Lời thề giữ biển mãi bất diệt
70 năm hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam khắc những trang vàng vẻ vang vào lịch sử dân tộc. Với Hải quân, lời thề giữ biển mãi bất diệt.
Sáng nay, khi ánh bình minh lấp lánh trên mặt biển, tôi bước chậm rãi trên nền cát ẩm, cảm nhận từng đợt nước len lỏi qua kẽ ngón chân rồi bỗng bần thần lặng người đi khi thấy một đợt sóng lớn chồm vào bờ. Lòng tôi rưng rưng nhớ về những năm tháng khoác trên mình màu áo hải quân.
Hào khí từ những cột mốc vàng son
Bảy mươi năm, một chặng đường dài, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã khắc những trang vàng vẻ vang vào lịch sử dân tộc, từ trận đánh đầu tiên trên vịnh Bắc Bộ đến những ngày kiên cường bảo vệ từng tấc đảo quê hương.
Là người lính biển, từ binh nhì lên đến chuẩn đô đốc, tôi đã dành cả đời mình cho đại dương, nơi mỗi con sóng là một lời thề, mỗi chuyến ra khơi là một sứ mệnh thiêng liêng.
Khi tôi nhập ngũ năm 1983, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi qua gần ba thập niên chiến đấu và trưởng thành. Chiến công đầu tiên của lực lượng non trẻ này, trận đánh ngày 2 và 5-8-1964 trên vịnh Bắc Bộ, đã trở thành huyền thoại.
Ngày ấy, các chiến sĩ hải quân trên những chiếc tàu phóng lôi nhỏ bé, chỉ nặng vài chục tấn, đã dũng cảm đối đầu với tàu khu trục Ma Đốc (Maddox) hiện đại của Hải quân Mỹ. Các tàu T-333 và T-336 đã đánh đuổi kẻ thù, khẳng định sức mạnh và ý chí bất khuất của Hải quân Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập.


Khối Sĩ quan Quân chủng Hải quân tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước vào ngày 30-4, tại TP HCM. Ảnh: THẾ ĐẠI
Chiến thắng ấy không chỉ là một cột mốc lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ chúng tôi. Tôi còn nhớ những buổi sinh hoạt đơn vị, được vinh dự gặp các cựu chiến binh, họ đã kể lại câu chuyện về trận đánh bằng chất giọng hào sảng, đầy tự hào: Mỹ có tàu to, máy bay hiện đại, nhưng chúng ta có lòng yêu nước, có tinh thần thép. Đó là thứ vũ khí mạnh nhất.
Tôi không quên được dấu ấn đặc biệt của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch phá bom từ trường ở Vịnh Bắc Bộ cuối năm 1972. Trong Chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ đã rải rất nhiều thủy lôi, bom từ trường xuống các cửa biển miền Bắc nhằm phong tỏa tuyến đường vận tải chiến lược. Những quả thủy lôi ấy được mệnh danh là "sát thủ dưới lòng biển", có thể phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa cả tàu quân sự lẫn tàu dân sự.
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, một trong những người trực tiếp tham gia chiến dịch, kể lại: "Mỗi lần lặn xuống, chúng tôi đều xác định có thể không trở về. Nhưng nghĩ đến đồng bào, đến đất nước, chẳng ai chùn bước".

