Lực hút công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
Tỉnh Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, là tỉnh cửa ngõ giao thoa giữa hai khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật, cùng các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư được triển khai trong gần hai mươi năm qua, Long An đã trở thành 'điểm sáng' về phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

KCN Hòa Bình ở huyện Thủ Thừa có diện tích 125ha, lĩnh vực thu hút đầu tư là may mặc, da giầy, chế biến... đến nay tỷ lệ lấp đầy đã đạt gần 90%. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Vào những năm 1996 - 1997, Long An vẫn là tỉnh nông nghiệp, công nghiệp phát triển ở mức thấp, đầu tư phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nằm cặp các tuyến giao thông chính và xen lẫn dân cư. Theo nhận định của UBND tỉnh Long An, thời điểm đó, nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh chưa sâu sắc, chưa thể hiện rõ trong tư duy kinh tế của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân.
Từ thực trạng trên, để tạo bước đột phá, tỉnh Long An xác định mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô và trình độ ngày càng cao hơn. Đồng thời, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và xúc tiến việc thành lập các khu, cụm công nghiệp.
"Năm 1997, Khu công nghiệp Đức Hòa 1 – khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình thu hút đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng hệ thống hạ tầng công nghiệp", ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An chia sẻ.
Khu công nghiệp Đức Hòa 1 và Đức Hòa 2 với quy mô 470 ha, lần lượt ra đời, mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.
Đây là mô hình thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong quản lý quy hoạch, sắp xếp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và có điều kiện tốt hơn trong hoạt động xuất - nhập khẩu trước xu thế hội nhập kinh tế và giao thương quốc tế đang từng bước phát triển. Bắt đầu từ đây, từ một tỉnh nông nghiệp, Long An dần vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp hàng đầu khu vực và cả nước.
Với lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị hàng đầu cả nước - có trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 chạy qua để về vùng Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng; từ năm 2000, làn sóng đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp từng bước dịch chuyển về Long An, đồng thời cùng với việc Chính phủ quyết định đưa tỉnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư mới.
Làn sóng này đã đưa 35 doanh nghiệp về đầu tư 34 dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại 17 khu công nghiệp của tỉnh. Đến cuối năm 2007, các khu công nghiệp Long An đã thu hút 211 dự án; trong đó có 89 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư gần 862 triệu USD và hơn 4.282 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha. Hiện nay, có 37 khu công nghiệp được thành lập với diện tích quy hoạch khoảng 10.015 ha; trong đó, có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch hơn 5.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69,0%. Khu công nghiệp Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc, thành quả đầu tiên của phát triển khu công nghiệp của Long An, với tổng diện tích 274 ha là một trong những khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy nhanh nhất tỉnh, giai đoạn 1 đạt 100% (70 ha), giai đoạn 2 hiện có khoảng 187 ha đã đi vào hoạt động và đang cho thuê đất.
Thủ phủ công nghiệp

May hàng bảo hộ lao động ngành Y tế xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH may Thành Trực ở thành phố Tân An. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Những năm gần đây, Long An là địa phương phát triển kinh tế mạnh nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt 10 năm trở lại đây, Long An vươn lên dẫn đầu về phát triển công nghiệp của vùng. Quy mô kinh tế Long An năm 2024 tiếp tục đứng đầu vùng với hơn 188.500 tỷ đồng; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn (52,08%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo Sở Tài chính tỉnh Long An, thành quả này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố chiến lược; trong đó có cả lợi thế địa lý, chính sách phát triển đúng đắn và môi trường đầu tư thuận lợi.
Đến nay, các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút được 2.030 dự án; trong đó, có 1.057 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD và 973 dự án trong nước tổng vốn đầu tư đăng ký 147.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Riêng năm 2024, các khu công nghiệp của Long An thu hút 96 dự án; trong đó có 75 dự án FDI (vốn đầu tư hơn 540 triệu USD) và 21 dự án trong nước (vốn đầu tư hơn 1.227 tỷ đồng).
Nhiều dự án lớn có tầm cỡ quốc tế, số vốn đầu tư lớn hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng, kinh tế bền vững cho tỉnh như nhà máy Coca-Cola tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh huyện Bến Lức (3.109 tỷ đồng), nhà máy Suntory Pepsico Việt Nam tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh huyện Đức Hòa (7.486 tỷ đồng), Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III – Slico (12.000 tỷ đồng), nhà máy thức ăn chăn nuôi Gold Coin Feedmill Long An tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh huyện Bến Lức (gần 45 triệu USD, công suất 300.000 tấn/năm), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư Long An và Công ty cổ phần Logistics Long An (hai công ty thuộc Tập đoàn Transimex), nhà máy Dược phẩm Cửu Long...
Cuối năm 2024, Tập đoàn CS Wind của Hàn Quốc cũng công bố sẽ đầu tư dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện gió 200 triệu USD trong Cụm dự án Cảng quốc tế Long An, là nhà máy có công suất lớn trên thế giới, dự kiến lên đến hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng 500-4.000 tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, ngành công nghiệp của tỉnh chiếm gần 51% giá trị gia tăng; trong đó, ngành chế biến, chế tạo có tỷ trọng gần 95% toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm trong thời kỳ 2011-2020. Chủ lực là sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ cao su và plastic, kim loại, sản phẩm kim loại đúc sẵn và thiết bị điện.
Ngành công nghiệp Long An tiến bước vững chắc nhờ sự song hành phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt về giao thông vận tải và logistics, như các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, vành đai đã, đang và sắp hình thành, nâng cấp (cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành, vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh, vành đai Tân An, quốc lộ 62, N1, N2, ĐT.829, ĐT.831, ĐT.837…) và Cảng quốc tế Long An (nằm trên luồng Soài Rạp) có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng hơn đến 70.000 tấn.
Khởi công xây dựng vào năm 2015, Cảng quốc tế Long An với quy hoạch 1.935 ha tại huyện Cần Giuộc, gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu dịch vụ công nghiệp và khu đô thị, là một cảng biển đa chức năng, tiến tới một hệ sinh thái công nghiệp. Cụm dự án đóng vai trò mắt xích trong chuỗi giao thương hàng hóa đa phương thức giữa các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh Long An.
Bà Ngô Thị Thanh Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An, cho biết, từ điều kiện về vị trí địa lý, cùng sự đầu tư bài bản, Cảng quốc tế Long An đã và đang phát triển chuỗi dịch vụ cảng biển, kho bãi, vận tải đa phương thức đến các dịch vụ hỗ trợ thành hệ sinh thái dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng với chi phí, chất lượng và hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò một trung tâm trung chuyển hàng hóa chiến lược của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình chính trị, thương mại thế giới, khu vực, tỉnh Long An không ngừng phấn đấu, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho phát triển công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, cùng chiến lược phát triển logistics hợp lý, Long An kỳ vọng sẽ bứt phá trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, kết nối các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh, kết nối hai vùng kinh tế chiến lược Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
"Thành công công nghiệp của Long An không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là một chuỗi nỗ lực đồng bộ, bài bản và có tầm nhìn dài hạn. Với nền tảng này, Long An đang ngày càng khẳng định vị thế là "thủ phủ công nghiệp" của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An Trương Văn Liếp nhấn mạnh.