Lọc máu 'làm sạch': Sự thật hay chiêu trò?

Hiện nay, lọc máu – một phương pháp điều trị chuyên sâu những tưởng chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân lâm trọng bệnh bỗng nổi lên như một liệu pháp điều trị dự phòng đột quỵ, ung thư… Tin vào quảng cáo, nhiều người đã chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để lọc máu tại các cơ sở trong và ngoài nước.

Bệnh nhân suy thận lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân suy thận lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: BVCC.

Loạn quảng cáo lọc máu phòng ngừa bệnh tật

Với cụm từ “lọc mỡ máu, ngừa đột quỵ”, công cụ tìm kiếm cùng mạng xã hội ngay lập tức cho ra hàng trăm kết quả với những lời quảng cáo có cánh về tác dụng thần kỳ của phương pháp này như giúp giảm mỡ máu, cải thiện cholesterol, ngăn ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, thậm chí là phòng chống ung thư.

“Giải pháp lọc máu - một trong các phương pháp giúp người mỡ máu cao có thể kiểm soát các chỉ số mỡ máu trong cơ thể, giúp loại bỏ cholesterol xấu, các thành phần vi nhựa, virus, vi khuẩn lạ, loại trừ khả năng hình thành cục máu đông trong lòng mạch, phòng ngừa đột quỵ hiệu quả” - đây là một trong những quảng cáo mang tính điển hình bỗng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội trong 2 năm trở lại đây, thu hút sự quan tâm của không ít người dân.

Liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ nói trên, phóng viên được một tư vấn viên diễn giải: “Do nhiều nguyên nhân bên ngoài như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, lối sống thiếu khoa học, lành mạnh… nên mạch máu của con người không được “làm sạch”. Một khi động mạch máu bị ùn tắc, sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe như lượng cholesterol tăng cao, gây ra bệnh về tim mạch, tăng huyết áp và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Nguy hiểm hơn, người bệnh sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, việc làm sạch và thanh lọc máu là điều vô cùng cần thiết và quan trọng trong việc tống chất béo và chất thải ra bên ngoài thành của động mạch, đồng thời còn hạn chế được tình trạng vôi hóa mạch máu. Nhờ vậy mà những cơ quan khác như thận, gan, hệ bạch huyết cũng sẽ hoạt động một cách tốt hơn”.

Tư vấn viên này cho biết thêm, chi phí của dịch vụ trên là 120 triệu đồng/lần lọc máu. Chương trình lọc máu này gần như không chống chỉ định cho bất cứ đối tượng nào, do đó không cần phải trải qua bước tầm soát hay xét nghiệm máu. Lọc máu xong có thể về ngay, không cần nghỉ dưỡng.

Để tăng thêm phần tin tưởng cho khách, tư vấn nhấn mạnh rằng đây là phương pháp thường niên của người Nhật trong hơn 30 năm qua, giúp loại bỏ tạp chất, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Trong khi đó, một đơn vị khác lại quảng cáo công nghệ lọc máu đến từ Đức với lời khẳng định đây là công nghệ tốt nhất hiện nay. Tư vấn viên của cơ sở này cho biết: “Máu sẽ được lọc tuần hoàn 2 quả lọc, khi máu qua quả lọc sẽ tách được các hợp chất hỗn tạp như kim loại nặng, mỡ máu, chất gây viêm nhiễm, độc tố ra 1 túi bên ngoài và trả lại máu sạch truyền lại vào cơ thể, thời gian lọc tuần hoàn mất khoảng 3 tiếng”.

Với chi phí 135 triệu đồng, cơ sở nói trên cam kết 98% khách hàng chỉ cần lọc máu 1 lần là có thể “trường thọ”, phòng ngừa hữu hiệu nguy cơ đột quỵ, ung thư.

Chỉ thực hiện ở các trường hợp bệnh nặng

Thực tế, theo các chuyên gia y tế, phương pháp lọc máu đang được “thần thánh hóa” nói trên là phương pháp lọc huyết tương, thay thế huyết tương, không hề mới trong lâm sàng.

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc - Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải: “Nguyên lý thực hiện của liệu pháp trao đổi huyết tương là tách bỏ huyết tương chứa các thành phần dư thừa, các chất độc ở người bệnh, và thay bằng huyết tương mới. Liệu pháp này được chỉ định trong các trường hợp rối loạn lipid máu hỗn hợp, các trường hợp viêm tụy do tăng triglycerid máu nặng... và cũng được chỉ định tạm thời trong tăng cholesterol máu có tính gia đình nặng – một bệnh lý di truyền chuyển hóa lipid. Liệu pháp này đã được Viện Tim mạch cũng như Bệnh viện Bạch Mai triển khai trong lâm sàng gần 10 năm nay”.