Chiến sĩ Hải quân ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: LÊ PHƯƠNG DUNG
Nhờ lòng quả cảm và sự thông minh, các chiến sĩ hải quân đã vô hiệu hóa hàng ngàn quả thủy lôi, mở lại tuyến đường huyết mạch cho miền Bắc. Hình ảnh những người lính biển ôm bom, kéo dây, bất chấp hiểm nguy, đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh thầm lặng.
Tôi lớn lên trong niềm tự hào về Đoàn tàu không số – huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Những con tàu gỗ nhỏ bé, không mang số hiệu, không ánh đèn, lặng lẽ vượt qua sóng gió và sự rình rập của kẻ thù để chở vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong màn đêm đen kịt, sóng đánh nghiêng tàu, máy bay địch quần thảo trên đầu, đã có lúc những con tàu bị hỏng máy giữa biển, cả đoàn nằm im dưới ánh trăng, nín thở chờ địch đi qua nhưng tuyệt nhiên không ai nghĩ đến bỏ cuộc.
Chiến công của Đoàn tàu không số không chỉ nằm ở những chuyến hàng thành công mà còn ở tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Những con tàu ấy đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất - TP HCM) và quần đảo Trường Sa được giải phóng.
Ngày 29-4-1975, các lực lượng hải quân, phối hợp với quân dân địa phương, đã nhanh chóng tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đại úy Nguyễn Văn Đức, người chỉ huy một đơn vị hải quân trong chiến dịch giải phóng đảo Song Tử Tây năm ấy, dưới làn đạn của quân thù, ông và đồng đội vẫn kiên cường tiến lên, cắm cờ Tổ quốc trên đảo, dõng dạc tuyên bố: "Trường Sa là của Việt Nam, mãi mãi là của Việt Nam!".
Nhưng có lẽ, cột mốc khiến trái tim tôi đau đáu nhất là sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988. 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền. Họ, những người lính không đủ vũ khí, không đủ phương tiện, đã đứng thành vòng tròn bất tử, tay trong tay, quyết giữ lá cờ Tổ quốc tung bay trước mặt kẻ thù đến tận phút cuối cùng.
Hình ảnh trung úy Trần Văn Phương, trước khi ngã xuống, vẫn hét lớn: “Chúng tôi thà chết chứ không để mất đảo!", đã trở thành biểu tượng của lòng trung kiên và tinh thần bất khuất của toàn dân tộc trước các thế lực ngoại bang.
Những cột mốc ấy, từ trận đánh tàu Ma Đốc đến Gạc Ma, không chỉ là lịch sử mà còn là "mệnh lệnh không lời" trong trái tim mỗi người lính biển, nhắc nhở chúng tôi rằng, giữ biển không chỉ là nhiệm vụ mà còn là danh dự, là trách nhiệm với Tổ quốc và dân tộc.
Giữ biển là giữ danh dự
Dù không trực tiếp cầm súng nơi chiến trường, tôi đã may mắn được đặt chân đến những vùng biển khắc nghiệt nhất của Tổ quốc. Từ nhà giàn DK1 - những "cột mốc sống" chênh vênh giữa đại dương, đến các đảo chìm, đảo nổi nơi sóng gào, gió thét, đồng đội tôi luôn bản lĩnh, kiên cường trước muôn vàn thử thách.


