Lưới lửa phòng không vẽ nên trận 'Điện Biên Phủ trên không' huyền thoại

Trong không khí náo nức của những ngày tháng Năm lịch sử - mùa của những lời tri ân và ký ức bất tử, tối qua 6.5.2025, chương trình giao lưu nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca Sư đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng đã diễn ra trang trọng, xúc động tại Sư đoàn Phòng không 361.

Chương trình giao lưu nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca Sư đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng đã diễn ra trang trọng, xúc động tại Sư đoàn Phòng không 361

Chương trình giao lưu nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca Sư đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng đã diễn ra trang trọng, xúc động tại Sư đoàn Phòng không 361

Sự kiện không chỉ là một chương trình văn nghệ, mà thực sự là một bản tráng ca - nơi quá khứ hiện về qua từng câu chuyện sống động của các nhân chứng lịch sử.

Họ là những người lính quả cảm, những cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… đã từng trực tiếp chiến đấu trong “trận chiến của ý chí và lòng dũng cảm” trên bầu trời Hà Nội, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Giai điệu thân quen được cất lên từ chính những cán bộ, chiến sĩ đang luyện rèn trong quân ngũ

Giai điệu thân quen được cất lên từ chính những cán bộ, chiến sĩ đang luyện rèn trong quân ngũ

Những người lính canh giữ bầu trời Thủ đô

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước - ngày 19 tháng 5 năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 67 thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định bước phát triển vượt bậc về tổ chức lực lượng và năng lực tác chiến của quân đội ta trong giai đoạn kháng chiến quyết liệt.

Sự ra đời của Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội - tiền thân của Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361) - không chỉ là đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường miền Bắc, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong việc bảo vệ “trái tim” của Tổ quốc.

Với nhiệm vụ trọng yếu là gìn giữ an toàn bầu trời Thủ đô, Sư đoàn 361 nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ trong thế trận phòng không quốc gia.

Những bó hoa tươi thắm đã được trao tận tay các cựu chiến binh - những người từng nếm trải khói lửa chiến trường, từng thức trắng nhiều đêm bên bệ phóng để bảo vệ vùng trời Tổ quốc

Những bó hoa tươi thắm đã được trao tận tay các cựu chiến binh - những người từng nếm trải khói lửa chiến trường, từng thức trắng nhiều đêm bên bệ phóng để bảo vệ vùng trời Tổ quốc

Trải qua hơn sáu thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc bằng hàng loạt chiến công vang dội.

Đặc biệt, trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, đơn vị đã lập nên kỳ tích bắn rơi 25 máy bay chiến lược B-52 của không quân Mỹ, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris.

Trở về từ chiến tranh, mái tóc đã bạc màu, nhưng ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trên sân khấu chương trình, ông đã hồi tưởng lại những ngày đầu thành lập Sư đoàn Phòng không Hà Nội, khi khí tài còn thô sơ, nhưng ý chí và khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò quyết định của “niềm tin vào Đảng, vào nhân dân, vào chính nghĩa” chính là sức mạnh giúp Sư đoàn lập nên những chiến công hiển hách.

Cùng chia sẻ trên sân khấu, Đại tá Nguyễn Đình Kiên - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 và Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn tên lửa 257), đã làm miêu tả lại những giây phút căng thẳng khi đối đầu với “pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ.

Mỗi cú phóng đạn, mỗi tín hiệu radar phát hiện máy bay B-52 là sự hồi hộp đến nghẹt thở - nhưng là sự hồi hộp của lòng quả cảm và ý chí quyết thắng.

Với những người từng tham gia Chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, không gì có thể thay thế cảm giác khi một máy bay B-52 bị bắn rơi giữa lòng Hà Nội.

Đó không chỉ là một chiến thắng quân sự, mà là lời khẳng định với cả thế giới rằng: Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé - có thể đánh thắng cường quốc hàng đầu bằng lòng yêu nước và sự dũng cảm vô song!

Những người đang gánh vác sứ mệnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong thời đại mới

Những người đang gánh vác sứ mệnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong thời đại mới

Tiếp lửa truyền thống, viết tiếp bản hùng ca giữa trời Thủ đô

Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình giao lưu Vang mãi bản hùng ca Sư đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng chính là sự kết nối đầy cảm xúc giữa các thế hệ - những người lính từng “giữ trời năm xưa” và lớp chiến sĩ hôm nay.

