Quiet Quitting: Khi người trẻ chọn cách 'âm thầm nghỉ việc'
Trong guồng quay xã hội hiện đại, Quiet Quitting, hay 'âm thầm nghỉ việc,' đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong cộng đồng Gen Z tại môi trường văn phòng. Đây không phải là việc từ chức trực tiếp, mà là hành động rút lui khỏi sự cống hiến quá mức tại nơi làm việc, chỉ hoàn thành đúng phần trách nhiệm của mình, không làm thêm giờ hay đảm nhận các công việc ngoài nhiệm vụ chính thức.
Điều này thể hiện qua việc nhiều nhân sự trẻ lựa chọn rời văn phòng đúng giờ, không phản hồi email hay tin nhắn công việc ngoài giờ hành chính. Thay đổi trong cách suy nghĩ này giúp họ giảm bớt áp lực tinh thần và cảm xúc dành cho công việc.
Xu hướng Quiet Quitting đang ngày càng phổ biến khi áp lực công việc và sự kỳ vọng từ môi trường làm việc trở thành gánh nặng với nhiều người trẻ. Quiet Quitting không chỉ phản ánh một thay đổi trong tư duy lao động mà còn đặt ra câu hỏi về cách quản trị nhân sự trong thời đại mới.
Kiệt sức không phải là thành công
Minh Trang (26 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa tại TP.HCM) chia sẻ rằng trước đây cô từng làm việc đến mức kiệt sức, thường xuyên thức khuya để hoàn thành các dự án gấp cho công ty. Ban đầu, cô nàng nghĩ rằng sự cống hiến sẽ giúp mình được đánh giá cao và thăng tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, sau hơn hai năm, sự hy sinh đó chỉ đổi lại sức khỏe giảm sút và tâm lý bất ổn.
“Mỗi lần hoàn thành một dự án lớn, mình lại phải đối mặt với những yêu cầu mới mà không hề có thời gian nghỉ ngơi. Khi mình đề nghị giảm bớt khối lượng công việc, sếp nói rằng ‘đây là cơ hội để phát triển’. Nhưng với mình, đó chỉ là sự lạm dụng sức lao động", Minh Trang chia sẻ.
Giờ đây, cô gái trẻ chọn cách làm việc đúng giờ, chỉ nhận những nhiệm vụ nằm trong thỏa thuận công việc. “Mình không phải làm việc hết sức để chứng minh giá trị của bản thân. Công việc không phải là tất cả, và sự cân bằng mới là điều quan trọng nhất,” Trang nói.
Theo thống kê, 80% người lao động tại Việt Nam phải dành từ 2 đến 5 tiếng làm việc ngoài giờ mỗi ngày để kịp deadline, dẫn đến căng thẳng và rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, hơn 50% lao động Gen Z bày tỏ mong muốn nghỉ việc trong 2 năm và hướng đến nghỉ hưu sớm.
Làm nhiều hơn cũng không được công nhận
Quốc Bảo (25 tuổi, nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) từng nghĩ rằng việc làm thêm ngoài giờ sẽ giúp anh chàng được đánh giá cao trong công ty. Tuy nhiên, sau một thời gian dài đảm nhận những nhiệm vụ ngoài mô tả công việc, Bảo nhận ra rằng sự cống hiến này không mang lại bất kỳ sự công nhận hay phần thưởng nào.
“Có lần mình làm một kế hoạch kinh doanh vượt chỉ tiêu, nhưng khi yêu cầu tăng lương, sếp nói rằng ‘làm tốt là trách nhiệm, không phải lý do để đòi hỏi’. Câu nói đó khiến mình cảm thấy mọi nỗ lực của mình không đáng giá,” Quốc Bảo kể lại.
Từ đó, chàng trai 25 tuổi quyết định chỉ làm việc theo đúng trách nhiệm trong hợp đồng. Anh chàng cũng bắt đầu dành thời gian ngoài giờ cho gia đình và sở thích cá nhân, điều mà trước đây Bảo cho biết từng bỏ qua để cống hiến 100% cho công ty. “Quiet Quitting không phải là biểu hiện của sự lười biếng, mà là cách để bảo vệ bản thân trước sự bất công,” chàng trai trẻ nói thêm.
Sau khi chuyển sang một công ty mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn, Bảo cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn. “Bây giờ, mình làm việc với tâm thế thoải mái hơn. Khi được trân trọng, mình sẵn sàng cống hiến mà không cảm thấy áp lực,” Bảo nói.
Không để công việc "lấn át" đời sống riêng
Minh Quân (24 tuổi, nhân viên tài chính tại TP.HCM) cho biết anh từng làm việc từ 8 giờ sáng rồi tăng ca đến 9 giờ tối mỗi ngày, khiến anh chàng không còn thời gian cho gia đình hay các sở thích cá nhân. “Có những ngày mình không có thời gian để ăn cơm cùng gia đình hoặc thậm chí không nhớ lần cuối mình gặp bạn bè là khi nào,” anh chia sẻ.
Minh Quân quyết định "âm thầm nghỉ việc", làm việc đủ để hoàn thành mục tiêu, nhưng không để công việc lấn át cuộc sống cá nhân. “Mình nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, không chỉ sức khỏe mà cả các mối quan hệ quan trọng trong cuộc đời mình cũng sẽ bị ảnh hưởng,” Quân nói.
Cần sự đánh giá công bằng
Theo chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn, Quiet Quitting là một hiện tượng phản ánh sự thay đổi trong quan điểm về công việc, đặc biệt ở thế hệ trẻ. “Những người trẻ hiện nay ưu tiên sức khỏe tinh thần và sự cân bằng cuộc sống hơn là chạy theo danh vọng hay tiền bạc. Các bạn không muốn trở thành nạn nhân của văn hóa làm việc kiệt sức,” bà nhận định.
Bà cũng chỉ ra rằng, xu hướng này không chỉ xuất phát từ cá nhân mà còn từ môi trường làm việc. Khi nhân viên không được công nhận, hoặc bị áp đặt trách nhiệm vượt quá giới hạn, họ sẽ tìm cách tự bảo vệ mình.
"Giới trẻ ngày nay không còn gắn bó với công việc theo cách truyền thống, mà ưu tiên tìm kiếm sự cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống cá nhân. Giới hạn ranh giới công việc rõ ràng như vậy không chỉ giúp Gen Z duy trì hiệu quả làm việc mà còn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý lâu dài.”
Để tránh tình trạng nhân viên "âm thầm nghỉ việc", chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần:
1. Có sự đánh giá công bằng: Công nhận và khen thưởng xứng đáng những đóng góp của nhân viên.
2. Xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh: Tạo điều kiện để nhân viên nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng.
3. Giao tiếp hiệu quả: Lắng nghe ý kiến của nhân viên để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của họ.
4. Thúc đẩy sự gắn kết: Tổ chức các hoạt động giúp nhân viên cảm thấy mình là một phần quan trọng của công ty.