'Định hướng không gian phát triển Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình': Cộng hưởng tiềm năng, kiến tạo động lực mới
Sau phiên khai mạc, Hội thảo 'Tham vấn về định hướng phát triển ngành-lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050' tiếp tục với ba phiên thảo luận chuyên sâu. Mục tiêu chính là phân tích tiềm năng, lợi thế, từ đó đề xuất định hướng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới.

Quang cảnh Hội thảo.
Ba phiên thảo luận tập trung vào: “Nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành lĩnh vực, địa phương thuộc Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình”, “Định hướng phát triển ngành-lĩnh vực, sản phẩm chủ lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Định hướng phát triển vùng động lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Các đồng chí lãnh đạo 3 tỉnh điều hành Hội thảo.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và nhà nghiên cứu đều khẳng định việc sáp nhập ba tỉnh là cơ hội lớn để cộng hưởng sức mạnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển mới mẻ và mạnh mẽ hơn. Để thực hiện thành công các định hướng này, cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân; cùng với quy hoạch đồng bộ, khoa học; cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư hiệu quả các nguồn lực.
Các chuyên gia đã đưa ra những định hướng cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng của khu vực sáp nhập. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và GS.TS Đào Xuân Học đều khẳng định tiềm năng to lớn của ngành du lịch và công nghiệp văn hóa, đặc biệt với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú. Để biến ngành này thành mũi nhọn kinh tế tầm quốc gia và quốc tế cần: Xây dựng đề án phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quy hoạch địa phương trung và dài hạn; lập bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp các điểm đến du lịch, di sản văn hóa, thiên nhiên và đô thị di sản; ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa trong liên kết ngành, vùng và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tham gia thảo luận tại Hội thảo.
GS.TS Đào Xuân Học đề xuất phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ làm động lực tăng trưởng chính. Đặc biệt, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh cơ hội lớn cho kinh tế số sau hợp nhất, khi tạo ra một không gian phát triển quy mô lớn, tích hợp và liên thông.

TS Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục biển đảo Việt Nam thảo luận về tiềm năng phát triển kinh tế biển.
TS Nguyễn Đức Toàn và KTS. Trần Ngọc Chính đều đồng quan điểm về tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt với đường bờ biển dài của Nam Định và Ninh Bình. Để khai thác hiệu quả, tới đây, tỉnh Ninh Bình mới cần đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ bền vững. Phát triển logistics hàng hải hiện đại và xanh. Đầu tư vào nuôi trồng thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo. Chú trọng phát triển hành lang kinh tế ven biển theo trục Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình.

