Lựa chọn ngách thông minh trong thế giới hậu toàn cầu hóa

Việt Nam đang đặt tham vọng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) trong khu vực. Tuy nhiên, sự hiện diện quá mạnh mẽ của một số Trung tâm tài chính trong khu vực như Singapore, Hong Kong… đặt ra bài toán khó: làm thế nào để Việt Nam có thể 'chen chân' và không trở thành bản sao thất bại?

Việt Nam nên chọn mô hình trung tâm tài chính chuyên biệt, chi phí cạnh tranh, gắn với bản sắc kinh tế riêng, hay lựa chọn mô hình “toàn năng” như các trung tâm truyền thống?

Trung tâm tài chính ngách, công nghệ, xanh

Singapore và Hong Kong đã định hình vai trò là cửa ngõ tài chính toàn cầu suốt nhiều thập kỷ nhờ vào một hệ sinh thái ngân hàng, quỹ đầu tư, bảo hiểm, fintech… toàn diện và hệ thống pháp luật thông luật (Common Law) thân thiện với nhà đầu tư, tòa án, trọng tài tài chính quôc tế minh bạch.

Thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025

Thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025

Việt Nam, với nền pháp luật thành văn (Civil Law), thể chế pháp lý còn đang cải cách và một hệ sinh thái tài chính phân tán thì rõ ràng không nên đi theo con đường giống hệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội

Ngày 20.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 981/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng Ban Thường trực); Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Thay vì cố gắng trở thành một Singapore thứ hai, điều gần như không thể trong một thời gian ngắn, Việt Nam nên hướng đến mô hình “trung tâm tài chính thông minh và ngách”, phục vụ những lĩnh vực mà các trung tâm truyền thống chưa khai thác hết, hoặc không còn đủ linh hoạt để tiếp tục dẫn dắt.

Việt Nam có những lợi thế nổi bật. Thứ nhất, dân số trên 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tạo ra một thị trường tài chính nội địa rất tiềm năng, điều mà Singapore và Hong Kong không có.

Thứ hai, chi phí vận hành tại Việt Nam từ mặt bằng, nhân lực đến công nghệ cạnh tranh đáng kể so với các trung tâm tài chính phát triển.

Thứ ba, Việt Nam nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương, là cửa ngõ giao thương khu vực Mekong, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, một trong những vùng phát triển năng động nhất châu Á trong những thập kỷ tới.

Cuối cùng, Việt Nam là thành viên tích cực trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, mở ra cơ hội lớn để trở thành cầu nối tài chính giữa châu Á và châu Âu.

Từ những lợi thế trên, Việt Nam nên định vị trung tâm tài chính quốc tế của mình theo hướng chuyên biệt. Cụ thể, có thể tập trung vào các mảng như tài chính xanh (green finance), tài chính bền vững (ESG), tài sản số (digital assets), fintech, hoặc tài chính vi mô khu vực Đông Nam Á.

Đây là những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa có một trung tâm tài chính khu vực nào đủ linh hoạt để dẫn dắt.

Điều kiện tiên quyết: Cải cách thể chế

Một hướng đi khác là trở thành “vệ tinh hỗ trợ” cho Singapore và Hong Kong. Nhiều định chế tài chính quốc tế đang tìm kiếm các trung tâm có chi phí cạnh tranh hơn, pháp lý đủ tin cậy, để đặt văn phòng thứ hai hoặc thực hiện các giao dịch trong khu vực ASEAN.

Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đó, đặc biệt nếu phát triển một khu tài chính với pháp luật riêng, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế rõ ràng và hạ tầng số hóa toàn diện.

Không có trung tâm tài chính quốc tế nào thành công mà thiếu đi một nền tảng thể chế đột phá. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần có ba bước đi căn bản.

Thứ nhất, nghiên cứu thành lập một tòa án tài chính quốc tế độc lập, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và áp dụng luật Common Law, mô hình mà Dubai (DIFC), Singapore (SICC) và Kazakhstan (AIFC) đã triển khai rất hiệu quả. Việc có thẩm phán quốc tế giúp nâng cao uy tín pháp lý, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, xây dựng một khu tài chính đặc biệt với cơ chế pháp luật và thuế riêng, cho phép thử nghiệm các mô hình tài chính mới như blockchain, giao dịch tài sản số, tài chính vi mô và quản lý vốn tư nhân. Cần có quy định về sandbox pháp lý mở, thủ tục cấp phép nhanh gọn, cùng với hệ thống quản lý số hóa hoàn toàn.

Thứ ba, tạo điều kiện thu hút nhân tài và dòng vốn bằng cách mở rộng tự do hóa dòng tiền, chế độ thuế ưu đãi, và đảm bảo khả năng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài một cách hợp pháp và thuận tiện.

Việt Nam có khả năng xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế không chỉ phục vụ dòng vốn quốc tế, mà còn đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, tài chính xanh và công nghệ. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam cần chọn đúng mô hình, cải cách thể chế và không ngại khác biệt với phiên bản thông minh, đủ bản sắc và đủ niềm tin để dòng vốn toàn cầu dừng chân.

LÊ MINH DƯƠNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-te/lua-chon-ngach-thong-minh-trong-the-gioi-hau-toan-cau-hoa-136562.html
Zalo