Lợi nhuận ngân hàng vẫn 'trông cậy' nhiều vào tín dụng

Lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tín dụng khi thu nhập lãi thuần chiếm gần 80% cơ cấu thu nhập hoạt động. Trong năm 2025, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp.

Trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện rõ rệt, đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng lợi nhuận của các ngân hàng. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 15,08%, tín dụng nền kinh tế đạt 15,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2 triệu tỷ so với cuối năm 2023 (13,6 triệu tỷ) và đây cũng là động lực cho đà tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều nhà băng.

Thống kê từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, dư nợ cho vay khách hàng đã tăng lên 17,2% sau 12 tháng năm 2024, đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, 22/27 "nhà băng" đang có dư nợ cho vay tăng trưởng ở mức cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế (15,08%), hiện có 10 ngân hàng tăng trưởng trên 20%.

Đóng góp gần 80% tổng thu nhập

Nhận định về lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cho rằng đối với các ngân hàng Việt Nam tín dụng vẫn là động lực chính đóng góp vào lợi nhuận.

Theo thống kê, tổng thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt 511.170 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2023, chiếm 78,5% tổng thu nhập hoạt động của các nhà băng (650.777 tỷ đồng). Ghi nhận 24/27 ngân hàng đều ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần tăng trong năm qua.

Sự tăng trưởng trong thu nhập lãi thuần một phần giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng thêm khoảng 75.522 tỷ đồng so năm 2023, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 của nhóm ngân hàng đã tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 24/29 ngân hàng (bao gồm Agribank, BaoVietBank và 27 ngân hàng niêm yết) tăng trưởng lợi nhuận dương so với năm 2023, 4 nhà băng báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước và một ngân hàng thua lỗ.

Trên thực tế, lợi nhuận ngân hàng lâu nay vẫn luôn phụ thuộc vào tín dụng, cơ cấu thu nhập từ lãi vẫn chiếm đa số đối với các ngân hàng, mặc dù các ngân hàng đang cố gắng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi tuy nhiên con số hiện tại vẫn chưa quá ấn tượng.

Tính đến hết quý IV, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần cả năm tăng 17,8%, đạt 62.403 tỷ đồng, giữ vị trí quán quân về thu nhập lãi thuần, vươn lên vị trí "Á quân" lợi nhuận toàn ngành với lãi trước thuế đạt 31.758 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank.

VietinBank cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất nhóm Big4 trong năm 2024, cho vay của khách hàng đã tăng gần 17% so với đầu năm, đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, cũng đứng thứ hai toàn hệ thống sau BIDV.

Trong nhóm cổ phần, VPBank vươn lên dẫn đầu với thu nhập lãi thuần đạt 49.080 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm trước, nhờ sự phục hồi từ mảng tài chính tiêu dùng. Đến cuối tháng 12/2024, tín dụng hợp nhất của nhà băng này tăng trưởng 22,68%.

Ở các nhà băng quy mô vừa và nhỏ ghi nhận một số điểm nhấn đáng chú ý về nguồn thu từ lãi. Đơn cử như tại KienlongBank, thu nhập lãi thuần đã tăng hơn 56% giúp lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng trưởng gần 55% so với năm trước. Riêng trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ (thu nhập lãi thuần tăng hơn 46%)

Hay tại BVBank, lợi nhuận quý IV của BVBank gấp 20,9 lần so với cùng kỳ chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng trưởng hơn 77% nhờ tăng mạnh hoạt động cho vay (đóng góp gần 40% mức tăng cả năm).

Nhiều kịch bản tăng trưởng lợi nhuận

Báo cáo triển vọng tích cực của ngành ngân hàng năm 2025, quỹ VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2025, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ 0,06 điểm % so với năm ngoái lên 3,55 điểm %.

Các chuyên gia dự phóng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.

Chuyên gia VinaCaptial nhận định cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn.

(Nguồn: Vietcap)

(Nguồn: Vietcap)

Ở góc độ phân tích của các chuyên gia chứng khoán Vietcap, tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Đồng thời, các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng.

Trong năm 2025, chuyên gia Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế gộp tăng 22,3%, được hỗ trợ bởi thu nhập lãi thuần tăng 18,2% do NIM cải thiện và tín dụng tăng mạnh và thu nhập ngoài lãi tăng 22,5% do phí bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phục hồi dần từ mức nền thấp vài năm 2024, thu nhập từ xử lý nợ cao hơn từ các khoản nợ xấu đã xử lý khi thị trường bất động sản phục hồi.

Vietcap dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng như Sacombank (tăng 48%), Vietcombank và ACB (cùng tăng 24%), theo sau đó là TPBank (tăng 23%), Techcombank (tăng 21%). Các ngân hàng như VIB, VietinBank, MB, HDBank, BIDV, VPBank đều tăng trên 10%. LPBank là ngân hàng duy nhất có dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm trong năm 2025.

Minh Nguyệt

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loi-nhuan-ngan-hang-van-trong-cay-nhieu-vao-tin-dung.html
Zalo