Động lực bất ngờ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra những biến động lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được triển khai trong cuộc tập trận chung với Israel tại căn cứ không quân Hatzor (Israel). Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Nhà phân tích Ronan Wordsworth của Geopolitical Futures (geopoliticalfutures.com) mới đây nhận định rằng, chính sách đối ngoại khó đoán của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tạo ra những làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu, mang đến cơ hội cho một số quốc gia và doanh nghiệp, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho những "ông lớn" truyền thống.
Trong nhiều năm, châu Âu nổi tiếng với sự chậm chạp trong việc xây dựng một chiến lược thống nhất cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Miễn là Hoa Kỳ đảm bảo an ninh cho châu Âu thông qua NATO, lục địa này dường như không có lý do chính đáng để tự xây dựng một kế hoạch phòng thủ riêng. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump, với cách tiếp cận giao dịch trong các vấn đề quốc tế và mong muốn chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, đã thuyết phục châu Âu rằng họ không thể mãi dựa vào sự bảo trợ an ninh từ Hoa Kỳ.
Các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cũng đang tự hỏi mình câu hỏi tương tự, đặc biệt khi đối mặt với những biện pháp trừng phạt dưới hình thức thuế quan mà chính quyền Trump có thể áp đặt. Trong bối cảnh đó, nhiều thay đổi chính sách đang diễn ra, và có lẽ không có sự thay đổi nào quan trọng hơn những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Kể từ năm 1949, thông qua NATO, Hoa Kỳ đã đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho châu Âu, một vị thế mang lại lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ. Ngoài việc bán vũ khí thông thường trên toàn cầu, các tập đoàn như Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman đã trở thành những nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu bởi các hệ thống vũ khí do họ chế tạo đã trở thành tiêu chuẩn của NATO.
Áp lực mà Washington gây ra cho các đồng minh châu Âu để mua hàng của Hoa Kỳ thường cản trở hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước. Ví dụ, sự phổ biến của máy bay chiến đấu F-35 và F-16 đã làm giảm nhu cầu đối với các lựa chọn thay thế của châu Âu như Eurofighter hoặc Rafale. Nhờ nguồn tài trợ dồi dào cho nghiên cứu và phát triển từ Lầu Năm Góc, các công ty Hoa Kỳ đã đạt được lợi thế về công nghệ và quan trọng hơn là đảm bảo các đơn đặt hàng liên tục được đáp ứng.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã hưởng lợi không nhỏ từ nhu cầu này. Các cam kết của NATO và mong muốn duy trì vị thế cường quốc toàn cầu hàng đầu đã đảm bảo ngân sách quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các hệ thống vũ khí đắt tiền và có giá trị cao. Ngay cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã cáo buộc các thành viên NATO không đáp ứng yêu cầu chi tiêu quốc phòng (2% GDP), ám chỉ rằng Hoa Kỳ đang bị lợi dụng. Kết hợp với cuộc chiến ở Ukraine, lời cáo buộc này đã dẫn đến sự gia tăng ổn định trong các giao dịch mua quốc phòng của châu Âu, phần lớn trong số đó đến từ Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Hoa Kỳ đã củng cố vị trí dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí trong bốn năm qua. Từ năm 2015 đến 2019, Hoa Kỳ chiếm 35% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu; từ năm 2020 đến 2024, con số này đã tăng lên 43%. Và lần đầu tiên kể từ những năm 1990, châu Âu đã trở thành điểm đến khu vực số một cho hàng xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ, vượt qua cả Trung Đông.
Với vị thế thống trị như vậy, việc Tổng thống Trump cáo buộc các đồng minh lợi dụng Hoa Kỳ đã gây ra không ít ngạc nhiên. Lời cáo buộc này đã tạo ra sự rạn nứt giữa Hoa Kỳ và các đồng minh truyền thống, đồng thời làm lung lay sự sẵn lòng của các nước như Canada và Mexico trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của Tổng thống Trump về kiểm soát biên giới và chống buôn lậu. Các mối đe dọa áp đặt thuế quan thất thường cũng gây bất ổn thị trường và làm suy yếu niềm tin vào vai trò đối tác đáng tin cậy của Washington. Thậm chí, thuế quan đối với các đồng minh thân cận như Anh và Australia đã buộc hầu hết mọi đồng minh của Hoa Kỳ phải xem xét lại lập trường của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Câu hỏi này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết ở châu Âu, nơi ngành công nghiệp quốc phòng đang chứng kiến những cơ hội mới. Lục địa này sở hữu một số công ty có năng lực sản xuất các sản phẩm thay thế chất lượng cao cho các sản phẩm của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên kia Đại Tây Dương đã cản trở khả năng sản xuất quy mô lớn của họ. Nhưng chính sách đối đầu của Hoa Kỳ, nhu cầu cấp thiết về sự tự chủ của châu Âu và cuộc chiến chưa có hồi kết ở Ukraine đang thổi một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực quốc phòng của khu vực.
