Bí thư Quảng Nam: Cần chính sách đặc thù xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam

Ngày 18/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 40 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc nâng tầm Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam, từng bước hình thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao.

Tiếp tục làm rõ câu chuyện sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Nghị quyết số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh vừa ban hành có những điểm mới nào về chính sách phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn?

Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Gần 10 năm qua, nhiều Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định sâm Ngọc Linh là cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trả lời phỏng vấn phóng viên VOV miền Trung

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trả lời phỏng vấn phóng viên VOV miền Trung

Cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, trong một thời gian dài, tỉnh Quảng Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình để “đánh thức” và nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết này một lần nữa khẳng quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh trong việc cụ thể hóa Chương trình phát triển sâm Việt Nam và Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PV: Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh vừa ban hành đặt ra nhiều mục tiêu từ nay đến năm 2030, ông có thể nói rõ hơn những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới?

Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết này là: Bảo tồn, xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao; là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; bước đầu hình thành công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400 héc ta. Mỗi năm, khai thác khoảng 300 hecta đến 350 hecta với tổng sản lượng đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm. Đồng thời, xây dựng các khu bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh và vườn sưu tập nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này; mỗi năm sản xuất 5 triệu đến 10 triệu cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi.

Núi Ngọc Linh trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai có độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển.

Núi Ngọc Linh trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai có độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển.

Cây sâm Ngọc Linh sẽ được tỉnh sẽ tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO; xây dựng, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...; Đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.

PV: Tỉnh Quảng Nam sẽ có những giải pháp đột phá nào để cây sâm Ngọc Linh khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới?

Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Chúng tôi xây dựng nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung rà soát, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án, dự án và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung, ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức huy động vốn, hình thức đầu tư nhằm ưu tiên hỗ trợ phát triển giống Sâm Ngọc Linh có chất lượng cao. Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 611, ngày 01/06/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Hiện nay, vùng trồng, diện tích trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam còn quá ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được rao bán.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, họ đều theo xu thế di thực, đưa cây sâm xuống núi, hạ độ cao vùng trồng để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu nhưng vẫn có giải pháp kiểm soát năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm. Tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu và chế biến Sâm Ngọc Linh tập trung; Đẩy mạnh nghiên cứu di thực trồng Sâm Ngọc Linh để mở rộng vùng nguyên liệu; Quản lý mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng được cấp theo quy định; Kiểm tra, đánh giá cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các tổ chức, cá nhân trồng sâm, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng Sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam

Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam

Tỉnh sẽ xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng sâm; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến theo hướng hiện đại; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị, chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, chúng tôi mời gọi các tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước hợp tác với các doanh nghiệp sâm tại tỉnh Quảng Nam, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh quy mô lớn.

Đây là những giải pháp rất quan trọng vì muốn đầu tư bài bản, quy mô lớn, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao thì phải có sự tham gia đầu tư của những tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước. Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Các cơ sở sản xuất, chế biến sâm chủ yếu ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Cho nên phát triển sâm Ngọc Linh thời gian vừa qua chủ yếu chỉ dừng lại ở giá trị một sản phẩm nông nghiệp, được bán dưới dạng thô là bán củ và lá. Làm sao để khai thác giá trị thực sự của cây sâm ở chuỗi giá trị sau khi hình thành ngành công nghiệp sâm mới là điều quan trọng. Lúc đó giá trị sâm Ngọc Linh sẽ tăng lên nhiều lần thông qua các sản phẩm dược, thực phẩm, mỹ phẩm… Mọi người dân Việt Nam đều có thể sử dụng các sản phẩm này với giá thành phù hợp. Ở Hàn Quốc, trước đây sâm là sản phẩm chỉ dành cho người giàu có, nhiều tiền thì đến nay, sâm trở thành sản phẩm dinh dưỡng cho mọi người dân.

Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, những tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ hợp tác, đầu tư tại tỉnh Quảng Nam để xây dựng sản phẩm sâm "made in Vietnam". Chúng tôi sẽ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm Sâm Ngọc Linh, đáp ứng các quy định của pháp luật về xuất khẩu; tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hướng đến xuất khẩu. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức các Hội chợ, Lễ hội Sâm Ngọc Linh quy mô quốc tế...

Tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, điện và thông tin liên lạc tại vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Quảng Nam sẽ tăng cường hợp tác với các nước trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc... để nghiên cứu, trao đổi về kỹ thuật sản xuất cũng như công nghệ bảo quản, chế biến sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, hợp tác phát triển, quảng bá xây dựng thương hiệu quốc gia “Sâm Việt Nam”.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; Huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực (khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Từng bước hình thành công nghiệp dược liệu, công nghiệp Sâm tại Quảng Nam nói riêng và toàn quốc nói chung.

PV: Sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại sâm tốt nhất thế giới có hàm lượng dưỡng chất cao hơn các loại sâm nổi tiếng như sâm Hàn Quốc, sâm Nga, sâm Canada và sâm Mỹ. Vậy theo ông, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có những cơ chế, chính sách đặc thù nào để Sâm Ngọc Linh nói riêng, Sâm Việt Nam nói chung trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế?

Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Tỉnh Quảng Nam mong muốn, Chính phủ và các bộ ngành tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, cần sớm ban hành quy định về trình tự thủ tục hồ sơ, quy định về thời gian thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu; mức giá thuê và hạn mức thuê theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ luôn đồng hành cùng người trồng sâm và doanh nghiệp sản xuất, có hành lang pháp lý chặt chẽ để khẳng định vùng trồng sâm đạt chất lượng bằng các chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Các quy định về pháp luật của họ giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ sâm, tạo niềm tin gần như tuyệt đối từ phía người tiêu dùng.

Còn tại Việt Nam, việc bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh chưa được quan tâm đúng mức. Việc phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân bán các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.

Để xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam, cho ra đời những sản phẩm sâm “made in Vietnam” thì không thể thiếu sự chung tay, hợp tác của các tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước. Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâm liên kết chặt chẽ với người trồng sâm, bao tiêu toàn bộ nguyên liệu thô. Người trồng sâm gần như không cần lo lắng về đầu ra của cây sâm nên họ yên tâm mở rộng diện tích vùng trồng, nâng cao chất lượng cây sâm. Tôi nghĩ rằng, ngoài các cuộc xúc tiến đầu tư từ phía tỉnh Quảng Nam và các địa phương thì Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm Sâm Việt Nam từ công đoạn sản xuất giống, gây trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại các vùng trồng sâm.

Chính phủ cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh; quan tâm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn từ huyện Bắc Trà My đến khu vực giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km); đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh… Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành sâm.

Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2025-2030 tới đây, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu nâng tầm Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam, từng bước hình thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

Đến thời điểm này, sâm Ngọc Linh chính thức là sản phẩm quốc gia. Tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sắp tới đây, câu chuyện phát triển Sâm Việt Nam được khẳng định bằng những giải pháp cụ thể mang tính đột phá, phát triển sâm trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn, có uy tín trên thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bi-thu-quang-nam-can-chinh-sach-dac-thu-xay-dung-thuong-hieu-sam-viet-nam-post1139191.vov
Zalo