Lựa chọn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị cho mô hình chính quyền 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) dự kiến vận hành từ ngày 1-7-2025 là sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay.

Công chức xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: P. Hằng

Công chức xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: P. Hằng

Do đó, cần phải định lượng các tiêu chí một cách cụ thể để lựa chọn được cán bộ đủ sức, đủ tài; bộ máy mới phải hoạt động tốt hơn bộ máy cũ.

Đánh giá bằng các tiêu chí cụ thể

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Lâm Tấn Khải cho biết, đến nay Biên Hòa đã rà soát, thống kê xong số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp thành phố và cấp phường (không bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và y tế). Trong đó phân ra số ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ cấp thành phố và cấp phường còn thời gian công tác từ 48 tháng trở lên; số cán bộ, công chức, viên chức còn thời gian công tác dưới 2 năm; từ 2 năm đến đủ 5 năm; trên 5 năm đến đủ 10 năm và trên 10 năm công tác. Bên cạnh đó, đã khảo sát nguyện vọng cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố và cấp phường.

Giải pháp sắp tới của thành phố Biên Hòa trong việc đánh giá, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức bám sát vào các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền (Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh...) về quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể để thực hiện rà soát, đánh giá lựa chọn và sắp xếp cán bộ. Chú trọng công tác đánh giá năng lực cán bộ trong 3 năm gần nhất để lựa chọn cán bộ, giữ lại công tác và thực hiện sắp xếp cán bộ. Đảm bảo nguyên tắc trong sắp xếp cán bộ là rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm, nếu không chứng minh được vị trí đó làm việc gì, sản phẩm là gì, khối lượng một năm làm được những gì thì sẽ phải vào diện sắp xếp.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Lâm Tấn Khải cho hay, để tìm ra được đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ để vận hành bộ máy mới, đảm bảo tăng hiệu lực, hiệu quả tập trung vào 5 tiêu chí. Một là, cán bộ phải có đạo đức (đạo đức của cán bộ phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn: gương mẫu, dân chủ và có nếp sống văn hóa). Hai là, có tài (có tầm nhìn xa trông rộng, từ cương vị được giao để làm đúng hướng bởi chỗ đứng không quan trọng bằng hướng đang đi; tài tập hợp, làm lãnh đạo mà tập hợp được người khác thì đó là cái tài). Ba là, có bản lĩnh (dám nghĩ ra cái mới để làm, phù hợp với thời đại 4.0; dám hành động để biến suy nghĩ thành hiện thực). Thứ 4, có trình độ ngoại ngữ và thứ 5, có trình độ tin học cao.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, chỉ còn 2 cấp tỉnh và xã thì cấp xã nhiệm vụ nhiều và nặng hơn. Do đó, cán bộ không thay đổi cách làm việc, cứ làm việc theo kiểu “ru ngủ” thì không đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thời gian qua như thế nào sẽ được nhận diện để đánh giá, phục vụ cho việc sắp xếp cán bộ thời gian tới. Yêu cầu bây giờ là làm việc gì cũng phải có sản phẩm cụ thể và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm công việc, không đánh giá theo kiểu chung chung. Có thể lấy cách làm của Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để làm minh chứng, khi phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và làm việc được đổi mới theo hướng cụ thể, sâu sát, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì kết quả đem lại rất cao, từ đó dễ đánh giá cán bộ.

Tại Hội nghị toàn quốc Quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, trong giai đoạn hiện nay không có chỗ cho cơ hội bon chen, trung bình chủ nghĩa, lưng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân, những ai thấy mình không đáp ứng được yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển của đất nước cũng là hình thức bản lĩnh, đáng tự hào, đáng được khen ngợi.

Lựa chọn đúng cán bộ

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy phải đánh giá đúng cán bộ để bố trí, sắp xếp cán bộ thật tốt. Thời gian qua, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, còn nể nang nên bố trí có lúc chưa đúng, chưa chính xác. Giải pháp trong đánh giá cán bộ để thực hiện việc sắp xếp cán bộ thời gian tới là phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương; trong đó chú trọng đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm; năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kết quả sản phẩm gắn liền công việc của cán bộ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Việc thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ phải hết sức chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc với phương châm bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất nổi trội hơn, đảm bảo có đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Văn Trang mong rằng, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cần xây dựng cấp xã tới đây có thể phân công Tỉnh ủy viên làm Bí thư Đảng ủy xã. Do đó, phải bố trí cán bộ cấp xã thật “chắc tay”, có năng lực công tác, tư duy đổi mới phát triển; đặc biệt, phải gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhân dân để phát huy đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh đúng với chủ trương của Trung ương Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vũ Hồng Văn nêu rõ, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cần tránh khuynh hướng tư tưởng cục bộ địa phương. Cán bộ được lựa chọn phải có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, uy tín lãnh đạo, nhất là có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm cụ thể.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/chinh-quyen/202504/lua-chon-doi-ngu-can-bo-dap-ung-yeu-cau-trong-giai-doan-moi-1584ad4/
Zalo