Lợi thế du lịch trong xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp, sang phát triển kinh tế nông thôn với mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, làng nghề đã góp phần giúp các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

 Học sinh trải nghiệm thu hoạch thủy sản ở Homestay Gee Garden (xã Bình Thành)

Học sinh trải nghiệm thu hoạch thủy sản ở Homestay Gee Garden (xã Bình Thành)

Nông nghiệp kết hợp du lịch

Những nông trại kết hợp với du lịch sinh thái để du khách tham quan trải nghiệm như Sun Farm, ở Hương Xuân (Hương Trà) là mô hình đang được nhiều người dân lựa chọn cho việc kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế quỹ đất rộng, nông trại du lịch này bố trí nhiều không gian, từ chuồng trại nuôi động vật, lều nghỉ mát cho du khách, đến những vườn hoa, tiểu cảnh để du khách quay phim, chụp ảnh.

Sau khi đến tham quan và trải nghiệm tại mô hình phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng Sun Farm, chị Nguyễn Thị Liễu, ở TP. Huế chia sẻ, đến đây, được tham gia trải nghiệm các công việc đồng áng cùng “hướng dẫn viên” là nông dân địa phương thật ấn tượng. Thích nhất là được cho các loài động vật như thỏ, chuột cảnh, đặc biệt là cừu ăn... Nông trại còn có dịch vụ ăn uống, các món ăn được thu hoạch và chế biến bởi chính du khách trải nghiệm, làm ra nên rất thu hút...

Với lợi thế đa dạng về địa hình, thị xã Hương Trà hiện đang có khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp. Có thể kể đến như các khe suối ở những xã miền núi Bình Thành, Bình Tiến; những mô hình nông trại, homestay tại Hương Xuân, Hương Chữ... Tuy mới ở giai đoạn đầu, nhưng những mô hình này đã cho thấy hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, cũng như thu hút được khách du lịch đến với địa phương.

Chủ tịch UBND xã Bình Thành, ông Nguyễn Chí Thịnh thông tin: Cùng với điểm du lịch Homestay Gee Garden trên địa bàn có quy mô đầu tư giai đoạn đầu hơn 60 tỷ đồng, khu du lịch sinh thái Khe Đầy của xã cũng đã được đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng và bãi đỗ xe đạt tiêu chuẩn. Hiện, địa phương tích cực kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển khu du lịch trở thành một sản phẩm hấp dẫn của Bình Thành. Bên cạnh đó, xã phát huy điểm du lịch văn hóa truyền thống đồng bào Katu thôn Bồ Hòn, điểm du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả ở 2 thôn Hòa Dương, Hòa Hợp, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM.

 Nông trại kết hợp với du lịch sinh thái là mô hình đang được nhiều người dân lựa chọn

Nông trại kết hợp với du lịch sinh thái là mô hình đang được nhiều người dân lựa chọn

Tích hợp đa giá trị

Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh cho biết: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, khai thác những đặc trưng riêng về du lịch ở nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Mô hình phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm của anh Nguyễn Quốc Triều, ở xã Bình Tiến (Hương Trà) là minh chứng điển hình. Vườn cây ăn trái trên vùng đất gò đồi với diện tích 5ha, được anh quy hoạch thành từng khu riêng biệt với các giống cây như sầu riêng, mít, bưởi da xanh, quýt, ổi... Đồng thời, anh quy hoạch khu chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm. Từ đây, anh có ý tưởng phát triển mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm cây ăn quả trên vùng đất gò đồi, với mục đích đưa du khách đến gần với thiên nhiên, trải nghiệm bầu không khí trong lành cùng với vườn cây ăn trái hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng.

Anh Triều cho hay: Đến đây, du khách có thể nhìn thấy các con vật có nguồn gốc từ hoang dã như heo rừng, gà rừng, dúi… Nếu du khách có nhu cầu thì vẫn có thể thuê đất, tự trồng rau, nuôi cá, nuôi heo... và tự mình thu hoạch thành quả để trải nghiệm cuộc sống như những người nông dân; hoặc có thể tham gia chương trình một ngày làm nông dân, cùng với chủ vườn với các hoạt động chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Khảo sát cho thấy, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ngày càng chặt chẽ, bảo tồn gìn giữ các trị văn hóa đặc sắc của địa phương, vừa tạo đà cho du lịch từng bước phát triển, góp phần xây dựng các tiêu chí NTM.

Theo ông Lê Thành Nam, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi huyện, thị xã có điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; xây dựng từ 1- 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Mỗi huyện NTM phải có mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Theo đó, tỉnh tiếp tục rà soát xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch nông thôn. Trọng tâm là cơ chế chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông, xúc tiến quảng bá, xây dựng hạ tầng viễn thông… nhằm hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn ở địa phương, gắn với xây dựng NTM theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/loi-the-du-lich-trong-xay-dung-nong-thon-moi-149513.html
Zalo