Nước cờ mạo hiểm
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hai tuần sau khi nhậm chức tiếp đón vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cho thấy vấn đề Trung Đông cũng như quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn được Washington quan tâm.
Trái với dự đoán về những kết quả “trung tính” mà cuộc gặp đem lại, những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau đó không chỉ khiến vấn đề Trung Đông trở thành đề tài trang nhất của truyền thông quốc tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chia lại ván cờ địa chính trị mới ở khu vực bất ổn bậc nhất thế giới này.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giai đoạn 2 của thỏa thuận ngừng bắn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza đang khởi động tại Doha, Qatar. Dù được đánh giá là rất mong manh song lệnh ngừng bắn đã giúp chấm dứt hơn 15 tháng xung đột khiến phần lớn Dải Gaza bị tàn phá nghiêm trọng và mở đường cho hàng chục con tin người Israel và Palestine trở về nhà.
Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Netanyahu và cuộc gặp với tân Tổng thống Trump cũng được coi là nước cờ sớm của Israel nhằm thiết lập lại quan hệ với Washington sau những căng thẳng với chính quyền tiền nhiệm xung quanh cuộc chiến ở Dải Gaza. Trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo thảm khốc tại Gaza, hồi tháng 10 năm ngoái Mỹ cảnh báo sẽ cắt viện trợ quân sự nếu Israel không cải thiện tình hình. Trong khi đó, Israel được cho là đã nhiều lần “phớt lờ” sức ép xuống thang của Mỹ và tăng cường các hoạt động tấn công đối thủ trong khu vực.
Những đánh giá trước thềm cuộc gặp cho rằng Washington đơn giản chỉ muốn một Trung Đông im tiếng súng để theo đuổi các chính sách rộng lớn hơn trong khu vực, trong khi mục tiêu của Thủ tướng Netanyahu là hiểu được quan điểm của tân chủ nhân Nhà Trắng về các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza - điều mà ông bị miễn cưỡng thúc đẩy.
Thế nhưng, kết quả cuộc gặp đã nằm ngoài dự đoán. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump bất ngờ công bố một ý tưởng táo bạo rằng Mỹ có thể sẽ tiếp quản Dải Gaza, tái định cư người Palestine ở các nước khác và biến vùng lãnh thổ "đổ nát vì chiến tranh này" thành "Riviera của Trung Đông". Ông cũng không loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ đến lấp đầy khoảng trống an ninh ở Dải Gaza và xây dựng một kế hoạch tái thiết quy mô lớn vùng đất này.
Kế hoạch Mỹ "sở hữu lâu dài" và di dời “vĩnh viễn” người Palestine khỏi Dải Gaza được Thủ tướng Netanyahu nhiệt tình ủng hộ. Ông tuyên bố đây là “ý tưởng hay đầu tiên” mà ông từng nghe, đồng thời cho rằng nếu kế hoạch này được thực hiện sẽ mang lại một tương lai khác cho tất cả mọi người. Kế hoạch này cũng là một tin vui đối với phe cực hữu ở Israel - những người từ lâu đã tán thành việc trục xuất người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây.
Ở chiều ngược lại, kế hoạch Gaza gây chấn động của Tổng thống Trump đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Saudi Arabia - với tư cách là trung tâm ngoại giao khu vực - là bên đầu tiên phản ứng. Nước này tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu không có một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực di dời người Palestine khỏi lãnh thổ của họ. Phong trào Hamas - tổ chức kiểm soát Gaza cũng lên án kế hoạch này là "lố bịch và vô lý", cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào theo hướng này đều có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Các nước châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về viễn cảnh một giải pháp không dựa trên luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của người Palestine.
Liên hợp quốc (LHQ) quan ngại việc di dời hàng triệu người Palestine khỏi Gaza có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cho rằng mọi hành động cưỡng bức di dời hay trục xuất người dân khỏi Gaza đều vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo cần tránh các hành vi “thanh lọc sắc tộc” trong các nỗ lực giải quyết tình hình Gaza.