Chuyên gia này cũng khẳng định, đây là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao mới có thể thực hiện được. Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy, tức là được chỉ định ở các trường hợp bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh và được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.

Trong khi đó, trước những quảng cáo lọc máu giúp ngăn ngừa đột quỵ, BS Hồ Thanh Lịch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) chia sẻ: “Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lọc máu có thể ngăn ngừa đột quỵ một cách hiệu quả. Ngược lại, lọc mỡ máu là một thủ thuật xâm lấn nên có thể gây nên các biến chứng như nhiễm trùng, huyết áp thấp, chảy máu, rối loạn điện giải. Đồng thời, lọc máu hoàn toàn không có giá trị lâu dài trên những người bệnh có vấn đề rối loạn mỡ máu. Chưa kể, bản thân trong máu có rất nhiều thành phần, bao gồm bạch cầu, tiểu cầu, một phần lipid, các chất miễn dịch khác, kể cả mỡ máu cũng gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu. Nếu lọc toàn bộ các chất trong máu có thể vô tình lọc cả những chất tốt, ảnh hưởng sức khỏe, như các loại mỡ tốt còn có chức năng làm tăng collagen cho thành mạch, tốt cho não. Do vậy, người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo không có cơ sở, tránh tiền mất tật mang”.

Trước băn khoăn của nhiều người về việc người bình thường có nên lọc máu không? Các chuyên gia y tế đều có chung quan điểm, điều này phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như tình trạng sức khỏe cũng như mục đích lọc máu. Trên thực tế, người bình thường không cần lọc máu bởi hệ thống thận trong cơ thể đã có khả năng làm việc hiệu quả giúp loại bỏ các chất độc tố cũng như các chất thải ra khỏi máu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cụ thể là người bình thường mắc phải các bệnh lý về thận như suy thận, suy giảm chức năng thận… thì lọc máu có thể được cân nhắc bởi phương pháp này sẽ giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe chung đồng thời giảm thiểu các triệu chứng gây ra bởi bệnh lý về thận. Nhiều người có suy nghĩ bị mỡ máu cao, chỉ cần lọc máu sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ là quan điểm sai lầm. Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chỉ là chiêu trò lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân

Gần đây nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở “nổ” rằng chỉ cần lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu sẽ ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...

Tuy nhiên, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn điều trị của các hội chuyên ngành, thế nhưng cho đến nay, không có bất kỳ khuyến cáo nào về việc lọc máu như một phương pháp dự phòng đột quỵ hay thanh lọc cơ thể. Trên thực tế, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị bệnh lý có chẩn đoán xác định, chẳng hạn như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp. Đây là phương pháp đã được chứng minh cứu sống nhiều bệnh nhân, nhưng hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa nếu áp dụng tùy tiện.

Ngay cả những quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến cũng không công nhận lọc máu là biện pháp phòng ngừa bệnh. Việc bỏ tiền để thực hiện một thủ thuật xâm lấn mà hiệu quả chưa được chứng minh là vô ích, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Lọc máu là một phương pháp y khoa quan trọng, được sử dụng để cứu sống bệnh nhân suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng hoặc viêm tụy cấp. Nhưng đến nay, chưa có bất kỳ khuyến cáo khoa học nào về việc sử dụng lọc máu như một biện pháp dự phòng hay làm đẹp. Việc quảng cáo “lọc máu siêu công nghệ” ngừa ung thư, đột quỵ chỉ là chiêu trò lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

TS.BS Trần Chí Cường.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ: Trên thế giới không hề có chỉ định lọc máu để điều trị dự phòng đột quỵ

Đầu tiên cần khẳng định, liệu pháp lọc mỡ máu là một phương pháp điều trị đã được áp dụng trong lâm sàng. Tuy nhiên, việc lọc mỡ máu không có tính chất bắc cầu. Có nghĩa là việc giảm mỡ máu không đồng nghĩa với việc giảm thiểu được nguy cơ đột quỵ. Có thể nói việc loại bỏ mỡ máu gần như không có ý nghĩa trong phòng ngừa đột quỵ sau khi lọc máu bởi tác dụng của liệu pháp này chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí, việc lọc mỡ máu ở những cơ sở không đảm bảo còn có nguy cơ gây ra đột quỵ khi bệnh nhân suy giảm lưu lượng tuần hoàn. Hiện nay, trên thế giới không hề có chỉ định lọc máu để điều trị dự phòng đột quỵ. Do vậy, người dân không nên sử dụng dịch vụ này một cách ngộ nhận.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loc-mau-lam-sach-su-that-hay-chieu-tro-10300473.html
Zalo