Luật Giáo dục Đại học cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục Đại học

Sáng 17-12, tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) giai đoạn 2019-2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023.

Năng lực quản trị đại học, tính cạnh tranh, tự chủ được nâng cao

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023 đã triển khai được 5 năm. Trong thời gian đó, có thể nhìn thấy những kết quả quan trọng trong hệ thống GDĐH. Tuy số lượng các trường ĐH có sự thay đổi không đáng kể, nhưng về quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt, đặc biệt, năng lực quản trị ĐH, tính cạnh tranh, tự chủ trong mọi hoạt động được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh. Có những bất cập sinh ra khi áp dụng Luật vào thực tiễn, có thể do nội dung còn mới, có thể do nhận thức hoặc có thể do năng lực trong quá trình thực hiện..., gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ toàn diện.Bên cạnh đó, vẫn có những nội dung quy định trong luật chưa rõ, chưa phù hợp trong bối cảnh phát triển mới.

Trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật GDĐH đã bộc lộ bất cập nhất định so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đại học Việt Nam. Vì vậy, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các cơ sở GDĐH đóng vai trò rất quan trọng. Đây là thời điểm các chuyên gia cùng nghiên cứu các nhiệm vụ, quy định mới trong các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT để đề xuất các nội dung cần thể chế hóa trong Luật GDĐH. Đồng thời nghiên cứu thực tiễn phát triển GD-ĐT trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng của sự phát triển khoa học công nghệ tới đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong Luật GDĐH.

Đại diện Vụ GDĐH cho biết, qua 5 năm thực hiện (2019-2023), Luật GDĐH cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển GDĐH, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về GDĐH, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Có thể khẳng định rằng, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ trong thời gian qua.

Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo đánh giá sơ kết thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023.

TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Đào tạo - Đảm bảo chất lượng Đại học Đà Nẵng tham gia ý kiến tại tọa đàm.

TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Đào tạo - Đảm bảo chất lượng Đại học Đà Nẵng tham gia ý kiến tại tọa đàm.

Cần có giải pháp để gỡ vướng bất cập

Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở GDĐH tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở GDĐH, Quy định về tổ chức cơ sở GDĐH, Quy định về hoạt động đào tạo, Quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, Quy định về tài chính, tài sản của Cơ sở GDĐH…

Tham gia đóng góp ý kiến, TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng Ban Đào tạo - Đảm bảo chất lượng Đại học Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, trong quy định của Luật GDĐH chỉ cho phép liên kết đào tạo trình độ đại học. Nhưng trong thực tế, trước đây, Bộ GDĐT cho phép các trường đào tạo trình độ thạc sĩ cung cấp nguồn nhân lực cho một số vùng đặc biệt như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các vùng kinh tế trọng điểm. Các quy định đó của Bộ GD-ĐT trong một thời gian dài đã giúp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các địa phương. Nhưng với quy định hiện nay, các cơ sở GDĐH chỉ được đào tạo trình độ đại học, với đào tạo sau đại học thì không được đào tạo liên kết. Vì vậy, người học muốn học nâng cao trình độ sau đại học tại địa phương sẽ không có chỗ học vì số ngành đào tạo của các đại học địa phương không đa dạng ngành nghề để người học có thể lựa chọn. Điều này buộc người học nếu muốn nâng cao trình độ phải gián đoạn công việc để theo học tập – nghiên cứu ở các trường đại học tại các thành phố lớn.

TS. Trần Đình Khôi Quốc nêu thêm, về đảm bảo chất lượng và kiểm định, hiện nay, trong Luật GDĐH quy định tất cả các chương trình đào tạo phải được kiểm định và sau 2 năm có sinh viên tốt nghiệp hoặc hết hạn 2 năm mà không kiểm định thì không được tuyển sinh. Thực tế công tác kiểm định thời gian qua mất nhiều thời gian, công sức và cả tài chính của các trường đại học. Năng lực kiểm định của các trung tâm kiểm định trên cả nước cũng không thể nào đảm bảo được tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Muốn tổ chức kiểm định thì phải đấu thầu. Nhưng với tổ chức kiểm định quốc tế thì hiện nay các trường đại học mong muốn được lựa chọn tổ chức kiểm định quốc tế phù hợp với chương trình đào tạo của đơn vị mình. Trong năm vừa qua, ĐHĐN rất lúng túng khi lựa chọn kiểm định của các tổ chức quốc tế vì không thể tổ chức đấu thầu. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế. Các đại biểu cũng nêu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật GDĐH và các văn bản liên quan.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, những ý kiến này đều được Bộ ghi nhận, bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ vào năm 2024 này để có đề xuất Luật sửa đổi hoặc thay thế luật đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Khoa học công nghệ để có một hành lang pháp lý ngắn gọn, rõ ràng, triển khai thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn.

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/luat-giao-duc-dai-hoc-co-ban-dap-ung-duoc-yeu-cau-thuc-tien-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-post306128.html
Zalo