Đối với các quốc gia Arab như Ai Cập, Jordan hay Liban, viễn cảnh phải tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Palestine không chỉ đặt ra gánh nặng kinh tế mà còn có thể gây ra những căng thẳng chính trị nội bộ. Jordan, nơi có một số lượng lớn người gốc Palestine, từ lâu đã lo ngại rằng bất kỳ giải pháp nào khiến người Palestine bị đẩy ra khỏi những vùng lãnh thổ hiện đang sinh sống sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong nước. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn lan rộng trong khu vực và tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan lợi dụng tình hình để tuyển mộ và gia tăng ảnh hưởng.
Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ công khai đề xuất việc di dời người Palestine khỏi Gaza. Ý tưởng chấn động này của ông Trump đã phá vỡ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên, từ lâu đã nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine, cũng như sự cảnh giác trước đây của ông đối với việc Mỹ can thiệp ở Trung Đông. Dù vẫn liên kết chặt chẽ với đồng minh Israel vì các lợi ích chiến lược trong khu vực, song các chính quyền Mỹ trước đây, kể cả chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu, vẫn đặt ra một số giới hạn nhất định. Trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông năm 2020 được thiết lập dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ vẫn đề xuất việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Israel, dù công nhận chủ quyền của Israel với các khu định cư ở Bờ Tây, thung lũng Jordan.
Một yếu tố khác cần xem xét là phản ứng từ chính nội bộ nước Mỹ. Dù chính sách của ông vẫn được lòng nhiều cử tri Cộng hòa, nhưng không phải tất cả các nghị sĩ của đảng này đều ủng hộ kế hoạch mới về Gaza. Trên mạng xã hội X, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul viết: “Tôi nghĩ chúng ta đã bỏ phiếu cho 'Nước Mỹ trước tiên'… Chúng ta không có lý do gì để cân nhắc một cuộc chiếm đóng khác sẽ hủy hoại tài sản và làm đổ máu binh lính của chúng ta”. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa khác cho rằng giải pháp hai nhà nước không thể đơn giản bị vứt bỏ và chính sách đối ngoại của Mỹ nên tập trung vào lợi ích lâu dài thay vì gây thêm căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó, đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ đề xuất này, đặc biệt là các thành viên cấp tiến vốn ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine.
Việc can thiệp quá sâu vào Dải Gaza và cưỡng ép di dời người Palestine còn tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu quan hệ của Mỹ với các đồng minh Arab, đặc biệt là Saudi Arabia. Trong những năm gần đây, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine thông qua đàm phán giữa Saudi Arabia và Israel, trong đó Riyadh có thể công nhận Israel nếu một số điều kiện liên quan đến Palestine được đáp ứng. Tuy nhiên, với đề xuất của Tổng thống Trump, Saudi Arabia có thể rút khỏi tiến trình này, đồng nghĩa với việc triển vọng một Trung Đông ổn định trở nên xa vời hơn.
Đó là chưa kể đề xuất này có thể làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Việc Mỹ đứng về phía Israel và áp đặt các giải pháp không được sự đồng thuận của người Palestine có thể dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ từ phía Palestine và các quốc gia ủng hộ họ. Căng thẳng có thể không chỉ dừng lại ở ngoại giao mà còn leo thang thành xung đột quân sự, khi các nhóm vũ trang Palestine có thể coi đây là một lý do để tiếp tục các cuộc tấn công. Hamas đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ Gaza, và một đề xuất như vậy có thể khiến tình hình tại khu vực này thêm bạo lực.
Chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời Trump 2.0 đang có những thay đổi đáng kể. Dù việc di dời người Palestine khỏi Gaza chỉ là “tạm thời” như một số quan chức Mỹ đã trấn an hay nhận định đây chỉ là chiến thuật đàm phán, điều này sẽ làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong chính sách đối với khu vực. Trung Đông vẫn luôn là một ván cờ phức tạp, nơi mỗi bước đi của các bên liên quan dù trực tiếp hay gián tiếp đều tiềm ẩn những rủi ro đối với hòa bình, an ninh và các nỗ lực ngoại giao vốn dễ bị tổn thương. Một chính sách chỉ tính tới những lợi ích ngắn hạn có thể kéo cả khu vực vào vòng xoáy xung đột mới với hậu quả khó lường.