Nhà giàn DK1. Ảnh: THẾ ĐẠI
Nhà giàn DK1, những công trình thép kiên cố nhưng nhỏ bé giữa biển khơi, là nơi tôi cảm nhận rõ nét nhất sự khắc nghiệt, không chỉ của thời tiết, khí hậu, điều kiện sinh hoạt mà còn của chính nhiệm vụ chúng tôi gánh vác. Năm 1998, trong một chuyến công tác, tôi chứng kiến cơn bão số 8 ập đến, sóng cao hàng chục mét đánh vào nhà giàn, khiến cả công trình rung chuyển. Các chiến sĩ trên nhà giàn, chỉ với vài mét vuông để sinh hoạt, vẫn bình tĩnh bám trụ, kiểm tra thiết bị, báo cáo tình hình về đất liền.
Tôi cũng không thể quên những lần đối mặt với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Năm 2005, trong một chuyến tuần tra gần khu vực quần đảo Trường Sa, chúng tôi phát hiện một tàu nước ngoài cố tình vượt qua ranh giới hải phận. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, tàu chúng tôi kiên trì phát tín hiệu, yêu cầu tàu đối phương rời đi.
Cuộc đối thoại kéo dài hàng giờ, căng thẳng nhưng đầy bản lĩnh. Cuối cùng, tàu nước ngoài phải rút lui. Khi ấy, một đồng đội vỗ vai tôi, cười: "Giữ biển là giữ danh dự. Mình không to tiếng, nhưng cũng không bao giờ nhường nhịn".
Những chuyến cứu ngư dân trong bão tố, nhiệm vụ thời bình, cũng là ký ức không thể phai. Năm 2013, khi cơn bão Haiyan – một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử – đổ bộ Biển Đông, hải quân tham gia cứu hộ một tàu cá bị mắc kẹt gần đảo Sinh Tồn.
Sóng cao hơn chục mét, gió giật cấp 12 nhưng các chiến sĩ vẫn lao vào tâm bão, dùng dây cáp kéo tàu cá về nơi an toàn. Những ngư dân được cứu vớt đã nắm lấy tay những người lính cảm ơn. Một ngư dân nghẹn ngào: "Nếu không có các anh, gia đình tôi đã mất tất cả".
Mỗi hành động của bộ đội hải quân, dù nhỏ, đều mang trong mình niềm tự hào lớn lao: Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ hình ảnh Việt Nam yêu hòa bình nhưng không bao giờ khuất phục.
Trên mỗi bước đường công tác, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó, chúng tôi, những người lính hải quân luôn khắc ghi lời dặn của Đại tướng Lê Đức Anh khi đến thăm Trường Sa: "Quyết giữ vững từng tấc đất, tấc đảo, không để bất kỳ thế lực nào xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Đó trở thành lời thề sắt son, là ngọn lửa cháy bỏng trong lòng mỗi người lính biển.
Niềm tin vào tương lai
Hải quân Nhân dân Việt Nam hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành quân chủng hiện đại với tàu tên lửa, tàu ngầm Kilo, máy bay tuần thám và lực lượng đặc công nước tinh nhuệ. Hệ thống radar, pháo – tên lửa bờ biển và các trang thiết bị tối tân đã giúp hải quân làm chủ vùng biển từ xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: VIỆT NGA

Ngày mới ở Trường Sa. Ảnh: VIỆT NGA
Nhưng sức mạnh thật sự của Hải quân Nhân dân Việt Nam không đặt hoàn toàn ở vũ khí trang bị, mà nằm ở con tim, khối óc và bầu nhiệt huyết của những con người mang tinh thần "đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần".
Lịch sử 70 năm hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam có mất mát, hy sinh, có máu xương và nước mắt còn mặn hơn cả biển của thiệt thòi, của lặng thầm, chia cách. Nhưng chính chặng đường đó là nền tảng vững chắc để chúng tôi, các thế hệ tiếp nối nhau truyền lửa, cổ vũ nhau vững vàng trước mọi sóng gió để viết nên những kỳ tích mới.
Nếu một lần đến với Trường Sa, chúng ta đều nhìn thấy được ánh mắt rực sáng của tất cả những người lính trẻ. Họ có chung lời thề: "Chúng tôi đi, để đất mẹ được yên bình".
Bản lĩnh ấy là sự bất khuất kiên trung của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân trưởng thành từ hào khí ngàn năm của toàn dân tộc.
Dù đã rời quân ngũ, trái tim tôi vẫn hướng về phía biển, nơi có đồng đội tôi ngày đêm bám trụ canh giữ biển trời, coi biển là nhà và tàu là điểm tựa yêu thương.

Giữ biển, giử Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là trọng trách và cũng là lời thề danh dự của Hải quân Nhân dân Việt Nam
Và hôm nay, đứng trước biển, lòng tôi nhớ thương da diết những bậc tiền nhân và tràn ngập lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã mãi hòa tan vào sóng nước biển khơi. Xin nhờ con sóng lớn gửi niềm cảm phục, tự hào đến đồng chí, đồng đội, đặc biệt là những người đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nơi tuyến đảo, nhà giàn DK1.
Cùng nhau, chúng ta giữ chắc tay súng, vững vàng tay lái, để biển đảo Việt Nam mãi là vùng xanh hòa bình, là niềm tự hào muôn đời của thế hệ con cháu mai sau!
Hải quân Nhân dân Việt Nam – lời thề giữ biển mãi bất diệt!