượng nghị sĩ Tim Kaine tuyên bố rằng đảng Dân chủ sẽ tìm cách ngăn chặn những thay đổi của ông Trump bằng các biện pháp pháp lý và hành động tại quốc hội.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện đã bác bỏ yêu cầu này, khẳng định rằng DOGE đang thực hiện đúng cam kết cải tổ chính phủ của Trump. Căng thẳng giữa hai đảng gia tăng, trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng, phản ánh sự lo ngại của người dân về mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Musk trong bộ máy liên bang.
DOGE và Elon Musk đáp trả
Trước làn sóng biểu tình và những chỉ trích ngày càng gia tăng, Nhà Trắng và ông Elon Musk đã nhanh chóng lên tiếng. Thư ký báo chí Karoline Leavitt khẳng định rằng DOGE chỉ đang thực hiện đúng cam kết cải cách của chính quyền Trump.
"Elon Musk và Tổng thống Trump đã cam kết làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo không lãng phí tiền thuế của người dân", bà Leavitt nói hôm 5.2.
Cùng ngày, tỷ phú Musk cũng phản bác trên X (Twitter), cáo buộc truyền thông và các chính trị gia đã "thổi phồng" vấn đề: "Medicare có đầy gian lận và lãng phí. DOGE đang giúp chính phủ tiết kiệm hàng tỷ đô la – đó là điều người dân cần".
Mặc dù chính quyền Trump vẫn mạnh mẽ bảo vệ DOGE, phong trào biểu tình đang tạo ra áp lực đáng kể lên quốc hội và hệ thống pháp lý. Nếu Đảng Dân chủ thành công trong việc mở một cuộc điều tra chính thức, quyền tiếp cận dữ liệu liên bang của DOGE có thể bị hạn chế, đặt ra rào cản đối với kế hoạch mở rộng của cơ quan này.