Để thực hiện sự thay đổi này, EU đã cung cấp các quỹ thông qua sáng kiến Sẵn sàng 2030, mang lại cho các quốc gia thành viên sự linh hoạt hơn trong chi tiêu quốc phòng. Điều này bao gồm việc cho phép các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 1,5% so với các ràng buộc ngân sách thông thường, giải phóng khoảng 650 tỷ euro, cùng với 150 tỷ euro theo khuôn khổ Hành động An ninh cho châu Âu để hỗ trợ các quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực quốc phòng quan trọng như phòng thủ tên lửa, thiết bị bay không người lái và an ninh mạng.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte gần đây đã kêu gọi các nước châu Âu nâng mức chi tiêu quân sự lên trên 3% GDP. EU cũng có khả năng sửa đổi quỹ phát triển khu vực trị giá 392 tỷ euro để thúc đẩy lĩnh vực quốc phòng sau đợt đánh giá giữa kỳ của chương trình 2021-2027, với hơn 90% quỹ có thể được phân bổ cho lĩnh vực này mà không có giới hạn về địa lý hoặc quy mô doanh nghiệp.
Sự thay đổi này đặc biệt đáng chú ý ở Đức. Sau nhiều thập kỷ hạn chế chi tiêu quốc phòng, một cuộc bỏ phiếu gần đây đã cho phép Đức vượt quá mức 1% GDP cho quốc phòng, mở đường cho khoản đầu tư lên tới 400 tỷ euro trong thập kỷ tới, bên cạnh 100 tỷ euro đã được cam kết thông qua một quỹ đặc biệt.
Trong bối cảnh đó, các công ty quốc phòng châu Âu đang đứng trước cơ hội lớn để hưởng lợi từ những thay đổi chính sách này, đặc biệt khi phần lớn số tiền mới này sẽ phải được chi tiêu trong nội khối. Cổ phiếu của các công ty này đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tại Pháp, các công ty tiêu biểu bao gồm Thales, MBDA và Dassault Aviation. Tại Đức, Rheinmetall đang nổi lên như một "người chiến thắng". Tại Anh, BAE Systems và bộ phận quốc phòng của Rolls-Royce cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Tương tự, Leonardo của Italy và Saab của Thụy Điển đang chứng kiến sự tăng trưởng tiềm năng.
Trong thập kỷ qua, có những người chơi mới nổi lên trong thị trường xuất khẩu quốc phòng toàn cầu, đáng chú ý nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Hàn Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu quốc phòng, từ mức 2-3 tỷ USD hàng năm trước năm 2020 lên tới 14 tỷ USD vào năm 2023, đưa nước này vào top 10 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới vào tháng 3/2024. Nhật Bản cũng đang dần gỡ bỏ các hạn chế tự áp đặt đối với xuất khẩu quốc phòng và chi gần 60 tỷ USD vào năm 2024 để phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình, đồng thời hợp tác với Anh và Italy trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không tránh khỏi những căng thẳng với chính quyền Trump, bao gồm cả những lời chỉ trích và đe dọa thuế quan. Điều này đã thúc đẩy cả hai nước tìm kiếm mối quan hệ thương mại thân thiện hơn với Trung Quốc. Điều đáng nói là cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu quốc phòng từ Hoa Kỳ. Vì lý do này, họ, giống như các đồng minh khác, có thể sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế cho một đối tác mà họ có thể coi là không đáng tin cậy.
Australia, một đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ, cũng đang bày tỏ sự thận trọng hơn đối với Washington, đặc biệt sau khi không nhận được miễn trừ thuế nhôm và thép như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, bất chấp sự phản đối từ các bộ trưởng ngoại giao và thương mại của nước này. Dự án AUKUS cũng đang đối mặt với những lo ngại về khả năng chậm trễ do năng lực sản xuất tàu ngầm của Hoa Kỳ có thể không đáp ứng được nhu cầu.
Đã có những phản ứng tức thì đối với chính sách của chính quyền Trump. Canada, một trong những quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất, đã ký một thỏa thuận phát triển hệ thống radar mới trị giá 4,2 tỷ USD với Australia, một hợp đồng xuất khẩu quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Bồ Đào Nha và Canada cũng đang xem xét lại việc mua máy bay chiến đấu F-35 của Hoa Kỳ, có khả năng mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu hoặc Hàn Quốc. Thậm chí, Tổng thống Trump còn gợi ý về khả năng cố ý hạ cấp các máy bay bán cho đồng minh, làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy của Hoa Kỳ như một nhà cung cấp vũ khí lâu dài.
Chắc chắn, các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì một số mối quan hệ với các đối tác trong tương lai. Tuy nhiên, về lâu dài, uy tín của các mối quan hệ đối tác quốc phòng Hoa Kỳ đã bị tổn hại đáng kể, và người mua sẽ trở nên cảnh giác hơn nhiều khi giao dịch với Washington, đặc biệt nếu điều đó đòi hỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Hoa Kỳ.