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh ba tỉnh đang có “đà” phát triển nhanh và cần biến áp lực thành động lực. Để tạo sức mạnh tổng thể, cần có cách tiếp cận quy hoạch bài bản, dài hạn. Song song với việc khai thác các lợi thế sẵn có, việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ cao và khu kinh tế biển là cực kỳ quan trọng. Tất cả các chuyên gia đều thống nhất về tầm quan trọng của việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích hợp công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, hướng tới xây dựng khu vực tỉnh mới trở thành trung tâm đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết đề xuất các mô hình phát triển kinh tế đa ngành, đa trung tâm, bền vững. Các đề xuất bao gồm cơ chế đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy bứt phá; đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực; huy động tổng thể các nguồn lực (Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước) gắn với sử dụng hiệu quả. Đồng thời, các phân tích cũng làm rõ nhiệm vụ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản, một Ninh Bình xanh, hiện đại, đáng sống và vươn tầm.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khái quát lại những nội dung chính đã được thảo luận, trong đó nhấn mạnh ba điểm cốt lõi định hướng chiến lược không gian phát triển mới, tạo đột phá cho tỉnh Ninh Bình mới.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tổng kết Hội thảo.
Thứ nhất là nhận diện những tiềm năng vô hình, hữu hình, lợi thế động và lợi thế tĩnh của ba tỉnh khi hợp nhất. Đặc biệt, lợi thế động dựa trên tư duy và mức độ sẵn sàng của tỉnh mới, cùng với sự chuyển đổi tư duy của đội ngũ lãnh đạo, sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, khắc phục tình trạng chia cắt và giới hạn từ tư duy cũ hay không gian địa lý hẹp trước đây. Đồng chí nhấn mạnh: “Tiềm năng chỉ được khai thác và phát huy khi được chuyển hóa, động năng hóa, nguồn lực hóa và vốn hóa để phục vụ sự phát triển chung”.
Thứ hai, đơn vị hành chính mới đặt ra yêu cầu khác biệt trong việc tái cơ cấu các vùng động lực và giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và nông thôn khi hình thành hành lang phát triển mới. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hợp nhất các quy hoạch của ba tỉnh là công việc khẩn trương. Quy hoạch mới cần kế thừa và tiếp nối quy hoạch cũ nhưng phải theo tinh thần và tư duy mới, tạo ra không gian phát triển mới.
Thứ ba là định dạng và định vị rõ vai trò, vị thế của tỉnh Ninh Bình hợp nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng, mạng lưới đô thị (đặc biệt với siêu đô thị Hà Nội, Hải Phòng), cấu trúc lãnh thổ quốc gia và tầm quốc tế. Nhiều bài viết đã tiếp cận sâu sắc, không chỉ coi Ninh Bình là cửa ngõ phía Nam thủ đô mà còn là lối ra của khu vực Bắc Trung Bộ khi tiến ra Đồng bằng sông Hồng và lên biên giới phía Bắc.
Các ý kiến đã phân tích cách khai thác vị thế quan trọng này của Ninh Bình mới và chỉ ra hạn chế về hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là logistics liên vận quốc tế, sự thiếu hụt cảng hàng không quốc tế và cảng biển. Đây là điểm nghẽn cần ưu tiên tháo gỡ để Ninh Bình mới bắt kịp sự phát triển của các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, các bài viết và phát biểu tại Hội thảo nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế theo tư duy mới, biến các nguồn lực tĩnh (vị trí địa lý, tài nguyên di sản, văn hóa, nhân văn, đất đai) thành động lực phát triển thông qua vốn hóa và chuyển hóa (ví dụ: biến tài nguyên di sản thành tài sản, nguồn lực nhân văn thành động lực, tài nguyên đất đai được vốn hóa), gắn liền với tăng trưởng xanh.
Song song với đó là việc xác định các ngành, lĩnh vực và thứ tự, vị trí của từng ngành, từng vùng động lực đối với phát triển. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất cao rằng tỉnh Ninh Bình mới sẽ lấy du lịch, công nghiệp văn hóa và công nghiệp giải trí làm cụm ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp công nghệ cao theo tư duy hệ sinh thái công nghiệp, tăng trưởng theo mô hình mới dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Lấy các viện nghiên cứu, trường đại học làm lõi để thúc đẩy hình thành doanh nghiệp, thương mại hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo và phát minh sáng chế.
Trong các ngành, lĩnh vực cần tái cơ cấu thì nông nghiệp và nông thôn cũng là một trọng tâm. Nông nghiệp cần chuyển đổi từ truyền thống sang nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, đa giá trị, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tích hợp chức năng bảo vệ môi trường, cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khu vực nông thôn cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị di sản nông nghiệp và kinh tế nông thôn, quy hoạch các khu vực nông thôn, làng nghề gắn liền với phát triển du lịch.
Với chiều dài 90 km bờ biển, cùng với hệ thống sông ngòi, thủy văn, tỉnh cũng cần nhận thức đầy đủ vị trí, lợi thế cảnh quan sông nước vừa phát triển du lịch và các đô thị ven biển, ven sông, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn một lần nữa nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình mới có đặc điểm rất khác biệt trong tương lai khi định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách là một đô thị đối ngẫu đối với các đô thị trong vùng, chứ không phải đô thị vệ tinh hay đối trọng. Đô thị đối ngẫu là đô thị bù đắp những thiếu hụt của các siêu đô thị khác; không chỉ phát triển với tư cách là thành phố du lịch, hậu cần sinh thái, công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng cho siêu đô thị Hà Nội mà nhiều mặt khác như giáo dục, khoa học công nghệ cũng phải đạt tầm quốc tế...
Thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà quản lý với tinh thần trách nhiệm cao, dành nhiều tình cảm và tâm huyết đối với sự phát triển của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập mới hiện nay đang đòi hỏi tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận hoàn toàn khác so với trước đây.
Đồng chí khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tư vấn và báo cáo của các đại biểu, mong muốn trong thời gian tới sẽ có các cuộc tư vấn cụ thể hơn theo từng chuyên đề, giúp Ninh Bình mới có một chiến lược phát triển bài bản, có tầm nhìn, thực hiện được mục tiêu là bứt lên khỏi một số vùng trũng ở một số khía cạnh và trở thành điểm nổi bật trên bản đồ phát triển của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc.