Lời giải trong huy động nguồn lực xã hội hóa cho bảo tồn di sản
Theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho bảo tồn di sản là vô cùng cần thiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, giải pháp nào cho bài toán huy động đầu tư từ xã hội cho lĩnh vực này cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Còn lúng túng trong huy động nguồn lực xã hội hóa…
Câu chuyện của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) tiên phong trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa cho bảo tồn, khai thác giá trị di sản vẫn là bài học còn giá trị cho các đơn vị văn hóa trong việc thực hiện công tác này.
Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đơn vị đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong bảo tồn và đưa các chương trình tham quan, trải nghiệm ảo đến với công chúng. Những đổi mới vừa qua chính là thành quả của quá trình hợp tác công - tư giữa Bảo tàng với đơn vị tư nhân trong việc cùng tham gia phát triển bảo tàng, khai thác hiệu quả giá trị của di tích, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Song, đến nay đây vẫn là một trong số ít đơn vị văn hóa thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho bảo tồn, khai thác giá trị của di sản.
Theo ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), từ sau khi Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001 đến nay, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa được đẩy mạnh.
Trong đó, di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa hay các khu danh lam thắng cảnh, cùng với nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa đã góp phần quan trọng bảo tồn các yếu tố gốc, đáp ứng các yêu cầu phát huy giá trị di tích.
Đáng chú ý, các bảo tàng ngoài công lập phát triển mạnh, đến nay có số lượng tương đương và trong tương lai sẽ phát triển hơn bảo tàng công lập. Xã hội còn tham gia bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ cũng như tìm tòi, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở nước ngoài trở về nước và phát huy giá trị mạnh mẽ. Gần đây nhất, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành và tư nhân đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước.
“Những kết quả đạt được bước đầu cho thấy triển vọng rất lớn từ việc thu hút nguồn lực ngoài xã hội cho công tác bảo tồn di sản” - ông Thành nói.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho di sản vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khiến công tác này chưa được triển khai phổ biến, thuận lợi tại nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Dẫn chứng từ các giá trị văn hóa sau khi được UNESCO vinh danh, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay, có rất nhiều tổ chức và cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cơ chế và chính sách của Nhà nước hiện nay chưa cụ thể, chưa đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư nên chưa thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia.
Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trăn trở và chỉ đạo ngành văn hóa tìm giải pháp tháo gỡ. Theo Bộ trưởng Hùng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đến công tác bảo tồn di sản. Chính phủ cũng nỗ lực đảm bảo mức chi cho văn hóa khoảng 2% trong tổng mức chi ngân hàng năm.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện việc này, trong giai đoạn đầu tư công 5 năm vừa qua, Chính phủ đã phân bổ 1.480 tỷ đồng cho 17 dự án ở 17 địa phương và do 17 địa phương làm chủ đầu tư để triển khai phục hồi, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, do số lượng di tích, di sản của chúng ta rất lớn nên nguồn lực như vậy không thể đảm bảo.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ đề xuất huy động nguồn lực xã hội, song “nguồn lực xã hội đó phải thông qua con đường tháo gỡ cơ chế, chính sách bằng luật pháp” - Bộ trưởng Hùng cho biết.
Trong đó có những bất cập cần thiết phải báo cáo Quốc hội để sửa như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn, trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa được hoàn thiện, Bộ VHTTDL đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm và các chính sách Quốc hội đã ban hành, như Luật Thủ đô cho phép khai thác hợp tác công - tư trong lĩnh vực về văn hóa và Hà Nội đang làm tốt; Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trong hợp tác công - tư và một số địa phương khác có chính sách đặc thù...
Luật hóa quy định về xã hội hóa huy động nguồn lực cho bảo tồn di sản
Thực tiễn cho thấy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và nhằm thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư cho di sản, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh công tác này, từ đó phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước.
Điểm đáng mừng là mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Một trong ba chính sách được tập trung sửa đổi lần này là tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này được đánh giá là đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, tạo thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định cụ thể cơ chế, chính sách, trong đó dành riêng một điều về xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật đã có các quy định tương đối rõ ràng, rành mạch liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, xã hội. Qua đó, huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước để cùng với nguồn lực Nhà nước bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như đất nước nói chung.
Với chính sách thí điểm về thu hút xã hội hóa nguồn lực cho bảo tồn di sản tại một số địa phương, kết hợp với giải pháp đồng bộ cấp Trung ương, như Quốc hội thông qua như Chương trình mục tiêu quốc gia, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)..., những vấn đề về nguồn lực sẽ sớm được tháo gỡ để cho di tích, di sản tiếp tục phát huy được giá trị của mình
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng
Với các quy định khá rõ ràng, là hành lang pháp lý quan trọng, cao nhất về xã hội hội hóa công tác bảo tồn, khai thác giá trị di sản khi được thể hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng, điều này sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân có thể tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chung quan điểm, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) tin rằng, những quy định mới trong Luật sẽ tạo ra cú hích về pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả. Điều quan trọng nhất lúc này được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật sẽ được ban hành kịp thời, được triển khai đồng bộ đến các địa phương.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Di sản văn hóa, đối với nội dung liên quan đến huy động nguồn lực xã hội hóa cho bảo tồn di sản cần phải được cân nhắc kỹ, có đánh giá tác động với các luật chuyên ngành khác.
Đồng thời, cần tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan trước khi ban hành, để tránh các quy định của luật đã có nhưng hướng dẫn lại không đủ chi tiết, rõ ràng, hoặc chưa đúng với tinh thần của luật, dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện./.