Hà Nội đề xuất giữ 3 Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và GTVT
Hà Nội đề xuất không sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở GTVT do tính chất đặc thù về quản lý Nhà nước.
Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo báo cáo, đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Thành ủy Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở, gồm Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Tư pháp; Văn hóa và Thể thao; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Xây dựng; GTVT; Du lịch.
Như vậy, phương án duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở GTVT của Hà Nội khác với định hướng, gợi ý của Ban chỉ đạo trung ương. Tuy nhiên, theo hướng dẫn cũng nêu rõ: Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực GTVT trên địa bàn, Hà Nội và thành phố HCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở GTVT và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại 2 thành phố này.
Hà Nôi đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính (tên gọi sau sắp xếp là Sở Kinh tế - Tài chính).
Đề xuất hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tên gọi sau sắp xếp là Sở Nông nghiệp và Môi trường).
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ (tên gọi sau sắp xếp là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông).
Cùng với đó, hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp là Sở Nội vụ và Lao động); thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Y tế sẽ tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo. Hà Nội cũng đề xuất sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND thành phố.
Cũng theo báo cáo, Thành ủy Hà Nội đề xuất thực hiện việc sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; đề xuất tổ chức lại Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng thành Đảng bộ các trường đại học, cao đẳng Hà Nội.
Đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố; kết thúc hoạt động của 3 Ban Cán sự Đảng (Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân thành phố, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố).
Ngoài ra, Hà Nội đề xuất kết thúc hoạt động của 8 Đảng đoàn thuộc Thành ủy gồm Đảng đoàn HĐND thành phố; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Đảng đoàn Liên đoàn Lao động thành phố; Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh thành phố; Đảng đoàn Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố; Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố.
Thành ủy Hà Nội đề xuất thành lập 2 Đảng bộ gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp thành phố trực thuộc Thành ủy và Đảng bộ chính quyền thành phố trực thuộc Thành ủy.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Đối với các cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; HĐND thành phố và HĐND quận, thị xã, Hà Nội đề xuất tiếp tục giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay.
Dự kiến có 16 sở và cơ quan ngang sở
Sau sắp xếp, dự kiến có 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, gồm Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Tư pháp; Văn hóa và Thể thao; Kinh tế - Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Nội vụ và Lao động; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Xây dựng; GTVT; Du lịch; Quy hoạch - Kiến trúc.
Bên cạnh những cơ quan, đơn vị đã được Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ định hướng; căn cứ tình hình, đặc điểm của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất sắp xếp đối với một số cơ quan, đơn vị khác theo thẩm quyền của thành phố.
Theo đó, Hà Nội hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự kiến tên gọi sau sắp xếp là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố.
Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các sở và cơ quan liên quan.
Theo phương án mà Thành ủy Hà Nội đề xuất, sau sắp xếp sẽ giảm 1 ban Đảng, giảm 3 ban cán sự Đảng, giảm 8 Đảng đoàn thuộc Thành ủy.
Kết thúc hoạt động, giải thể 3 đảng bộ trực thuộc Thành ủy, thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy.
UBND thành phố.Hà Nội giảm 5 sở và cơ quan chuyên môn (từ 21 sở còn 16 sở); giảm 2 đơn vị trực thuộc khác và tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng.
Giảm 1 ban Đảng, 1-2 đầu mối cấp phòng và tương đương thuộc các quận, huyện, thị xã.