Nữ GV và trải nghiệm gửi 100 CV thực tập bị từ chối tới đạt 2 học bổng Erasmus
Việc được nhận thực tập tại một quốc gia ở châu Âu có ý nghĩa rất lớn với Ngọc, giúp cô tiếp cận môi trường làm việc quốc tế với các tiêu chuẩn làm việc cao,...
Với mong muốn thực hiện ước mơ trở thành giảng viên cũng như tìm kiếm cơ hội học hỏi tại những quốc gia phát triển về giáo dục trên thế giới, Phạm Thị Bảo Ngọc (sinh năm 1996, Bạc Liêu), đã luôn nỗ lực, cố gắng và xuất sắc nhận được học bổng toàn phần du học bậc thạc sỹ tại Ý.
Hiện, Ngọc đã thực hiện được ước mơ ý nghĩa ấy của mình. Cô đang là giảng viên ngành Marketing tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT). Tuy nhiên, hành trình du học bậc thạc sỹ vẫn luôn là dấu mốc quan trọng với nhiều kỷ niệm, bài học ý nghĩa của cô giảng viên trẻ.
Từng bị 100 công ty từ chối nhận thực tập
Kể lại hành trình du học thạc sỹ của mình với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Ngọc cho hay, cô đã theo học chương trình đào tạo hệ thạc sĩ tại Trường Đại học Roma Sapienza (Sapienza University of Rome) của thủ đô Rome - nước Ý.
Được biết, đây là trường đại học được xếp hạng thứ 96 thế giới và tốp 1 Ý về lĩnh vực Nghệ thuật và nhân văn, Nha khoa, Tâm lý học (theo bảng xếp hạng Scimago Institutions Rankings 2024). [1]
Với thành tích khá cao từ bậc đại cử nhân là 6/8 học kỳ nhận học bổng sinh viên có thành tích cao, điểm GPA tốt nghiệp đạt 3.24/4.0 (loại Giỏi), khi tham gia chương trình đào tạo hệ thạc sỹ tại Ý, cô được miễn toàn bộ học phí và sinh hoạt phí với học bổng cho sinh viên quốc tế của vùng Lazio, Ý (do Trường Đại học Roma Sapienza thuộc vùng này).
Tuy nhiên, để hành trình du học bậc thạc sỹ tại Ý của mình trở nên ý nghĩa và có giá trị, Ngọc đã luôn cố gắng đạt nhiều thành tích cao trong quá trình học tập, từ đó giành được nhiều học bổng trao đổi, thực tập nhằm có thêm cơ hội học hỏi, làm việc ở nhiều quốc gia khác.
Từ những điểm học phần cao và hồ sơ CV xin thực tập có giá trị, Ngọc đã được chọn để đi học trao đổi tại Anh với học bổng Erasmus+ study và đi thực tập tại Pháp với học bổng Erasmus+ internship.
Ngọc kể lại, đối với học bổng Erasmus+ study, dựa vào trung bình môn của học kỳ 1, cô đạt 94,58/100 điểm nên đã may mắn là 1 trong 4 bạn được chọn.
Trong khi đó, học bổng Erasmus+ internship lại không đơn giản như vậy. Bên cạnh việc phải có thành tích học tập cao, đối với học bổng Erasmus+ internship, ứng viên cần phải được ít nhất một công ty đồng ý nhận thực tập mới được nộp hồ sơ cho đơn vị cấp học bổng. Học bổng Erasmus+ internship sẽ dựa trên bảng điểm của 2 năm học và sự đồng ý của công ty thực tập sau khi trải qua các vòng sàng lọc hồ sơ, bài kiểm tra và phỏng vấn kín.
Trên thực tế, Ngọc đã từng gửi hơn 100 CV và cover letter nhưng không một công ty nào nhận cô vào thực tập.
Gần đến ngày nộp hồ sơ cho học bổng Erasmus+ internship, cô quyết định “đánh liều” viết mail cho nhà tuyển dụng để bày tỏ việc cô rất muốn biết CV, cover letter, hay trong quá trình phỏng vấn của mình có điều gì cần cải thiện. Sau đó, một số công ty có phản hồi lại với những góp ý khá chung chung, chỉ duy nhất một công ty sửa chi tiết CV và cover letter từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy cho Ngọc.
Chính nhờ sự góp ý chi tiết ấy, cô đã chỉnh sửa lại hồ sơ và chuẩn bị phần phỏng vấn cho phù hợp hơn. Sau bao cố gắng, cuối cùng cô đã gặt hái được trái ngọt khi may mắn nhận được lời mời làm việc cho các công ty tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Lúc này, thay vì cảm thấy áp lực khi không có công ty nào nhận, cô lại áp lực bởi nhiều công ty nhận cùng một lúc, không biết nên đồng ý làm ở công ty nào (các công ty chỉ cho 5 ngày đến 1 tuần để trả lời).
Sau những suy nghĩ, đắn đo, Ngọc quyết định vào thực tập cho liên hoan phim Cannes tại Pháp. Sở dĩ cô có lựa chọn như vậy vì Pháp có kiến trúc rất đẹp. Hơn nữa, con người ở quốc gia này cũng rất thân thiện, chi phí không quá đắt đỏ như những nước ở Bắc Âu, khí hậu không quá khắc nghiệt, cuộc sống lại vui nhộn và có những phúc lợi tốt.
Tại liên hoan phim Cannes, Ngọc phụ trách viết nội dung cho phim nên sẽ tập trung làm công việc là viết bản tóm tắt cốt truyện và những gì đặc sắc nhất của phim sao cho phù hợp và thu hút người xem.
Đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân, Ngọc đã đưa ra lời khuyên cho các ứng viên muốn đạt được học bổng Erasmus+ internship.
Theo đó, khi làm CV xin thực tập, trước hết ứng viên cần hiểu bản thân muốn gì thay vì cố gắng ứng tuyển vị trí thực tập mà không phù hợp với bản thân. Bởi, điều này sẽ khiến ứng viên mất thời gian cho việc ứng tuyển dàn trải, cũng như sẽ không có đủ thời gian đầu tư cho những cơ hội thực tập khác.
“Điều quan trọng nhất trước khi nộp CV xin thực tập là mỗi ứng viên cần lắng nghe những dự định của bản thân mình, lên danh sách các kỹ năng, kinh nghiệm đã có và xem xét những điều đó có phù hợp với vị trí mà mình muốn ứng tuyển hay không. Không những vậy, trong CV xin thực tập, ứng viên cần trình bày rõ ràng, tỉ mỉ những kinh nghiệm, trải nghiệm đã tích lũy được. Đặc biệt, cần nêu bật những thành quả bản thân đã đem lại”, Ngọc nói.
Ngọc thông tin, việc được nhận thực tập tại một quốc gia ở châu Âu có ý nghĩa rất lớn bởi nó giúp cho người học được tiếp cận môi trường làm việc quốc tế với các tiêu chuẩn làm việc cao, chuyên nghiệp và sáng tạo. Chính vì vậy, nhờ những học bổng này đã giúp cô học hỏi và áp dụng các kỹ năng được học vào thực tế.
Bên cạnh đó, cơ hội được làm việc với đồng nghiệp đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau còn giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp và ứng dụng đa văn hóa cho người học. Đây cũng chính là một bước đệm cho sự phát triển sau này của Ngọc.
Thực hiện ước mơ trở thành nhà giáo từ khi còn nhỏ
Ngoài ra, trong quá trình du học, Ngọc còn được chọn là một trong số 200 nhà lãnh đạo trẻ trên toàn thế giới tham gia chương trình Lãnh đạo chuyên nghiệp toàn cầu. Cô thông tin, đây là chương trình kéo dài một tuần tại thành phố Oxford (Vương quốc Anh) nhằm mục đích nâng cao kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp cũng như khám phá chiều sâu của các chiến lược này.
Mặc dù thời lượng của chương trình chỉ kéo dài một tuần, thế nhưng để được lựa chọn, Ngọc đã phải thức trắng nhiều đêm để làm bài luận thuyết phục hội đồng tuyển chọn.
Vậy nên, cô luôn cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được chọn làm đại biểu đến từ Việt Nam giữa rất nhiều ứng viên khác trên thế giới.
Sau hành trình du học, Phạm Thị Bảo Ngọc đã quay trở về Việt Nam để thực hiện ước mơ làm giảng viên của mình. Hiện cô đang là giảng viên ngành Marketing của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT). Với thuận lợi khi tất cả các môn học của khoa Quản trị Kinh doanh nói chung và ngành Marketing nói riêng tại trường đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, Ngọc đã có cơ hội để trau dồi ngoại ngữ hàng ngày.
Mong muốn trở thành nhà giáo đã được hun đúc từ khi cô còn là học sinh lớp 2. Ngọc kể lại, ba của cô vốn cũng là một nhà giáo. Hôm ấy trong lúc đợi ba đưa về, khi đứng ngoài cửa lớp nghe lén ba đang giảng bài cho những anh chị học sinh trung học, Ngọc đã nhận ra rằng đây công việc này thực sự có ý nghĩa khi được truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ mai sau nên mình đã ấp ủ mong muốn được trở thành người lái đò suốt 20 năm qua.
“Tôi hy vọng bản thân có thể truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm đã học và làm việc tại nước ngoài cho sinh viên. Từ đó, tạo động lực cho các em cố gắng nỗ lực để đạt được ước mơ của mình”, Ngọc nói.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://www.scimagoir.com/institution.php?idp=4198