Ít nhất 20.000 công chức Mỹ tự nguyện thôi việc

Việc sa thải mạnh tay có thể được triển khai trong Chính phủ Mỹ nếu số công chức tình nguyện thôi việc không đạt đủ mục tiêu đề ra...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Đã có ít nhất 20.000 công chức liên bang Mỹ chấp nhận chương trình thôi việc tự nguyện mà Tổng thống Donald Trump đề xuất đối với tất cả công chức liên bang của nước này, trước khi đề xuất chính thức hết hạn vào ngày thứ Năm (6/2).

Con số trên - được một quan chức Nhà Trắng tiết lộ vào ngày thứ Ba với tờ báo USA Today - chiếm khoảng 1% trong số hơn 2 triệu công chức liên bang Mỹ. Tỷ lệ này thấp hơn so với mục tiêu mà Nhà Trắng đề ra là 5-10% công chức chấp nhận thôi việc tự nguyện.

Tuy nhiên, vị quan chức trên nói rằng số công chức chọn thôi việc tự nguyện theo chương trình của Tổng thống “đang tăng nhanh” và Nhà Trắng kỳ vọng sẽ có sự gia tăng đột biến trong 24-48 giờ cuối cùng trước thời hạn kết thúc.

Trong một nỗ lực nhằm giảm giảm mạnh số lượng công chức liên bang, Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) hôm thứ Ba tuần trước đưa ra đề xuất theo ý tưởng của ông Trump dành cho tất cả các công chức. Theo đó, mỗi công chức sẽ nhận được một khoản tiền tương đương 8 tháng tiền lương và phúc lợi tính đến hết tháng 9/2025 nếu họ chấp nhận thôi việc trước ngày 6/2/2025.

Đề xuất này - đã được gửi đồng loạt qua email tới tất cả công chức liên bang Mỹ - dựa trên sự tư vấn của tỷ phú Elon Musk, người được ông Trump bổ nhiệm vào vị trí đồng chủ trì Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) và đang triển khai một chương trình tái cơ cấu nằm tinh gọn bộ máy chính quyền liên bang.

Đối với những công chức muốn tiếp tục giữ công việc, bức email nói trên yêu cầu họ phải quay trở lại làm việc trực tiếp tại văn phòng toàn thời gian, tuân thủ “các tiêu chuẩn hiệu suất công việc” mới và phải “đáng tin cậy và trung thành” trong công việc. Nội dung email cũng cảnh báo phần lớn các bộ và cơ quan trong Chính phủ liên bang sẽ bị “giảm quy mô thông qua tái cơ cấu, sắp xếp lại và cắt giảm nhân sự”.

Việc sa thải mạnh tay có thể được triển khai trong Chính phủ Mỹ nếu số công chức tình nguyện thôi việc không đạt đủ mục tiêu đề ra - theo ủy viên Erv Koehler của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA).

Bức email đưa ra đề xuất thôi việc tự nguyện gửi tới các công chức liên bang Mỹ có tựa đề “Fork in the Road” (tạm dịch: “Ngã ba đường”). Đây cũng chính là dòng chủ đề email mà ông Musk đã sử dụng vào năm 2022 khi đưa ra “tối hậu thư” tương tự đối với nhân viên Twitter sau khi ông mua lại mạng xã hội này và đổi tên thành X.

“Nếu bạn chọn không tiếp tục vai trò hiện tại của bạn trong lực lượng công chức liên bang, chúng tôi xin cảm ơn bạn vì đã phụng sự đất nước và bạn sẽ được tạo điều kiện để thôi việc trong danh dự và công bằng”, email gửi các công chức Mỹ viết.

Hiện chưa thể đưa ra một con số ước tính về số tiền mà Chính phủ Mỹ sẽ phải chi cho chương trình thôi việc tự nguyện này, vì số tiền đó sẽ phụ thuộc vào con số cuối cùng các công chức tham gia chương trình.

Nhiều nghị sỹ Dân chủ kêu gọi công chức liên bang không tham gia chương trình, cho rằng ông Trump không đáng tin cậy. Thượng nghị sỹ Tim Kaine đặt câu hỏi về thẩm quyền của chính quyền ông Trump trong việc đưa ra đề xuất thôi việc tự nguyện như vậy. Phát biểu trước Thượng viện Mỹ, ông Kaine nói các công chức chấp nhận đề xuất đối mặt với rủi ro không được chi trả đầy đủ.

“Đừng để bị lừa… Tổng thống không có thẩm quyền làm việc này”, ông Kaine nói.

Theo quy định của liên bang Mỹ, tiền bồi thường thôi việc chỉ được trả cho những công chức đã làm việc liên tục ít nhất 12 tháng và không bị sa thải vì hành vi hoặc kết quả công việc không thể chấp nhận được.

Liên đoàn Công chức chính phủ Mỹ (AFGE), tổ chức đại diện khoảng 800.000 công chức liên bang, chỉ trích chương trình thôi việc tự nguyện, nói rằng lực lượng công chức liên bang Mỹ hiện nay chỉ bằng hồi năm 1970 dù số lượng người Mỹ dựa vào các dịch vụ công đã lớn hơn trước.

“Sa thải các công chức liên bang mẫn cán sẽ dẫn tới những hệ quả to lớn và khó lường, gây ra sự hỗn loạn cho những người dân Mỹ phụ thuộc vào một chính phủ liên bang vận hành trơn chu”, Chủ tịch toàn quốc Everett Kelly của AFGE nói trong một tuyên bố.

“Đề xuất này không nên được xem là tự nguyện. Giữa hàng loạt sắc lệnh và chính sách chống lại người lao động, rõ ràng là chính quyền Trump có mục tiêu biến Chính phủ liên bang thành một môi trường độc hại, nơi mà người lao động không thể ở lại dù có muốn”, ông Kelly nói.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/it-nhat-20-000-cong-chuc-my-tu-nguyen-thoi-viec.htm
Zalo