Lục địa nào của Trái đất di chuyển nhanh nhất? Và nó di chuyển về đâu?

Tất cả các mảng kiến tạo trên Trái đất đều không ngừng chuyển động, tuy nhiên, một số mảng di chuyển nhanh hơn những mảng khác.

Châu Úc hiện là lục địa di chuyển nhanh nhất thế giới, nằm trên đỉnh của mảng kiến tạo Ấn-Úc, một mảng đang trôi với tốc độ khoảng 7 cm mỗi năm. Tốc độ này nằm trong khoảng giữa tốc độ mọc của tóc và móng tay người.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trung bình các mảng kiến tạo trên Trái đất di chuyển khoảng 1,5 cm mỗi năm. So với mức đó, Úc đang bỏ xa các lục địa khác khi tiếp tục trôi về phía bắc.

Về mặt kỹ thuật, mảng Ấn-Úc không chỉ bao gồm lục địa Úc và đảo Tasmania, mà còn bao phủ một phần Papua New Guinea, New Zealand và một vùng rộng lớn của Ấn Độ Dương.

 Bản đồ các mảng kiến tạo chính của Trái Đất. (Ảnh: GI/Shutterstock)

Bản đồ các mảng kiến tạo chính của Trái Đất. (Ảnh: GI/Shutterstock)

Theo dự đoán trong hàng chục triệu năm tới, mảng Ấn-Úc có khả năng sẽ va chạm với phần đáy của mảng Á-Âu tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, hình thành một siêu lục địa mới mà một số nhà khoa học gọi là "Austrasia".

Điều này không phải là chưa từng xảy ra trong lịch sử Trái đất. Cách đây khoảng 200 triệu năm, Úc vẫn còn là một phần của Gondwana - siêu lục địa khổng lồ từng chiếm phần lớn Nam bán cầu. Gondwana bao gồm các mảng Nam Cực, Nam Mỹ, Ấn-Úc và châu Phi, tất cả đều gắn liền với nhau. Trong khi đó, Laurasia - tiền thân của châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ ngày nay - nằm ở Bắc Bán cầu.

Điều đáng nhớ là bề mặt Trái đất luôn trong trạng thái chuyển động - dù rất chậm. Chúng ta không cảm nhận được sự thay đổi này trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thực tế là hành tinh của chúng ta không hề “tĩnh lặng” như vẻ bề ngoài.

Các mảng kiến tạo liên tục dịch chuyển: có mảng va chạm, có mảng tách rời. Thay vì hình dung Trái đất như một khối đá rắn chắc, ta có thể tưởng tượng nó giống như mặt đường nứt nẻ di chuyển chậm trên một băng chuyền khổng lồ. Một số vết nứt mở rộng, một số bị nén lại – và toàn bộ bề mặt đang dịch chuyển, chỉ là quá chậm để ta nhận ra bằng mắt thường.

Mặc dù tốc độ di chuyển này chậm theo tiêu chuẩn của con người, nó vẫn đủ nhanh để ảnh hưởng đến công nghệ hiện đại. Các hệ thống định vị vệ tinh như GPS đều dựa vào các tọa độ cố định để xác định vị trí. Tuy nhiên, khi các mảng kiến tạo di chuyển, vị trí thực tế của các điểm trên Trái đất bắt đầu lệch so với vị trí được ghi nhận trong bản đồ.

Trường hợp của Úc là một ví dụ điển hình: cho đến năm 2017, nước này vẫn sử dụng hệ tọa độ từ năm 1994. Trong suốt 23 năm, lục địa Úc đã trôi lệch khỏi vị trí cũ tới 1,6 mét, khiến hệ thống phải được cập nhật. Trên thực tế, Úc đã chính thức “di chuyển” khoảng 1,8 mét về phía đông bắc.

Hà Trang (theo IFL Science)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luc-dia-nao-cua-trai-dat-di-chuyen-nhanh-nhat-va-no-di-chuyen-ve-dau-post341603.html
Zalo