Sự giao thoa ấy không chỉ được thể hiện qua những cái bắt tay, ánh mắt trìu mến, mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong những lời chia sẻ chân tình, đầy trách nhiệm từ các cán bộ sĩ quan trẻ - những người đang gánh vác sứ mệnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong thời đại mới.

Phát biểu tại chương trình, Đại tá Thái Huy Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 361 khẳng định: “Truyền thống là điểm tựa tinh thần, là nền móng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi kiên định xây dựng đơn vị theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - không chỉ làm chủ vũ khí công nghệ cao mà còn làm chủ tư duy, bản lĩnh chính trị và trách nhiệm công dân trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.

Cùng tinh thần ấy, Thượng tá Phạm Huy Cường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 236 chia sẻ: “Truyền thống không phải là điều chỉ để nhắc nhớ trong các lễ kỷ niệm. Truyền thống phải được tiếp nối bằng hành động, bằng kỷ luật thép, bằng sự miệt mài huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi đang sống, làm việc và cống hiến để truyền thống ấy ngày càng được tỏa sáng giữa bầu trời hòa bình”.

Đại diện cho thế hệ sĩ quan trẻ, Thượng úy Đỗ Quốc Đoàn, Chính trị viên Trạm Ra da 26, Trung đoàn ra đa 293 xúc động bày tỏ: “Chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình khi khoác trên vai màu áo lính. Dù đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều gian khó, nhưng mỗi tín hiệu thu được, mỗi báo cáo kịp thời chính là một hành động góp phần giữ vững thế trận phòng không quốc gia. Đó là cách chúng tôi thể hiện lòng biết ơn và tinh thần tiếp nối cha anh”…

Trở về từ chiến tranh, mái tóc đã bạc màu, nhưng ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí các cựu chiến binh - những chứng nhân lịch sử

Trở về từ chiến tranh, mái tóc đã bạc màu, nhưng ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí các cựu chiến binh - những chứng nhân lịch sử

Tri ân lịch sử bằng hành động hôm nay

Trong không khí trang nghiêm, những bó hoa tươi thắm đã được trao tận tay các cựu chiến binh - những người từng nếm trải khói lửa chiến trường, từng thức trắng nhiều đêm bên bệ phóng để bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Đó không chỉ là nghi thức vinh danh, mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn sâu sắc - thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, như một sợi dây thiêng liêng kết nối giữa quá khứ oai hùng và hiện tại vững vàng.

Không khí chương trình càng trở nên lắng đọng khi những giai điệu thân quen được cất lên từ chính những cán bộ, chiến sĩ đang luyện rèn trong quân ngũ.

Tổ khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân, đơn ca Từ Làng Sen, Thời hoa đỏ hay Tình ca mùa xuân… đã chạm đến trái tim người nghe và truyền đi thông điệp về hình ảnh người lính - mạnh mẽ trong chiến đấu, dịu dàng trong cảm xúc, kiên trung trong mọi hoàn cảnh.

Đặc biệt, phần trình chiếu phim tư liệu về hành trình 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn đã góp phần tái hiện sống động những dấu mốc quan trọng, giúp người xem hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ chiến sĩ ngày đêm gìn giữ sự bình yên giữa tầng không.

60 năm - một chặng đường không quá dài trong lịch sử dân tộc, nhưng đủ để khẳng định vai trò nòng cốt, đặc biệt của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng, Sư đoàn đã và đang từng bước hiện đại hóa, chủ động tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ tác chiến, làm chủ khí tài hiện đại, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô và các khu vực trọng điểm quốc gia.

Như lời của một vị khách mời đã nói: “Chiến công hôm qua là niềm tự hào, nhưng trách nhiệm hôm nay mới là thử thách thật sự”.

Những người lính trẻ của Sư đoàn 361 đang viết tiếp bản hùng ca ấy bằng trí tuệ, bằng tinh thần kỷ luật, bằng lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân.

Đó chính là cách họ gìn giữ hòa bình và xứng đáng với tên gọi: Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ canh trời của Thủ đô anh hùng!

ĐỖ HUYỀN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/luoi-lua-phong-khong-ve-nen-tran-dien-bien-phu-tren-khong-huyen-thoai-131280.html
Zalo