Cần nhận diện rõ những rủi ro tiềm ẩn từ sự tăng trưởng 'nóng' của sầu riêng
Chỉ sau 2 năm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam.

Người dân thu hoạch sầu riêng Ri6. (Ảnh: Thu Hiền/ TTXVN)
Mặc dù đang nhanh chóng vươn lên trở thành mặt hàng hoa quả xuất khẩu chủ lực nhưng ngành sầu riêng cũng đang đối mặt với không ít thách thức, rủi ro tiềm ẩn khi tăng trưởng "nóng." Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 24/5 tại Đắk Lắk.
Sầu riêng đang giảm dần sức “nóng” tại Trung Quốc
Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ có 32.000 ha thì đến 2024 đã tăng lên 178.800 nghìn ha (trung bình mỗi năm tăng 16.300 ha). Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ NN-PTNT.
Trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh, thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Năm 2024, thị trường Trung Quốc chiếm 97,2% và Việt Nam cũng là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc. Chính sự phụ thuộc quá lớn này khiến cho kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc.

Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đáng chú ý, ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu về sầu riêng của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân có thể là từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn và mặt hàng sầu riêng đã giảm dần sức “nóng” tại thị trường tỷ dân này.
Cùng với đó, sự cạnh tranh thị phần và gia tăng kiểm soát về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu đang là thách thức đối với ngành hàng sầu riêng. Đặc biệt là từ nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Trung Quốc đã chính thức cho phép Cambodia, Malaysia... xuất khẩu sầu riêng nên phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần của sầu riêng Việt Nam.
Cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết diện tích sầu riêng tại Đắk Lắk đã đạt 38.800ha, chiếm 21,7% diện tích sầu riêng của cả nước. Tốc độ tăng sản lượng sầu riêng khoảng 126 nghìn tấn/năm. Sản lượng sầu riêng năm 2024 đạt trên 1,5 triệu tấn.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng ngành sầu riêng đang đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế như: Tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển và tăng trưởng “nóng” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và công cụ quản lý đồng bộ, thực tế. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu, tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 của ngành nông nghiệp và môi trường, ảnh hưởng giá trị gia tăng và lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước (nhất là về chất lượng).
“Nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý căn cơ, bài bản, đồng bộ, chúng ta sẽ phải đối mặt với vòng xoáy tiêu cực: Dư thừa sản lượng - giá sụt giảm - mất thị trường. Nghiêm trọng hơn cả là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành trái cây xuất khẩu,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cảnh báo.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường khẳng định cần phân tích toàn diện nguyên nhân của sự tăng trưởng nóng, từ đó nhận diện rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quản lý chất lượng, vùng trồng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, ngành hàng sầu riêng cần xây dựng chiến lược dài hạn, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia./.