Lựa chọn nghề nghiệp thông minh trong thời đại AI

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, nhiều ngành nghề đang dần bị thay thế bởi công nghệ tự động hóa và thuật toán. Tuy nhiên, không phải mọi công việc đều chịu chung số phận. Những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc và kỹ năng đặc thù vẫn có vị trí vững chắc trong thị trường lao động. Điều này đòi hỏi người lao động phải định hướng và chuẩn bị cho sự thay đổi tất yếu này ngay từ bây giờ.

AI không thay thế con người mà có thể trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, nếu người lao động trang bị được kỹ năng sử dụng hiệu quả. (Ảnh: Getty)

AI không thay thế con người mà có thể trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, nếu người lao động trang bị được kỹ năng sử dụng hiệu quả. (Ảnh: Getty)

Những ngành nghề khó bị AI thay thế

Trong làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ của thị trường lao động bởi trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều nghề nghiệp mất đi, một số nghề khác ra đời, tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng bị công nghệ lấn át. Một số lĩnh vực vẫn giữ vững vị trí nhờ vào những yếu tố mà AI khó lòng thay thế: sự sáng tạo độc bản, khả năng thấu cảm và kỹ năng đặc thù đòi hỏi tương tác con người.

Một trong những ngành nghề được đánh giá là vẫn có nhiều “đất sống” dù AI thay đổi thị trường lao động toàn cầu, đó là những ngành thiên về nghệ thuật, ngành nghề về giáo dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất con người.

Đối với lĩnh vực nghệ thuật - sáng tạo, có thể khẳng định, AI có thể hỗ trợ tạo ra hình ảnh, âm thanh hay thậm chí các bài viết, nhưng sự sáng tạo mang tính cá nhân và độc đáo của con người vẫn là yếu tố không thể sao chép. Nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà văn sẽ tiếp tục là những người tạo ra giá trị văn hóa và nghệ thuật không thể thay thế.

Trong giáo dục, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn định hình nhân cách, cảm xúc và kỹ năng xã hội cho học sinh. Tương tự, ngành tư vấn tâm lý đòi hỏi sự thấu cảm, kỹ năng lắng nghe và khả năng phản hồi phù hợp với từng cá nhân - những điều mà AI không thể thực hiện hoàn hảo như con người.

Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế, mặc dù AI đã hỗ trợ y học bằng cách phân tích dữ liệu và đưa ra chẩn đoán, vai trò của chuyên gia y tế, nhân viên y tế vẫn không thể thay thế trong việc chăm sóc, giao tiếp và động viên bệnh nhân. Tương tự, các công việc dịch vụ như chăm sóc trẻ em, người già và hỗ trợ đặc biệt đều đòi hỏi sự tận tâm và khả năng tương tác trực tiếp, điều mà AI không thể thay thế hoàn toàn.

Trong lĩnh vực kỹ thuật, theo dự báo của các chuyên gia về nghề nghiệp trong tương lai, những công việc có khả năng dễ bị thay thế nhất gồm: Nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký... Cạnh đó, những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai gồm: Chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính…

Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Theo các chuyên gia, trong 5 năm tới, việc áp dụng công nghệ sẽ tiếp tục là động lực chính cho quá trình chuyển đổi kinh doanh. Các công ty cũng sẽ chú trọng hơn đến tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị. Các yếu tố quan trọng nhất tiếp theo là kinh tế vĩ mô, tình trạng thiếu nguồn cung và kỳ vọng của người tiêu dùng về các vấn đề xã hội và môi trường. Việc đầu tư để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh sẽ có tác động lớn. Các công nghệ phổ biến nhất trong 5 năm tới là công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, cũng như thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số.

Sự phát triển của AI tạo ra một loạt công việc mới, từ quản lý dữ liệu, kiểm soát thuật toán đến giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến AI. Các chuyên gia có kỹ năng kết hợp giữa công nghệ và quản lý, cùng với sự hiểu biết sâu sắc về cách AI hoạt động, sẽ trở thành nhân tố quan trọng để định hướng và điều hành các hệ thống AI một cách hiệu quả.

Chuyển hướng ngay từ bây giờ

Thích nghi với thời đại AI không phải là câu chuyện của tương lai xa. Để giữ vững vị trí trong thị trường lao động, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, mỗi cá nhân cần chủ động chuyển hướng và đầu tư vào các kỹ năng cần thiết ngay từ bây giờ.

Việc đầu tư chuyến hướng ấy sẽ bao gồm các yếu tố chính như việc không ngừng cập nhật tri thức, học hỏi trong suốt quá trình làm việc, đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý, sáng tạo.

Mặc dù AI đã hỗ trợ y học hiệu quả, nhưng vai trò của chuyên gia y tế, nhân viên y tế vẫn không thể thay thế trong việc chăm sóc, giao tiếp và động viên bệnh nhân. (Ảnh: activestate.com)

Mặc dù AI đã hỗ trợ y học hiệu quả, nhưng vai trò của chuyên gia y tế, nhân viên y tế vẫn không thể thay thế trong việc chăm sóc, giao tiếp và động viên bệnh nhân. (Ảnh: activestate.com)

Cạnh đó, mỗi người lao động trong thời đại hiện nay không thể không tìm hiểu về công nghệ AI. Ngay cả khi không làm trong lĩnh vực công nghệ, hiểu biết cơ bản về cách AI hoạt động sẽ giúp mỗi người lao động tìm được cách hợp tác hiệu quả với công nghệ này.

Một vấn đề quan trọng mà mỗi người lao động hiện nay cần xác định, ngay ở ngưỡng cửa bước vào thị trường lao động, đó là đưa ra lựa chọn nghề nghiệp chiến lược. Đồng thời, đối với các ngành nghề có nguy cơ bị thay thế cao, người lao động cần có phương án để chuyển hướng ngay từ lúc này. Cần tập trung vào những ngành nghề cần trong tương lai, đặc biệt là những lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ và yếu tố con người. AI khó có thể thay thế được một số kỹ năng của con người, nhất là liên quan đến tương tác và cảm xúc. Khả năng sáng tạo và đổi mới cũng là hạn chế của AI. Quan trọng hơn, AI không có khả năng hiểu và xử lý đầy đủ các yếu tố phi logic liên quan đến nhận thức con người, bối cảnh văn hóa, xã hội hay đạo đức. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thực hiện trên phạm vi toàn cầu cũng chỉ ra rằng, tác động lớn nhất của AI có thể là những thay đổi tiềm ẩn với chất lượng công việc, đặc biệt là cường độ làm việc và tính tự chủ, chứ không phải đảm nhận hoàn toàn, “xóa sổ” vai trò của người lao động, bởi hầu hết các công việc và các ngành nghề chỉ tiếp xúc một phần với tự động hóa.

Việc thay đổi, thích ứng cũng bao gồm trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để hướng đến những nghề nghiệp lý tưởng trong tương lai. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2027, sẽ có 10 kỹ năng quan trọng bắt buộc phải có trong tuyển dụng, bao gồm tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, AI và dữ liệu lớn sẽ là các kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất vào năm 2027. Ngoài ra, các kỹ năng lãnh đạo, ảnh hưởng xã hội, sự tò mò và học tập suốt đời cũng dự kiến sẽ sự tăng trưởng về yêu cầu đối với người lao động.

Sự xuất hiện của AI và chuyển đổi số yêu cầu người lao động phải tự đổi mới, nhận thức bản thân và thay đổi để thích ứng với quá trình này; có ý thức và kỹ năng thu thập dữ liệu, học để dùng được nền tảng số, công cụ phân tích xử lý dữ liệu, cách giữ gìn an toàn, an ninh mạng, xử lý khủng hoảng truyền thông trên môi trường số; gìn giữ, quảng bá và tiếp thị căn cước tính của bản thân trong không gian số.

Việc thay đổi này xuất phát từ yêu cầu khách quan mang lại từ công cuộc chuyển đổi số và tác động của AI trong thị trường lao động buộc chúng ta phải chuẩn bị hành trang cần thiết để sống chung với nó và thích ứng với biến đổi to lớn này thay vì chối bỏ hoặc phản ứng, cự tuyệt.

Có thể thấy, AI không phải là mối đe dọa mà là cơ hội để con người tái định hình thị trường lao động, tập trung vào những giá trị mà công nghệ không thể thay thế. Chọn hướng đi đúng đắn và chuẩn bị từ hôm nay là cách để mỗi cá nhân không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thời đại AI. Những quyết định thông minh ngày hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho thành công ngày mai.

Để hỗ trợ người lao động chủ động thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để trình Chính phủ. Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đề án sẽ tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho người lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân và nông dân, lao động ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2025 và 2030, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%...

Đông Phương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lua-chon-nghe-nghiep-thong-minh-trong-thoi-dai-ai-post536818.html
Zalo